Bài học lộ trình mở cửa lại: Seoul - cấp độ dịch nào shipper vẫn hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh TP.HCM đang hướng tới nới lỏng giãn cách sau thời gian áp dụng nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19, báo Pháp Luật TP.HCM giới thiệu loạt bài về lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội ở một số đô thị có nhiều đặc trưng khá tương đồng với TP.HCM.

Bài thứ bảy, chúng tôi giới thiệu lộ trình, cách thức thực hiện của thủ đô Seoul (Hàn Quốc).

Hàn Quốc là nước thứ hai trên thế giới bùng phát dịch COVID-19 chỉ sau Trung Quốc và cũng là nước phải đối mặt tình trạng bùng phát ở đa số các tỉnh thành lâu nhất cho đến nay nếu xét về thời gian.

Từ khi đại dịch lần đầu bùng phát hồi tháng 1-2020, tính đến ngày 15-9, Hàn Quốc - với dân số khoảng 51 triệu người – đã ghi nhận 275.910 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.367 ca tử vong.

Từ ngày 7-7 số ca mắc COVID-19 mới đang có chiều hướng gia tăng liên quan biến thể Delta, bất chấp việc giới chức trách nước này thực hiện các biện pháp điều chỉnh Cấp độ 4 mạnh nhất ở Seoul, tâm chân của đợt bùng phát mới nhất và hiện là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Đại dịch COVID-19 tại Hàn Quốc. Ảnh: AP

Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW), Seoul - với dân số khoảng 9,97 triệu người - đang cố gắng kiểm soát đợt bùng phát COVID-19 thứ tư và lớn nhất ở nước này.

Tính đến ngày 15-9, thủ đô Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng hơn 87.000 ca nhiễm (chiếm 31,73% tổng số ca nhiễm trên cả nước), trong đó có 608 ca tử vong.

Tuy nhiên, bất chấp số ca nhiễm COVID-19 gia tăng, chính phủ Hàn Quốc mới đây đã công bố các kế hoạch khả thi để dỡ bỏ các hạn chế, một khi nước này đạt được mục tiêu kế hoạch tiêm chủng.

Hàn Quốc hướng tới sống chung an toàn với COVID-19

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời bà Jeong Eun-kyung - giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) – hôm 7-9 cho biết mô hình “sống chung an toàn với dịch COVID-19” có thể được chính phủ nước này xem xét sớm nhất là vào cuối tháng 10.

Theo vị quan chức, khoảng thời gian phù hợp để Hàn Quốc áp dụng mô hình này là khi tỉ lệ tiêm vaccine đạt 90% ở người cao tuổi và 80% ở người trưởng thành.

Theo Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 14-9 đánh giá rằng với tốc độ tiêm chủng như hiện tại thì Hàn Quốc hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 10.

Ông cũng tái khẳng định cam kết của chính phủ trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội "theo từng giai đoạn” bằng cách tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia "đã nới lỏng kiểm dịch để hồi sinh của nền kinh tế".

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS

Theo KDCA, đến ngày 15-9, tổng cộng đã có 33,15 triệu người (tương đương 66,2% dân số nước này) đã được tiêm vaccine COVID-19 mũi đầu tiên và 20,48 triệu người (tương đương 39,9%) đã được tiêm chủng đầy đủ.

Cơ quan này cũng cho biết Hàn Quốc hiện duy trì tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở mức thấp là 0,86%, xếp thứ hai sau Israel và các nước kế tiếp là Nhật, Mỹ, Pháp, Anh và Đức. 

Tuy nhiên, chính quyền của ông Moon cũng đang lo ngại về nguy cơ số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến trong kỳ nghỉ lễ Chuseok (Tết Trung thu) bắt đầu từ ngày 18-9 tới. 

Tiêu chí chính sách giãn cách / nới lỏng giãn cách

Theo MOHW, Hàn Quốc áp dụng chính sách giãn cách xã hội gồm bốn Cấp độ (viết tắt là CĐ) với mức độ siết chặt tăng dần.

Ở CĐ1, chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội khi tình hình COVID-19 ở mức ổn định và nguy cơ thấp, trong khi CĐ2 sẽ được áp dụng khi tình hình lây nhiễm ở cấp địa phương, với biện pháp giới hạn tụ tập bắt đầu được thực thi.

Chính phủ nước này tuyên bố CĐ3 khi tình hình lây nhiễm ở cấp khu vực, với việc nghiêm cấm tụ tập và CĐ4 (mức độ cao nhất) khi tình hình dịch bùng phát ở cấp quốc gia.

Xét nghiệm COVID-19 tại Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS

Hàn Quốc chủ yếu căn cứ vào tiêu chí dịch tễ, liên quan mức độ lây nhiễm, để thực thi chính sách giãn cách/phong tỏa hoặc nới lỏng giãn cách tương ứng với các cấp độ trên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc xây dựng bộ tiêu chí liên quan mức độ lây nhiễm cần căn cứ trên số bệnh nhân mới, số lượng người tử vong, số lượng ca nhiễm mới trên 100.000 dân số trong một tuần, và tỉ lệ xét nghiệm dương tính trong một tuần.

Cụ thể, theo MOHW, chính phủ sẽ mở cửa hoặc áp dụng CĐ1 khi trung bình số ca nhiễm COVID-19 trong tuần thấp hơn 1 ca trong 100.000 người/ngày, tổng số ca nhiễm trong cả nước thấp hơn 500 ca/ngày và số ca tại Seoul thấp hơn 250 ca/ngày.

CĐ2 được áp dụng khi trung bình số ca nhiễm COVID-19 trong tuần nhiều hơn 1 ca trong 100.000 người/ngày, tổng số ca nhiễm trong cả nước trên 500 ca/ngày và số ca tại Seoul trên 250 ca/ngày.

Ở CĐ3, trung bình số ca nhiễm COVID-19 trong tuần nhiều hơn 2 ca trong 100.000 người/ngày, tổng số ca nhiễm trong cả nước trên 1000 ca/ngày và số ca tại Seoul trên 500 ca/ngày.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng CĐ4 khi trung bình số ca nhiễm COVID-19 trong tuần nhiều hơn 4 ca trong 100.000 người/ngày, tổng số ca nhiễm trong cả nước trên 2000 ca/ngày và số ca tại Seoul trên 1000 ca/ngày.

Theo Yonhap, trước kỳ nghỉ lễ, Hàn Quốc ngày 3-9 đã quyết định gia hạn thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội CĐ4 ở khu vực Seoul và vùng phụ cận, và CĐ3 ở các khu vực khác thêm một tháng cho đến hết ngày 3-10.

Bên cạnh đó, một số hạn chế đã được nới lỏng để tạo điều kiện cho những người đã tiêm chủng, theo đó có thể tụ tập nhóm sáu người nếu có hai người được tiêm chủng đầy đủ; các nhà hàng được mở cửa đến 22 giờ (thay vì 21 giờ theo quy định trước đây) và cho phép nhiều học sinh tham gia các lớp học trực tiếp hơn.

Ngành nào được mở, hoạt động nào bị cấm?

Trên cơ sở phân cấp độ dịch bệnh, chính phủ Hàn Quốc sẽ quyết định ngành, nghề nào trong nền kinh tế sẽ đóng hay mở cửa ở từng trạng thái giãn cách, cũng như nhóm nào sẽ được ưu tiên và tạo điều kiện hoạt động.

Xét nghiệm COVID-19 tại Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS

Về các dịch vụ thiết yếu: Ở cả bốn cấp độ giãn cách, Seoul tạo điều kiện cho các hoạt động liên quan chuỗi cung ứng thực phẩm và đồ dùng thiết yếu (siêu thị, cửa hàng thiết yếu, cơ sở sản xuất, shipper), cũng như các trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng khám. Tuy nhiên, ở CĐ4, các cửa hàng, shop phải đóng cửa trước 22 giờ.

Về hoạt động sản xuất, công sở, trường học: Ở CĐ1, doanh nghiệp, trường học hoạt động bình thường, trong khi CĐ2 yêu cầu doanh nghiệp trên 300 người (không bao gồm sản xuất) thực hiện xen kẽ giờ làm và đảm bảo 10% nhân viên làm việc từ xa, trường học hoạt động 2/3 công suất.

Ở CĐ3, doanh nghiệp trên 50 người (không bao gồm sản xuất) thực hiện xen kẽ giờ làm và đảm bảo 20% nhân viên làm việc từ xa, trường học hoạt động 1/3 công suất. CĐ4 yêu cầu doanh nghiệp thực hiện xen kẽ giờ làm, 30% nhân viên làm việc từ xa, việc dạy học chuyển sang online.

Về tổ chức sự kiện hội họp: Ở CĐ1, các sự kiện trên 500 người cần được báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền, trong khi việc tổ chức các sự kiện trên 100 người bị cấm ở CĐ2 và trên 50 bị cấm ở CĐ3. CĐ4 nghiêm cấm tổ chức các sự kiện.

Các hoạt động thể thao trong nhà và ngoài trời lần lượt bị giới hạn công suất ở từng cấp độ: CĐ1 (<50% và <70%), CĐ2 (<30% và <50%), CĐ3 (<20% và <30%), riêng ở CĐ4 được tiến hành mà không có khán giả.

Các hoạt động tôn giáo ở CĐ1 và CĐ2 cần đảm bảo hoạt động dưới 50% tổng số người tối đa, trong khi ở CĐ3 là dưới 20% và CĐ4 là dưới 10%.

Về hạn chế di chuyển, tụ tập: CĐ1 yêu cầu giữ khoảng cách 1 mét với người khác.

Liên quan việc tụ tập, CĐ2 cấm trên 8 người và CĐ3 cấm trên 4 người, riêng CĐ4 cấm tụ tập trên 4 người trước 18 giờ và trên 2 người sau 18 giờ. Từ CĐ2 trở đi, khu vực hoạt động tối thiểu của một người là 8 mét vuông.

Tương ứng với từng CĐ từ 1 đến 4, việc tập trung bị cấm lần lượt ở mức >500 người, >100 người, >50 người và cấm tập trung đông người.

Về các loại hình kinh doanh không được hoạt động: CĐ1 cho phép các hoạt động kinh doanh hoạt động bình thường, trong khi CĐ2 sẽ giới hạn giờ mở cửa kinh doanh đến 24 giờ và từ CĐ3 trở đi sẽ giới hạn đến 22 giờ.

Các hoạt động giải trí (karaoke, game, vũ trường, v.v) chỉ được phép mở cửa tới 24 giờ ở CĐ2, tới 22h ở CĐ3 và không được mở cửa ở CĐ4.

Chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Từ tháng 3-2020 đến tháng 7, chính phủ Hàn Quốc đã công bố bảy gói hỗ trợ trong chính sách giãn cách xã hội.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và các bộ trưởng trong nội các. Ảnh: AFP

Về chính sách tài khóa: Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ở lần gần nhất, chính phủ Hàn Quốc ngày 1-7 đã công bố ngân sách bổ sung lần thứ hai được đề xuất cho năm 2021 trị giá 33.000 tỉ Won (khoảng 28,08 tỉ USD, chiếm 1,6% GDP).

Đề xuất bao gồm gói cứu trợ COVID-19 (khoảng 11,69 tỉ USD), các biện pháp kiểm soát dịch bệnh (khoảng 3,74 tỉ USD), các biện pháp hỗ trợ việc làm và an toàn xã hội (2,21 tỉ USD) và các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế địa phương (10,72 tỉ USD). Ngoài ra, khoảng 2,55 tỉ USD từ ngân sách ban đầu sẽ được tái phân bổ cho hỗ trợ nhà ở và các hỗ trợ sinh kế cơ bản khác.

Bên cạnh chi tiêu cho y tế, Hàn Quốc cũng có các gói trợ cấp lương trong thời gian tạm nghỉ lao động và trợ cấp, chuyển tiền tới các hộ khó khăn, chịu ảnh hưởng.

Chính phủ nước này cũng hỗ trợ bảo lãnh vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Về chính sách tiền tệ: Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã thực hiện một số biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho tính thanh khoản của hệ thống tài chính, trong đó có giảm lãi suất 0,75%, áp dụng tái cấu trúc nợ vay và giãn nợ. Tổng thống Moon hôm 24-3 đã công bố kế hoạch ổn định tài chính trị giá 100.000 tỉ Won (khoảng 85,1 tỉ USD, chiếm 5,3% GDP).

Về chính sách ngoại hối, BOK đã hoán đổi ngoại hối trị giá 60 tỉ USD với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm