Bài học lộ trình mở cửa lại: Phnom Penh-đảm bảo dịch vụ thiết yếu, cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh TP.HCM đang hướng tới nới lỏng giãn cách sau thời gian áp dụng nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19, báo Pháp Luật TP.HCM giới thiệu loạt bài về lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội ở một số đô thị có nhiều đặc trưng khá tương đồng với TP.HCM.

Bài thứ hai, chúng tôi giới thiệu lộ trình, cách thức thực hiện của thủ đô Phnom Penh (Campuchia).

Tình hình dịch ở Campuchia bùng phát từ “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2”, xuất phát từ việc một nhóm người Trung Quốc bỏ trốn khỏi khu cách ly tại Phnom Penh. Kể từ đó, số ca nhiễm COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này gần như liên tục tăng, nhưng bắt đầu bùng phát mạnh vào tháng 4.

Tính đến ngày 14-9, Campuchia – với dân số khoảng 16,5 triệu người - đã ghi nhận 100.790 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.058 trường hợp tử vong, theo trang thống kê Worldometers.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Campuchia. Ảnh: UNICEF

Diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia có xu hướng xấu đi kể từ ngày 10-9, với số ca nhiễm tăng trong số lao động Campuchia trở về từ Thái Lan và số ca nhiễm biến thể Delta tại Phnom Penh cũng như trên cả nước tiếp tục tăng.

Từ ngày 31-3 đến ngày 9-9, Viện Pasteur Campuchia ghi nhận tổng cộng 3.731 ca nhiễm biến thể Delta tại 24/25 tỉnh, thành trên cả nước.

Trong đó, Phnom Penh - với dân số khoảng 1,5 triệu người - hiện là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nhất với 1.256 trường hợp nhiễm biến thể Delta (tính đến ngày 10-9), theo tờ Khmer Times.

Chính sách giãn cách tại Campuchia

Campuchia chủ yếu căn cứ vào tiêu chí dịch tễ, liên quan mức độ lây nhiễm, để thực thi chính sách giãn cách/phong tỏa hoặc nới lỏng giãn cách.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc xây dựng bộ tiêu chí liên quan mức độ lây nhiễm cần bao gồm số bệnh nhân mới, số lượng người tử vong, số lượng ca nhiễm mới trên 100.000 dân số trong một tuần, và tỉ lệ xét nghiệm dương tính trong một tuần.

Theo Khmer Times, Campuchia áp dụng chính sách giãn cách xã hội gồm ba cấp độ với mức độ siết chặt tăng dần.

Ở cấp độ 1, Campuchia bắt đầu các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi cấp độ 2 sẽ áp dụng giờ giới nghiêm (từ 20 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau hoặc từ 21 giờ tối hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau) và cấp độ 3 sẽ phong tỏa toàn thành phố.

Liên quan cấp độ 3, chính phủ Campuchia ngày 14-4 đã ban hành Chỉ thị số 49 đặt thủ đô Phnom Penh trong tình trạng phong tỏa và giãn cách xã hội trong vòng hai tuần.

Trên cơ sở phân cấp độ dịch bệnh, chính phủ Campuchia sẽ quyết định ngành, nghề nào trong nền kinh tế sẽ đóng hay mở cửa ở từng trạng thái giãn cách, cũng như nhóm nào sẽ được ưu tiên và tạo điều kiện hoạt động.

Hình ảnh bên ngoài một khu phố bị phong tỏa tại Phnom Penh. Ảnh: AFP

Về các dịch vụ thiết yếu và chuỗi cung ứng thực phẩm: Ở cả ba cấp độ giãn cách, Campuchia tạo điều kiện hoạt động đối với các ngành y tế, thú y, cung cấp điện, nước, viễn thông, vận tải, sản xuất, dược phẩm, siêu thị, trạm xăng, cửa hàng tiện lợi, dịch vụ ăn uống, khách sạn và nhà nghỉ. Các sự kiện hội họp không cần thiết sẽ bị dừng, trừ các sự kiện y tế hoặc của chính phủ.

Về hoạt động sản xuất, công sở, trường học: Cả ba cấp độ giãn cách đều yêu cầu các trường học đóng cửa và dạy học online. Các doanh nghiệp sẽ hoạt động bình thường ở cấp độ 1 và 2, trong khi cấp độ 3 yêu cầu doanh nghiệp cung ứng hàng hóa và các dịch vụ khác hoạt động online.

Về quy định hạn chế di chuyển, tụ tập: Việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là bắt buộc. Bên cạnh cấm tụ tập và tạm dừng di chuyển giữa các bang, cấp độ 2 cấm việc đi lại trong giờ giới nghiêm, trừ các trường hợp thiết yếu: có vấn đề khẩn cấp về sức khỏe, xét nghiệm, đi tiêm chủng và việc di chuyển của người kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trong thời gian phong tỏa theo cấp độ 3, người dân trong khu vực phong tỏa không được ra khỏi nhà, trừ các trường hợp thiết yếu như có vấn đề sức khỏe khẩn cấp (tối đa bốn người trên một phương tiện giao thông cá nhân). Việc tụ tập trên 10 người cũng không được cho phép.

Người dân được phép các ra khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm, nhưng giới hạn ở mức 2 người/hộ và không quá 3 lần/tuần. Những đối tượng được phép đi làm gồm phóng viên, nhân viên ngoại giao, nhân viên các tổ chức quốc tế, chính phủ và phi chính phủ.

Về các loại hình kinh doanh không được hoạt động: Ở cấp độ 1 và 2, các rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng phải ngưng hoạt động. Cấp độ 2 cấm các hoạt động kinh doanh trong khung giờ giới nghiêm và nhà hàng chỉ bán mang về / giao hàng.

Trong khi đó, cấp độ 3 cấm các hoạt động kinh doanh trong khung giờ giới nghiêm; cấm các hoạt động giải trí, bảo tàng, khu vui chơi trẻ em, dịch vụ massage/xông hơi, các cơ sở bán đồ uống có cồn, nhà hát, sân khấu biểu diễn và các câu lạc bộ thể thao. Nhà hàng chỉ bán qua hình thức giao hàng.

Chính sách chống dịch theo vùng nguy cơ tại Campuchia

Ngày 26-4, chính phủ Campuchia ra quyết định phân vùng thủ đô Phnom Penh theo mức nguy cơ lây nhiễm thành ba loại vùng màu: Đỏ, cam và vàng.

Theo đó, mỗi vùng màu sẽ được áp dụng mức độ giãn cách/phong tỏa khác nhau.

Hình ảnh một vùng đỏ tại Phnom Penh. Ảnh: KHMER TIMES

Vùng vàng (mức lây nhiễm thấp): Cư dân được phép ra đường ngoài khung giờ giới nghiêm. Phần lớn các hoạt động kinh doanh được phép mở cửa với điều kiện tuân thủ các quy định an toàn sức khỏe do Bộ Y tế đưa ra.

Vùng cam (mức lây nhiễm trung bình): Cư dân hạn chế ra đường ngoài giờ giới nghiêm. Một số hoạt động kinh doanh thiết yếu được phép mở cửa với điều kiện tuân thủ theo quy định của chính quyền địa phương.

Vùng đỏ (mức lây nhiễm cao): Cư dân không được ra khỏi nhà trừ trường hợp khẩn cấp. Các hoạt động kinh doanh đóng cửa hoàn toàn. Chính quyền địa phương tiếp tế nhu yếu phẩm cho từng hộ dân. Quân đội được điều động tới các vùng đỏ. Các vùng đỏ dần được thu nhỏ thành cấp độ hộ dân cư có nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo Khmer Times, ngày 20-5, thủ đô Phnom Penh dỡ phong tỏa các vùng đỏ trên toàn thành phố sau gần một tháng ban bố lệnh phong tỏa nhằm phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến thể Delta lây lan trong cộng đồng, Phnom Penh từ ngày 29-7 đến 20-8 đã phong tỏa toàn thành phố lần thứ hai với lệnh giới nghiêm từ 21 giờ tối hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau, đồng thời tiếp tục áp dụng phân cách các vùng màu theo nguy cơ lây nhiễm.

Bức tranh COVID-19 lạc quan hơn, Campuchia dần mở cửa?

Tờ The Phnompenh Post dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth ngày 8-9 cho biết nước này sẽ sớm có thể mở cửa lại hoàn toàn các hoạt động kinh tế xã hội.

Ông Pornmoniroth cho biết bức tranh COVID-19 tổng thể đã sáng sủa hơn trong tháng qua, lý giải rằng tiến độ chiến dịch tiêm chủng COVID-19 tại Campuchia đang được thúc đẩy nhanh chóng, cũng như số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày, số ca bệnh nặng và tử vong trong một tháng qua có xu hướng giảm.

“Campuchia được kỳ vọng sẽ đạt khả năng miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc và dần dần mở cửa trở lại toàn bộ các hoạt động kinh tế xã hội trong tương lai gần” – ông Pornmoniroth cho hay.

Tuy nhiên, vị bộ trưởng không đưa ra khung thời gian cụ thể cho kế hoạch mở cửa trở lại.

Campuchia xem xét mở lại trường học. Ảnh: AP

Sau bảy tháng triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 trên toàn quốc, Campuchia hiện là nước đạt tỉ lệ tiêm phòng COVID-19 cho người dân ở mức cao thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Tạp chí The Diplomat dẫn báo cáo của công ty Mekong Strategic Partners cho thấy Campuchia sẽ đạt mức tiêm phòng COVID-19 đầy đủ cho 70% dân số vào ngày 21-9. Trong khi đó, để đạt được mức tiêm chủng đầy đủ trên, Philippines phải tới ngày 22-3-2022 mới hoàn thành, Indonesia và Thái Lan là ngày 22-7-2022.

Phnom Penh hiện cũng là một trong số các thủ đô có tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới, với khoảng 99% dân số trưởng thành đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Theo báo cáo, những yếu tố trên đã đặt Campuchia vào thế thuận lợi để có thể chấm dứt phong toả và tái kích hoạt nền kinh tế sớm hơn nhiều quốc gia khác.

Có thể thấy, thời gian qua, Campuchia đã có một số bước dần nới lỏng, điển hình là việc xem xét mở cửa lại trường học hay ngành du lịch.

Ngày 2-9, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã thiết lập tổ công tác nhằm đánh giá khả năng mở cửa lại các cơ sở giáo dục trong thành phố.

Trước đó, phát biểu tại hội thảo trực tuyến do Quốc hội tổ chức hôm 17-8, Bộ trưởng Pornmoniroth cho biết Campuchia đang sẵn sàng khởi động kế hoạch 2021-2023 để đưa nền kinh tế thoát khỏi ảnh hưởng từ COVID-19 và vạch ra lộ trình tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Quan chức này cho biết Campuchia đã vạch ra ba chiến lược ưu tiên để đưa nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng cao, bao gồm “phục hồi kinh tế”, “cải cách” và “xây dựng khả năng phục hồi”.

Các chính sách hỗ trợ người dân

Báo cáo thường niên của công ty đánh giá tín dụng Moody’s Investors Service - được công bố ngày 19-5 - đánh giá chính phủ Campuchia đã huy động nguồn lực tài chính đáng kể cho các biện pháp kích thích kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ cho các khu vực tín dụng cá nhân dễ bị tổn thương.

Theo số liệu tính đến ngày 5-5 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), về chính sách tài khóa, Campuchia đã phân bổ một gói hỗ trợ trị giá 60 triệu USD cho việc xét nghiệm, ngăn chặn và điều trị COVID-19. 

Nước này cũng trích hơn 760 triệu USD phục vụ hỗ trợ xã hội, trong đó có khoản 502 triệu USD để chuyển tiền hàng tháng tới các hộ gia đình nghèo và chịu ảnh hưởng từ COVID-19.

Về trợ cấp, chính phủ Campuchia phân bổ 123 triệu USD để trợ cấp lương cho người bị nghỉ việc ở các ngành dệt may và du lịch, cũng như có chính sách ưu đãi thuế, miễn thuế cho ngành du lịch, hàng không.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) đã chỉ đạo các ngân hàng và tổ chức tín dụng vi mô tái cơ cấu các khoản nợ vay ở những khu vực bị ảnh hưởng như dệt may, du lịch, xây dựng và giao thông vận tải.

NBC cũng thực hiện một số biện pháp để cải thiện thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, như cắt giảm lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc tại mức 7%.

Về chính sách ngoại hối, Campuchia tiếp tục giữ thị trường thả nổi. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm