Bài học thấm thía từ án oan - Bài 1: Điều tra sơ sài, kiểm sát lỏng lẻo

Khoảng 6 giờ sáng 21-5-1993, người dân thôn 2, xã Tân Minh, Hàm Tân (Bình Thuận) phát hiện xác chết trong một vườn điều. Sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập các dấu vết tại hiện trường.

Làm oan chín người vô tội

Kết quả khám nghiệm tử thi và giám định pháp y đã xác định nạn nhân là bà Dương Thị Mỹ (người xã Tân Minh), bị tử vong do nhiều vết chém bằng sắt nhọn vào vùng mặt bên trái, đỉnh đầu phải… Theo gia đình bà Mỹ khai báo, tài sản của nạn nhân bị mất gồm một chiếc đồng hồ, một sợi dây chuyền vàng, ba chiếc nhẫn vàng.

Xác định đây là vụ giết người nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án và tiến hành điều tra. Tuy nhiên, đến tháng 9-1993, cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án vì không tìm ra được thủ phạm.

Gần năm năm sau, tháng 4-1998, cũng tại thôn 2 (xã Tân Minh) tiếp tục xảy ra một vụ giết người, cướp của tương tự. Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Huỳnh Văn Nén. Mở rộng điều tra, Nén khai vụ “Vườn điều” là do bà Nguyễn Thị Lâm tổ chức, cầm đầu, còn đồng phạm là những người trong gia đình bà Lâm.

Bài học thấm thía từ án oan - Bài 1: Điều tra sơ sài, kiểm sát lỏng lẻo ảnh 1

Bà Lâm nghe công bố quyết định của VKSND tối cao hủy bỏ biện pháp tạm giam. Ảnh: CTV

Trên cơ sở lời khai của Nén, tháng 12-1998, cơ quan điều tra đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ “Vườn điều”, khởi tố bà Lâm cùng tám người khác. Tháng 11-1999, cơ quan điều tra có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp để truy tố bà Lâm và năm người khác về hai tội giết người và cướp tài sản của công dân. Riêng ba người còn lại được đình chỉ điều tra do chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Tháng 2-2001, TAND tỉnh Bình Thuận đã xử sơ thẩm lần đầu, phạt bà Lâm 10 năm tù, các bị cáo khác từ ba đến tám năm tù về hai tội trên. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 4-2002, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì chưa đủ chứng cứ kết tội.

Tháng 7-2005, TAND tỉnh Bình Thuận xử sơ thẩm lần hai, phạt bà Lâm bảy năm tù, các bị cáo khác từ năm đến sáu năm tù về tội giết người. Các bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan. Tháng 11-2005, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại một lần nữa hủy án sơ thẩm và kiến nghị Bộ Công an điều tra lại vụ án.

Một tháng sau, cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với gia đình bà Lâm vì không phạm tội. Sau đó, các cơ quan tố tụng của Bình Thuận đã làm các thủ tục bồi thường oan cho họ...

Điều tra sơ sài

Dù xác định vụ “Vườn điều” là án giết người, cướp của gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng công tác điều tra được thực hiện rất sơ sài, nhiều tình tiết được ghi nhận rất vô lý.

Cụ thể, từ 6 giờ sáng người dân đã phát hiện ra xác chết và trình báo nhưng mãi tới 14 giờ chiều cùng ngày Công an tỉnh Bình Thuận mới có mặt tại hiện trường. Do công tác bảo vệ không tốt nên hiện trường đã bị xáo trộn.

Cạnh đó, việc tổ chức khám nghiệm hiện trường được thực hiện rất sơ sài, những cán bộ tham gia khám nghiệm hiện trường đã bỏ qua nhiều dấu vết quan trọng, dẫn tới hậu quả là trong các biên bản khám nghiệm hiện trường và biên bản khám nghiệm tử thi đã mô tả không chính xác hiện trường vụ án.

Chẳng hạn, biên bản khám nghiệm hiện trường mô tả: “Tử thi nằm khá kín đáo dưới gốc cây điều cành lá xum xuê”. Với sự mô tả này, thủ phạm sẽ không thể dùng dao chém nạn nhân được vì bị vướng vào các cành cây. Biên bản khám nghiệm tử thi thì ghi: “Tử thi đã thối rữa, mặt nhiều nhộng bọ, hở hai hàm răng không còn khả năng nhận dạng”, trong khi lại xác định nạn nhân mới chết 18 tiếng.

Cơ quan điều tra xác định nạn nhân bị chém nhiều nhát sâu tới xương nhưng biên bản khám nghiệm tử thi lại không mô tả chi tiết đặc điểm, tính chất hung khí, cơ chế hình thành thương tích, không mô tả dấu vết trên quần áo nạn nhân.

Mặt khác, quá trình điều tra thu giữ được một đoạn sắt gỉ có hình con dao nhưng không chụp ảnh, lập biên bản nhận dạng khu vực đào bới, khi lập biên bản thu giữ đoạn sắt trên không cho bị can ký vào biên bản… Do vậy, khi đưa vật chứng ra xem xét tại phiên tòa chỉ là một gói gỉ sét lẫn với đất nên không có giá trị chứng minh.

Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định thời điểm xảy ra vụ án vào ban đêm. Lời khai trong bút lục mô tả chi tiết từ khoảng cách 5 m thấy bà Lâm dùng kéo cắt tóc, một người khác lột bông tai vàng của nạn nhân. Thế nhưng khi thực nghiệm hiện trường, ở khoảng cách 5 m chỉ thấy bóng người, không thể thấy được những hành vi cụ thể, thậm chí từ khoảng cách 2 m cũng không thể nhìn thấy các chi tiết trên...

Kiểm sát lỏng lẻo

Những thiếu sót trong quá trình điều tra sẽ được khắc phục hoặc hạn chế nếu kiểm sát viên kiểm sát điều tra thực hiện đúng chức năng, bổn phận của mình. Tuy nhiên, kiểm sát viên đã không yêu cầu điều tra viên thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của BLTTHS. Vì vậy, tại phiên tòa, khi luật sư bào chữa cho rằng hiện trường vụ án là hiện trường giả, nạn nhân không phải là bà Mỹ thì kiểm sát viên không có căn cứ để tranh luận và bảo vệ quan điểm truy tố.

Đối với các thiếu sót trong việc thu thập, bảo quản và xử lý vật chứng, kiểm sát viên đã không tuân thủ đúng các quy định của Quy chế Công tác kiểm sát điều tra, dẫn đến việc không phát hiện kịp thời để yêu cầu khắc phục. Mặt khác, kiểm sát viên cũng không trực tiếp hỏi cung bị can để kiểm tra phương pháp xét hỏi của điều tra viên khi lời khai của bị can trước sau không thống nhất hoặc giữa các lời khai có nhiều mâu thuẫn. Kiểm sát viên cũng không yêu cầu cơ quan điều tra cho thực nghiệm lại điều tra hoặc trưng cầu giám định lại.

Vụ “Vườn điều” là vụ án phức tạp, sau gần năm năm mới được phục hồi điều tra, hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn, trình tự thu thập và bảo quản vật chứng có nhiều thiếu sót, chứng cứ kết tội chủ yếu dựa vào lời khai của các bị can nhưng các lời khai này có rất nhiều mâu thuẫn. Thế nhưng kiểm sát viên đã không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, không phân tích, tổng hợp, đánh giá đầy đủ các chứng cứ nên đã không phát hiện và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, thiếu sót, vi phạm. Một số bản cung ghi lời khai có dấu hiệu của việc mớm cung nhưng kiểm sát viên không phát hiện và không yêu cầu khắc phục...

Khởi tố cả người chưa đủ 14 tuổi

Trong vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Trần Thanh Vân về tội giết người trong khi Vân chưa đủ 14 tuổi. Trong quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đều ghi Vân sinh năm 1979 mà không ghi rõ ngày tháng. Nếu coi Vân sinh vào ngày cuối cùng của năm 31-12-1979 thì tới tháng 5-1993 (khi vụ án xảy ra), Vân vẫn chưa đủ 14 tuổi nên chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Điều đáng nói là do không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nên kiểm sát viên cũng không phát hiện được tình tiết này từ giai đoạn khởi tố dẫn đến việc khởi tố người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Dẫn đến sau này VKS đã phải đình chỉ điều tra đối với Vân.

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm