'Bài toán' Biển Đông sau chuyến thăm của phó tổng thống Mỹ

Chiều 26-8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong buổi họp báo đã nhắc đến vấn đề Biển Đông: “Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam (VN) đẩy lùi mọi ý đồ xâm phạm quyền tự do hàng hải và thay đổi trật tự khu vực dựa trên luật pháp…”.

Nhận định về vấn đề Biển Đông sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, PGS-TS Vũ Thanh Ca (ảnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo VN; giảng viên cao cấp ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng việc VN và Mỹ tăng cường hợp tác sẽ mang lại hiệu ứng tích cực để tăng cường an ninh, thúc đẩy thượng tôn pháp luật.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại buổi họp báo chiều 26-8.
Ảnh: TTXVN

Thông điệp Mỹ - Trung ở Biển Đông

. Mỹ đã phát động cuộc “tập trận toàn cầu quy mô lớn năm 2021” kéo dài đến hết ngày 27-8. Phía Trung Quốc (TQ) thì tổ chức tập trận trái phép ở Biển Đông, bao trùm phần lớn quần đảo Hoàng Sa của VN. Ông đánh giá như thế nào về thông điệp của mỗi bên (Mỹ và TQ) thông qua các động thái vừa qua trên thực địa?

 + PGS-TS Vũ Thanh Ca: Về tổng thể, quy mô cuộc tập trận của Mỹ và các đồng minh khác xa cuộc tập trận của TQ. Thông điệp của hai bên về cuộc tập trận cũng rất khác nhau. Thông điệp của Mỹ và các đồng minh là duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải và luật pháp quốc tế rất có lợi cho các quốc gia xung quanh Biển Đông trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên biển.

Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM) nêu rõ: “Mỹ thực hiện cam kết làm việc với mạng lưới các đồng minh và đối tác trong một môi trường hoạt động phức tạp để bảo đảm ổn định khu vực, củng cố trật tự dựa trên luật lệ, bảo đảm thông tin và duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, có lợi cho tất cả quốc gia”. INDOPACOM còn nêu rõ ngoài mục đích huấn luyện, cuộc tập trận còn cải thiện khả năng phối hợp hành động của các đồng minh để ứng phó với những thách thức về an ninh.

Cần chú ý rằng trong bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khi đến thăm VN cũng đã nhấn mạnh việc cần tìm những giải pháp để TQ tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), chấm dứt những hành động bắt nạt và tuyên bố chủ quyền biển quá đáng của họ… Phía Mỹ cũng tiếp tục cho thấy mong muốn duy trì hợp tác an ninh, khẳng định hải quân Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Biển Đông. Điều đó sẽ thách thức hành động bắt nạt, đe dọa và yêu sách phi pháp của bất kỳ nước nào tại khu vực.

Cần nhấn mạnh rằng việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, an ninh, an toàn, tự do và rộng mở là quyền lợi của Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ. Mỹ cũng đã chỉ đích danh đối tượng gây ra những bất ổn khu vực thông qua “những hành động bắt nạt và tuyên bố chủ quyền biển quá đáng” tại khu vực.

Trong khi đó về phía Bắc Kinh, có thể nói cuộc tập trận trên vùng biển Bắc Biển Đông và bao trùm một diện tích rất lớn của quần đảo Hoàng Sa là một hành động đáp trả cuộc tập trận của Mỹ và các đồng minh; củng cố tham vọng của họ là độc chiếm Biển Đông.

Việt Nam và Singapore trong chiến lược của Mỹ

. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Singapore và VN trong thời điểm này, trước đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Theo ông, cách tiếp cận của chính quyền ông Biden đối với khu vực Biển Đông như thế nào?

+ Cần chú ý rằng chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Singapore và VN được thực hiện rất sớm trong nhiệm kỳ của Biden - Harris. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Singapore và VN nói riêng, Đông Nam Á nói chung với Mỹ.

Chiến lược của Mỹ là phải duy trì được vị trí siêu cường, tức là phải duy trì được cả sức mạnh kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao vượt trội. Mỹ hiểu rất rõ nếu chỉ đơn thương độc mã thì không thể thực hiện được. Do vậy, việc củng cố các quan hệ đồng minh, đối tác của Mỹ là cực kỳ quan trọng. Ở Đông Nam Á, Singapore là một nước có nền kinh tế phát triển nhất và do vậy phụ thuộc rất lớn vào giao thương quốc tế thông qua đường biển. Vì vậy, Singapore dù không có tranh chấp trên Biển Đông nhưng rất cần duy trì hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế trên Biển Đông để phát triển kinh tế.

VN là một quốc gia có chủ quyền chính đáng ở Biển Đông, bị TQ chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. VN hiện nay lại là một nước rất ổn định về chính trị, có tốc độ phát triển kinh tế cao. Do vậy, VN là một quốc gia mạnh trong khu vực, ngoại giao và đường lối đấu tranh rất khôn khéo, hiệu quả để bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp trên biển. Nhìn lại thành tựu về ngoại giao mà VN và khối ASEAN đạt được trong năm 2020 thì sẽ thấy được sức mạnh hiện nay của VN. Như vậy, việc củng cố, nâng cấp quan hệ với Singapore và VN, thông qua đó củng cố khối đoàn kết để tạo hành động chung cho khu vực là một cách tiếp cận rất khôn ngoan của chính quyền Tổng thống Biden.

Kỳ vọng tăng cường an ninh Biển Đông

. Sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ, ông kỳ vọng như thế nào về bức tranh hợp tác an ninh song phương Việt - Mỹ để bảo đảm khu vực Biển Đông “tự do, rộng mở”?

+ VN và Mỹ có lợi ích song trùng trên Biển Đông và lợi ích này phù hợp với luật pháp quốc tế, giúp bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và thịnh vượng của các quốc gia xung quanh Biển Đông. Hai nước cũng đã hợp tác rất mạnh mẽ, toàn diện về chính trị, ngoại giao và quân sự, có kim ngạch giao thương rất lớn và ngày càng tăng. Vì vậy, tôi cho rằng việc nâng cấp quan hệ song phương là phù hợp với thực tế và quyền lợi hai nước. 

Do vậy, tôi kỳ vọng rằng sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ lần này, cả hai nước sẽ có thể cùng nhau xem xét chọn thời điểm thích hợp xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cấp quan hệ song phương trong tương lai. Đó là nền tảng quan trọng để hai nước có những hợp tác sâu rộng hơn, trong đó có hợp tác bảo đảm an ninh và thực thi luật quốc tế ở khu vực Biển Đông.

. Có ý kiến lo ngại việc nâng cấp quan hệ sẽ ảnh hưởng đến chủ trương ngoại giao của VN lâu nay, ông nghĩ sao về băn khoăn này?

+ Đúng là VN kiên trì với chính sách quốc phòng “ba không” và gần đây nâng cấp thành “bốn không”. Điều đó là đúng. Tuy vậy, tôi cho rằng quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ không ảnh hưởng gì tới chính sách quốc phòng “bốn không” của VN. Mặt khác, hợp tác chặt chẽ hơn của VN với Mỹ, các siêu cường và các nước ngoài khu vực cũng như các nước Đông Nam Á sẽ có tác động rất tích cực, giúp chúng ta bảo đảm khu vực Biển Đông, một phần của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do, rộng mở” và tăng sức ép buộc mọi quốc gia, nhất là TQ, phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

. Xin cám ơn ông.•

 

Việt Nam độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa…

VN kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…

VN luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn cùng Mỹ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Việt - Mỹ phát triển thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài, góp phần xây dựng và củng cố lòng tin, tạo cơ sở để hai bên tích cực trao đổi, tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới…

Chủ tịch nước NGUYỄN XUÂN PHÚC trong cuộc gặp
Phó Tổng thống Kamala Harris

_____

Việt Nam không đi với nước này chống lại nước khác

Chúng tôi hoan nghênh lãnh đạo các nước, trong đó có lãnh đạo Mỹ, đến thăm VN. VN nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh việc đưa quan hệ với các nước đối tác, đặc biệt là các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. VN không đi với nước này để chống lại nước khác…

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao LÊ THỊ THU HẰNG phát biểu đầu tháng 8

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm