Bài toán giảm thâm hụt ngân sách cho tổng thống Mỹ tiếp theo

(PLO)- Thâm hụt ngân sách từ lâu trở thành chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ và đòi hỏi tổng thống thắng cử cần phải nghiêm túc xem xét.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thâm hụt ngân sách xảy ra khi chi tiêu của một quốc gia vượt quá số tiền thu được, chủ yếu thông qua thuế. Chính phủ bù khoản thâm hụt này bằng cách vay tiền thông qua việc tung ra trái phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ.

Cách đây không lâu, các ứng viên tranh cử vào Nhà Trắng đã công bố kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách hoặc cam kết không để đất nước rơi vào tình trạng này.

Tuy nhiên, hiện tại, trong bối cảnh nguy cơ thâm hụt ngân sách ngày và nợ công ngày càng tăng, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris chưa đề cập nhiều về phương pháp để giải quyết vấn đề này. Một số nhà phân tích cho rằng hai ứng viên cần xem xét kỹ các chính sách giải quyết thâm hụt để tránh những hậu quả không mong muốn trong quá trình điều hành đất nước sau này, khi một trong hai ứng viên này sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Thâm hụt ngân sách
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc tranh luận hôm 10-9. Ảnh: AFP

Theo đài CNN, trên thực tế, việc thâm hụt ngân sách là vấn đề không thể xem nhẹ.

Vấn đề kéo dài nhiều năm

Trong cuộc tranh luận lần thứ ba của cuộc cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, Thượng nghị sĩ Barack Obama - ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ khi đó đã nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa là chúng ta đã sống vượt quá khả năng [chi trả] của mình và chúng ta sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh".

"Tôi là người ủng hộ mạnh mẽ việc dùng đến đâu trả tiền đến đó. Mỗi USD mà tôi đề xuất [chi tiêu], tôi đã đề xuất cắt giảm thêm để phù hợp" – ông Obama nói.

Tuy nhiên, trong 4 năm sau đó dưới giai đoạn lãnh đạo của ông Obama, thâm hụt ngân sách Mỹ luôn ở mức cao.

Sau đó, ông Obama tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Ông Obama đã có cuộc tranh luận với Thượng nghị sĩ Mitt Romney – lúc đó là ứng cử viên đại diện đảng Cộng hoà. Khi đó ông Romney đã khẳng định: "Nguyên tắc số một của tôi là sẽ không cắt giảm thuế để làm tăng thêm thâm hụt". Ông Obama và ông Romney thậm chí còn dành phần lớn thời gian tranh luận để đấu khẩu chuyện kế hoạch của ai sẽ tốt hơn trong việc giảm thâm hụt ngân sách.

Trong năm tài chính 2017, khi ông Obama rời nhiệm sở, thâm hụt ngân sách của Mỹ là 670 tỉ USD, bằng khoảng một nửa so với khi ông nhậm chức vào năm 2009. Theo CNN, để đạt kết quả này, chính phủ Mỹ đã không chi nhiều cho các chương trình an sinh xã hội và chi ít tiền hơn cho việc hỗ trợ các tổ chức tài chính.

Năm 2016, trong cuộc tranh luận thứ hai với ứng viên đại diện đảng Dân chủ – bà Hillary Clinton, ông Trump khi đó là ứng viên đại diện đảng Cộng hòa đã đề cập vấn đề thâm hụt ngân sách.

"Tôi sẽ đưa các công ty năng lượng của chúng ta trở lại. Họ sẽ kiếm được tiền, trả hết nợ chính phủ và giải quyết thâm hụt ngân sách của chúng ta, vốn đang rất lớn" – ông Trump nói.

Tuy nhiên, sau khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017, thâm hụt ngân sách dần dần gia tăng và tăng vọt vào năm 2020, khi chi tiêu của chính phủ tăng lên để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 và kích thích nền kinh tế. Trong năm tài chính 2021, thời điểm ông Trump rời nhiệm sở, Mỹ thâm hụt ngân sách 2.800 tỉ USD.

ZLEHS2TTORKKPAJTOUS7NOLQLM (1).jpg
Thâm hụt ngân sách lớn có thể ảnh hưởng đến các quyết định chi tiêu của chính phủ Mỹ. Ảnh: REUTERS

Ông Trump, bà Harris nói gì về thâm hụt ngân sách?

Theo CNN, tình trạng thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ dự kiến còn tăng. Thâm hụt ngân sách lớn có thể khiến lãi suất vay tiền từ các ngân hàng tăng lên. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách lớn làm chính phủ có ít tiền hơn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới.

Đầu năm nay, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – ông Jerome Powell đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách của Mỹ.

"Có lẽ đã đến lúc, hoặc đã đến lúc chúng ta quay lại cuộc trò chuyện giữa các quan chức về việc đưa chính phủ liên bang trở lại con đường tài chính bền vững" – ông Powell nói.

Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Harris vào đầu tháng 9, “cuộc trò chuyện” nói trên không được hai bên hưởng ứng nhiều.

Theo đó, trong cuộc tranh luận, thâm hụt ngân sách chỉ được đề cập 2 lần. Cụ thể là chúng xuất hiện khi bà Harris chỉ trích ông Trump về việc các đề xuất của ông sẽ làm tăng đáng kể thâm hụt ngân sách so với đề xuất của bà. Tuy nhiên, cả bà Harris và ông Trump đều không nói về việc cố gắng giảm thâm hụt ngân sách. Những người điều hành cuộc tranh luận cũng không hỏi về vấn đề đó.

Nguyên nhân khiến hai ứng viên không đề cập nhiều về thâm hụt ngân sách được cho là do phía đảng Cộng hòa đang muốn giảm thuế, trong khi phía đảng Dân chủ muốn chi tiêu nhiều hơn. Cả hai phương hướng này đều không có lợi cho quá trình giảm thâm hụt ngân sách.

Bà Maya MacGuineas – Chủ tịch Ủy ban phi đảng phái về Ngân sách Liên bang – cho rằng hai ứng viên cần xem xét lại chính sách giảm thâm hụt ngân sách mà họ đề ra. Theo bà MacGuineas, các chính sách mà hai ứng viên đưa ra hiện tại có thể làm suy yếu "mọi phần trong chương trình nghị sự của họ".

Tuy nhiên, theo CNN, một thời gian nào đó, khi thâm hụt ngân sách đạt đến đỉnh điểm và chính phủ không thể vay thêm tiền, chính phủ có thể phải xem xét về những phương án cắt giảm chi tiêu chính phủ và tăng thuế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm