Tác động toàn cầu từ việc Fed giảm lãi suất

(PLO)- Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quay đầu giảm lãi suất được dự đoán sẽ dẫn đến thay đổi trên thị trường toàn cầu, kéo theo phản ứng từ các quốc gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau cuộc họp thường kỳ vào ngày 17 và 18-9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay 0,5% trong thời điểm quan trọng khi nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống, theo hãng tin AFP.

Nguyên nhân Fed giảm lãi suất

Với mức cắt giảm lãi suất 0,5%, Fed đã hạ lãi suất liên bang xuống phạm vi 4,75% - 5%. Fed tuyên bố sẽ tiếp tục tiến trình hạ lãi suất (dự kiến giảm thêm 0,5 % từ nay đến hết năm 2024), giảm thêm 1% trong năm 2025 và thêm khoảng 0,5% năm 2026, đưa lãi suất về mức 3-3,5% cuối năm 2026.

Động thái của Fed đánh dấu lần đầu tiên cơ quan này cắt giảm lãi suất kể từ hồi tháng 3-2020 giữa lúc đại dịch COVID-19. Việc Fed đổi chiều giảm lãi suất diễn ra sau 11 lần tăng liên tục từ tháng 3-2022 và giữ nguyên mức kỷ lục 5,25-5,5% kể từ tháng 7-2023 đến nay.

Nguyên nhân của việc Fed giảm lãi suất được cho cơ quan này cảm thấy tự tin rằng lạm phát cuối cùng đã trong tầm kiểm soát cũng như những lo ngại liên quan sức khỏe của thị trường việc làm ở Mỹ. Lãi suất thấp hơn sẽ giúp hỗ trợ tốc độ tuyển dụng và giữ tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp.

Bình luận về việc giảm lãi suất, Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell nhìn nhận nền kinh tế Mỹ hiện trong tình trạng tốt, tăng trưởng với tốc độ ổn định, lạm phát đang giảm, thị trường lao động đang ở trạng thái mạnh mẽ. Do đó, đây là thời điểm phù hợp để hạ lãi suất.

Tác động toàn cầu từ việc Fed giảm lãi suất
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ảnh: REUTERS

“Chúng tôi biết rằng đã đến lúc phải hiệu chỉnh lại chính sách lãi suất theo hướng phù hợp hơn khi xét đến tiến triển của lạm phát. Thị trường lao động thực sự đang trong tình trạng vững chắc và mục đích của chúng tôi với động thái chính sách mới là duy trì tình trạng này” - ông Powell nói, lưu ý rằng động thái của Fed là “kịp thời” chứ không “tụt hậu”.

Quyết định của Fed được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các chỉ số kinh tế Mỹ đều có vẻ khá vững chắc với mức tăng trưởng 3% trong quý 3, theo số liệu của Ngân hàng dự trữ liên bang Atlanta (một trong 12 ngân hàng khu vực của Fed).

Các chuyên gia cho rằng, Fed hạ lãi suất nhằm chuẩn bị cho một kịch bản “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ.

“Động thái giảm 0,5% nhấn mạnh sự tập trung nhiều hơn vào các rủi ro cho nền kinh tế khi lạm phát đang trên đà giảm. Các dự báo kinh tế và lạm phát cho thấy một cuộc hạ cánh mềm vẫn còn rất nhiều khả năng xảy ra, với ước tính dự kiến ​​tăng trưởng trung bình 2% trong giai đoạn 2024-2027 và lạm phát về cơ bản sẽ quay trở lại mục tiêu vào năm tới” - theo bà Candice Bangsund, Giám đốc đầu tư tại Công ty đầu tư Fiera Capital (Canada).

Cũng có ý kiến cho rằng, việc Fed giảm 0,5% là quá nhiều. Ông Scott Helfstein - Giám đốc chiến lược đầu tư tại Global X (Canada) cho rằng, không có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại nên con số 0,5% có thể là “quá mạnh tay”. “Đây có thể là một trong những khởi đầu được mong đợi và báo trước cho một chu kỳ cắt giảm lãi suất trong nhiều năm” - ông Helfstein nhận định.

Tác động toàn cầu và phản ứng của các nước

Theo đài CNBC News, tác động từ quyết định của Fed dự kiến ​​sẽ được cảm nhận trên toàn cầu do vị thế của Mỹ như nền kinh tế lớn nhất thế giới và nằm trong những quốc gia thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất.

“Những hành động của Fed không chỉ giới hạn ở Mỹ mà còn có tác động lan tỏa đến nhiều nơi khác trên thế giới” - theo bà Reena Aggarwal, Giám đốc Trung tâm Psaros tại ĐH Georgetown (Mỹ).

giam-lai-suat-1-min.jpg
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại thủ đô Washington D.C, (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Quyết định giảm lãi suất có thể tác động đến thị trường tiền tệ vì ảnh hưởng giá trị của USD - đồng tiền dự trữ toàn cầu. Khi Fed giảm lãi suất kéo theo đồng USD giảm, một mặt góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, mặt khác làm giảm áp lực tỉ giá đối với nhiều đồng tiền khác, tạo tâm lý yên tâm hơn đối với nhà nhập khẩu và nhà đầu tư. Các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi cũng bớt áp lực trong việc giữ lãi suất cao để bảo vệ tỉ giá hối đoái.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh, Ngân hàng trung ương Canada gần đây cũng cắt giảm lãi suất. Theo giới quan sát, bước đi của Fed cũng sẽ đẩy các ngân hàng trung ương của các nước tăng tốc giảm lãi suất.

Giá vàng cũng chứng kiến những biến động do kỳ vọng về động thái của Fed. Theo đó, giá vàng thế giới chạm mốc kỷ lục cuối tuần qua. Cuối phiên giao dịch ngày 20-9, vàng thế giới tăng 36 USD, lên 2.621 USD/ounce - đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp chạm đỉnh.

Lãi suất cao thường được coi là lực cản đối với vàng vì khiến các khoản đầu tư cố định trở nên hấp dẫn hơn. Vàng cũng được sử dụng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát và các nhà đầu tư cũng mua vàng trong thời kỳ thị trường căng thẳng.

Dầu và các mặt hàng khác được định giá bằng USD thường sẽ được thúc đẩy khi lãi suất giảm vì chi phí vay thấp hơn có thể kích thích nền kinh tế và tăng nhu cầu. Nhiều thị trường mới nổi thường nhạy cảm hơn với những thay đổi trên khiến các động thái của Fed có tác động lớn hơn so với các nền kinh tế lớn.

Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng chứng kiến tác động từ việc Fed hạ lãi suất. Theo CNBC, phần lớn biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong những tháng gần đây có liên quan suy đoán về thời điểm và mức độ giảm lãi suất của Fed.

Ngay sau quyết định của Fed, thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều quốc gia đã tăng vọt. Chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI đạt kỷ lục hôm 19-9, một ngày sau khi Fed hạ lãi suất. Các chỉ số chứng khoán như DJIA, S&P 500,... cũng tăng.

“Việc cắt giảm lãi suất sẽ làm giảm chi phí vay bằng USD, do đó tạo điều kiện thanh khoản dễ dàng hơn cho các công ty trên toàn thế giới. Lãi suất thấp hơn ở Mỹ cũng sẽ làm giảm lợi suất có sẵn đối với các tài sản của Mỹ như trái phiếu kho bạc, do đó các thị trường khác (như chứng khoán) trở nên hấp dẫn hơn” - ông Richard Carter, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lãi suất cố định tại công ty đầu tư Quilter Cheviot (Anh), nói với CNBC.

Ứng viên tổng thống Mỹ bình luận việc Fed giảm lãi suất

Ngày 19-9, Phó Tổng thống Kamala Harris nói rằng mặc dù thông báo giảm lãi suất là “tin đáng mừng đối với người dân Mỹ đang phải gánh chịu hậu quả của giá cả cao” nhưng bà vẫn tập trung “vào công việc sắp tới để giá tiếp tục giảm”.

“Tôi biết giá cả vẫn còn quá cao đối với nhiều gia đình trung lưu. Ưu tiên hàng đầu của tôi với tư cách là tổng thống sẽ là giảm chi phí cho các nhu cầu hàng ngày như chăm sóc sức khỏe, nhà ở và hàng tạp hóa” - bà Harris nói.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng quyết định cắt giảm lãi suất cho thấy nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn hoặc Fed đang “chơi trò chính trị”.

“Đây thực sự là một động thái chính trị. Hầu hết mọi người nghĩ rằng con số cắt giảm sẽ chỉ bằng một nửa (con số Fed đưa ra). Đây là một động thái chính trị nhằm cố gắng giữ một ai đó tại vị, nhưng điều đó sẽ không hiệu quả vì lạm phát đã quá tệ” - ông Trump nói hôm 18-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm