Phải thật…giàu mới được làm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp?

(PLO)- Dự thảo sửa đổi quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đang khiến nhiều người lo ngại về tác động làm giảm sức hấp dẫn của chứng khoán với công chúng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung nhiều quy định liên quan nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp (professional trader). Đơn cử như phải tham gia đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm, giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất, có thu nhập tối thiểu 1 tỉ đồng/năm trong 2 năm gần nhất... Những quy định này đang tạo ra nhiều dư luận cho rằng hạn chế quyền tự do đầu tư của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cần phải thật… giàu?
Dự thảo quy định về thu nhập tối thiểu 1 tỉ đồng/năm trong 2 năm gần nhất cũng không khỏi khiến cho nhiều nhà đầu tư khác băn khoăn bởi phần đông người dân Việt Nam sẽ khó đáp ứng yêu cầu này - Ảnh: Chính Phủ

Hạn chế quyền tự do đầu tư của người dân

Anh Nguyễn Minh Ngọc là một nhà đầu tư chứng khoán có thâm niên hơn 10 năm trên thị trường. Với số vốn đầu tư hơn 2 tỉ đồng, anh chủ trương tập trung mua một số mã cổ phiếu tốt, giữ trong một khoảng thời gian và chỉ bán khi thấy phù hợp chứ không vội vàng hành động theo các diễn biến của thị trường.

Ngoài ra anh có một lượng tiền khác đầu tư vào trái phiếu một số doanh nghiệp tốt. Với quy định mới của thị trường, anh không khỏi băn khoăn về việc những nhà đầu tư nhỏ lẻ như anh sẽ không được công nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp, vì vậy lựa chọn đầu tư cũng sẽ hạn chế nhiều.

Theo chia sẻ của một trưởng phòng môi giới công ty chứng khoán lớn, tỷ lệ nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường ở nhiều thời điểm có khi lên đến 80 hoặc 90% cho thấy mức độ rủi ro cao trên thị trường chứng khoán, đặc biệt với những nhà đầu tư có tần suất giao dịch cao. Chính vì vậy, điều kiện về tần suất giao dịch có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của nhà đầu tư, đặc biệt trong điều kiện thị trường không thuận lợi.

Dự thảo quy định về thu nhập tối thiểu 1 tỉ đồng/năm trong 2 năm gần nhất cũng không khỏi khiến cho nhiều nhà đầu tư khác băn khoăn bởi phần đông người dân Việt Nam sẽ khó đáp ứng yêu cầu này. Trên thực tế, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 đạt gần 4.400 USD (~110 triệu đồng).

Nhìn chung, những tiêu chuẩn được bổ sung sẽ thu hẹp đáng kể số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp. Mặt khác, các điều kiện sẽ làm hạn chế các loại tài sản có thể tiếp cận đối với nhà đầu tư cá nhân không chuyên, điển hình như trái phiếu doanh nghiệp. Điều này phần nào sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư chính đáng của các cá nhân.

Không nên quy định về tần suất giao dịch

Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng Phòng phân tích Chiến lược Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, ông có thể hiểu được phần nào lý do của đề xuất phân loại nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dựa trên tài sản.

Ông Hiếu lý giải ví dụ như nhìn từ câu chuyện ở nước Mỹ, họ quy định về mức tài sản của nhà đầu tư là để bảo vệ những nhà đầu tư không có nhiều tiền. Chính phủ Mỹ quy định rất chặt chẽ về tài sản hiện tại và tài sản tương lai, tài sản hiện tại đã có phải được chứng minh bằng giấy tờ còn tài sản tương lai dựa trên thu nhập của người đó.

Với những nhà đầu tư giàu, nếu có thua lỗ, họ cũng vẫn có thể “đứng dậy” được, còn với những nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính, nếu không ngăn chặn họ đầu tư vào những tài sản rủi ro, khả năng họ thua lỗ nặng và mất sạch tài sản hoàn toàn có thể xảy ra.

Trưởng Phòng phân tích Chiến lược Công ty chứng khoán KIS Việt Nam viện dẫn đến việc đầu tư vào các quỹ của doanh nghiệp khởi nghiệp (start – up) nếu thành công có thể mang lại lợi nhuận rất cao, nhưng đi kèm với đó là rủi ro vô cùng lớn. 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có thể chỉ có 1 doanh nghiệp thành công.

Ông Hiếu chỉ ra một nhà đầu tư có thu nhập mỗi năm 2 tỉ đồng, tổng số tiền đầu tư khoảng 20 tỉ đồng trong đó tỷ trọng 10% vào quỹ khởi nghiệp thì dù có mất hết người đó vẫn không chịu quá nhiều ảnh hưởng. Nhưng nếu nhà đầu tư khác thu nhập thấp và chỉ có tổng tài sản 2 tỉ đồng, nếu mất hết có thể dẫn đến những bi kịch.

Cũng theo ông Hiếu, theo quy định ở Mỹ với mức độ chuyên nghiệp thị trường cao, một môi giới nếu tư vấn sai sự thật cho khách hàng dẫn đến thua lỗ nặng mất tài sản, nếu bị kết luận đúng như vậy môi giới đó bị tước thẻ hành nghề, cả đời không thể hoạt động trong ngành nữa. Chính vì vậy từ phía môi giới cần sự chuyên nghiệp và với khách hàng cũng cần có chuẩn tài chính cũng là chính để đảm bảo tài sản cho nhà đầu tư.

Ông Hiếu đề xuất việc quy định về mức tài sản và thu nhập tối thiểu để là nhà đầu tư chuyên nghiệp cần được áp dụng, nhưng với những nhà đầu tư không đạt mức này, họ vẫn được đầu tư các sản phẩm khác như trái phiếu nhưng thông qua các quỹ nhằm bảo toàn tài sản tốt hơn cho họ.

Đồng quan điểm với ông Hiếu, ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc khối nghiên cứu và phân tích khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta, cho biết quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhiều nước chỉ tập trung vào 3 yếu tố chính gồm kinh nghiệm trên thị trường, giá trị tài sản ròng (NAV) và thu nhập hằng năm hay tài sản tài chính, không có tần suất giao dịch.

Ông Minh chỉ ra có một lượng rất lớn những nhà đầu tư giàu có đầu tư theo hướng nắm giữ tài sản dài hạn, hoặc ủy quyền cho quỹ quản lý tài sản của họ, chính vì vậy nếu yêu cầu họ phải chứng minh được tần suất giao dịch là điều không hợp lý; hoặc có thể sẽ dẫn đến tình trạng họ phải thực hiện những lệnh mua bán ngoài ý muốn nhằm giữ được tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tại Singapore, Cơ quan Tiền tệ Singapore quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cần có giá trị tài sản ròng vượt quá 2 triệu SGD, hoặc có thu nhập hằng năm ít nhất 300.000 SGD, hoặc tài sản tài chính vượt 1 triệu SGD.

Tại Thái Lan, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân cần có tài sản ròng ít nhất 30 triệu baht, hoặc có thu nhập hằng năm ít nhất 3 triệu baht, hoặc đầu tư vào chứng khoán và phái sinh ít nhất 8 triệu baht...

Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 mới được phê duyệt, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Tính đến cuối tháng 8, nhà đầu tư cá nhân có tổng cộng hơn 8,6 triệu tài khoản, tương đương khoảng 8,6% dân số.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm