Sáng 20-6, Sở QH-KT TP.HCM đã tổ chức hội thảo về một số đề xuất định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TP.HCM.
Xem xét các đô thị tiên phong
“Khu vực bứt phá nhanh là các đô thị tiên phong như cảng Hiệp Phước, Tây Bắc Củ Chi, khu đô thị (KĐT) Cần Giờ. Đây là các trung tâm tương lai của các huyện vùng ven, chúng ta phải hoàn thành kết nối nhanh đến các khu vực này” - TS Nguyễn Ngọc Hiếu, ĐH Việt Đức, phát biểu tại hội thảo.
Ông Hiếu nhắc đến KĐT tiên phong khi trình bày báo cáo đề án nhánh định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TP, thuộc đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM. Theo ông Hiếu, để giải bài toán đầu tư hạ tầng, hạ tầng dân sinh và hạ tầng trong KĐT phải dựa vào yếu tố sử dụng đất, khai thác hiệu quả hơn quy mô đất đai. “Xét hiện trạng và tương lai, TP.HCM có thể chuyển hóa một số khu vực vùng ven lên một số hình mẫu, chúng tôi chia thành sáu nhóm” - ông Hiếu nói.
Từ đề án này, chúng ta gợi ý cho lãnh đạo TP trong việc bố trí các dự án, công trình trọng điểm, hạ tầng đô thị mà năm huyện cần làm. Ví dụ, huyện Bình Chánh là một căn nhà thì phải bố trí nhà có mấy lầu, tầng hầm ra sao, tầng trệt thế nào. Hiện đề án hạ tầng còn chung chung, không đi vào cụ thể. Đề án nhánh thì cần chi tiết rõ ràng, tiêu chí nào chưa đủ, cần bổ sung, cái nào cần phát huy…
Ông HỒ DŨNG MÂN, Sở Nội vụ TP.HCM
Cụ thể, nhóm 1 là nông thôn bảo tồn, lấy tự nhiên là chủ đạo. Nhóm 2 là nông thôn mật độ cao. Nhóm 3 là thị trấn hoặc giao thoa ven đô theo mô hình đô thị - nông thôn. Nhóm 4 là đô thị ngủ. Nhóm 5 là đô thị hình thành từ lan tỏa và cuối cùng nhóm 6 là trung tâm - lõi trung tâm - khu vực động lực mới (đô thị tiên phong).
Trong sáu nhóm này, Sở QH-KT TP đánh giá nhóm 6 sẽ trở thành các trung tâm của các huyện. Theo đó, nhóm 6 có chức năng kinh tế mới, có vai trò là trung tâm đô thị thứ cấp của vùng lớn, là động lực tạo phát triển lâu dài cho địa phương. Vì vậy, nhóm này cần được đầu tư hạ tầng tập trung để thúc đẩy phát triển.
Các trung tâm nhóm 6 này thường là các khu vực đô thị hoặc đô thị hoàn chỉnh hơn những khu vực khác. Trong đó, các ngành nghề như du lịch, giáo dục đại học và dạy nghề, dịch vụ và công nghiệp gắn với cảng - logistics là cấu trúc kinh tế nổi trội.
|
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đang xem bức tranh tổng thể về phát triển đô thị các huyện vùng ven TP.HCM được trưng bày ở Sở QH-KT TP.HCM. Ảnh: KC |
Các chú ý trong đề án lên quận, TP của các huyện
Góp ý tại hội thảo, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng đề án cần có sự tiếp cận rõ, xem Thành ủy yêu cầu như thế nào. Đây là đề án lớn về đầu tư các huyện thành quận, TP nên xoay quanh mục tiêu đó cần làm gì, hạ tầng cần ra sao. Ông Cương cho rằng mục tiêu của TP là làm sao để huyện đạt tiêu chuẩn của quận và những việc cần làm ngay. Do vậy, cần phân biệt mục tiêu này với mục tiêu phát triển đô thị đơn thuần.
“Chúng ta không nên làm theo dạng đô thị độc lập, huyện độc lập. Khi làm đề án thì gắn với quy hoạch phát triển chung của TP, dù nó đạt tiêu chuẩn đô thị nhưng không theo sát quy hoạch chung cũng không được. Không lý gì đến tận năm 2030 các huyện mới lên quận được (như đề án đề cập) là quá xa” - ông Cương nói.
TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thì cho rằng tiêu chí quận thì xã phải là phường và khi lên quận thì bám theo tiêu chí đô thị. TP.HCM là đô thị đặc biệt nên phải bám theo đô thị đặc biệt.
Theo ông Tân, trong đề án lên quận, TP thì huyện Củ Chi đề nghị giữ lại bảy xã (không chuyển thành phường), huyện Hóc Môn giữ lại bốn xã, huyện Nhà Bè không giữ xã nào, huyện Bình Chánh giữ lại bốn xã và huyện Cần Giờ giữ lại hai xã. “Chúng ta cũng phải lưu ý điều này, vì quy hoạch hạ tầng thì đầu tư cho phường khác với xã” - ông Tân nói.
Lý giải về đề án này, TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung Sở QH-KT TP, cho biết đề án giúp chúng ta hình dung về tính động của sự phát triển ở năm huyện, không cứng nhắc trên bản đồ. Đồng thời giúp chúng ta hình dung chiến lược, cái nào làm trước, cái nào làm sau.
Theo ông Tuấn, đề án hạ tầng này chỉ là một đề án nhánh cho việc huyện lên quận, TP. Quan trọng nhất là một đề án tổng hợp về đô thị, hạ tầng, văn hóa… do Sở Nội vụ TP sẽ trình UBND TP thời gian tới. “Hy vọng đề án tổng hợp có sự tích hợp quy hoạch chung TP để các huyện ngoại thành phát triển toàn diện về mặt không gian, liên kết ngành” - ông Tuấn nói.•
Cần nguồn vốn lớn đầu tư cho hạ tầng năm huyện
Theo đề án, hiện nay tổng nguồn lực được phân bổ cho đầu tư hạ tầng cho các huyện ngoại thành giai đoạn 2021-2030 dự kiến là 91.000 tỉ đồng. Cơ hội thu hút đầu tư tư nhân là 110.000 tỉ đồng, tổng cộng là khoảng 200.000 tỉ đồng (8 tỉ USD).
Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển tại chỗ (chưa tính hạ tầng kết nối nhanh) cho phát triển huyện ngoại thành trong giai đoạn 2021-2030 (dân số tăng thêm 1,4 triệu người, cải thiện hạ tầng hiện hữu cho 2,1 triệu người) dự kiến là 10 tỉ USD.