Khơi thông nút thắt quận 7 - Nhà Bè nhờ dự án hơn 500 tỉ đồng

(PLO)- Cầu Rạch Đỉa chuẩn bị khởi công vào tháng 7 sẽ khơi thông tuyến đường huyết mạch nối quận 7, huyện Nhà Bè và tỉnh Long An.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cầu Rạch Đỉa nằm trên trục đường Lê Văn Lương, nối từ khu Nam TP.HCM đến tỉnh Long An. Hiện nay, trên tuyến đường này có bốn cây cầu tạm có bề mặt nhỏ hẹp, không đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, đặc biệt là không thông suốt trong việc liên kết giữa các địa bàn lân cận. Vì vậy, tiếp nối dự án cầu Long Kiểng, TP.HCM chuẩn bị khởi công dự án cầu Rạch Đỉa vào tháng 7 này.

Từng bước khơi thông tuyến đường huyết mạch Lê Văn Lương

Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, hiện nay tuyến đường Lê Văn Lương đang bị “kìm” bởi bốn cây cầu đã xuống cấp, có bề rộng chỉ 3-4 m và thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Đó là các cây cầu Long Kiểng, Rạch Đỉa, Rạch Tôm và Rạch Dơi.

Nhân viên làm công tác phân luồng giao thông trên cầu Rạch Đỉa cho biết cầu đã quá nhỏ so với tốc độ phát triển thực tế. Vì vậy, dù lúc cao điểm hay thấp điểm, cầu Rạch Đỉa đều bị kẹt ở cả hai đầu cầu. Nghiêm trọng hơn, khi hai ô tô cùng mắc kẹt trên cầu, lúc này hàng trăm phương tiện đều lao đao theo.

Ông Lý Văn Hùng, một người dân sống gần cầu Rạch Đỉa, cho biết người dân địa phương đã quá mong ngóng có cầu mới, để việc đi lại được thuận tiện hơn. “Biết rằng trên đường có bốn cây cầu sắt, song việc sớm hoàn thành từng dự án cũng giúp người dân lưu thông nhanh hơn. Về lâu dài, TP cần sớm ưu tiên đầu tư hai cây cầu còn lại để tăng khả năng kết nối với khu vực phía nam và tỉnh Long An” - ông Hùng nói.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), hiện chỉ cầu Long Kiểng là đang được xây dựng và dự kiến sẽ thông xe vào ngày 2-9 sau hơn 22 năm triển khai. Đồng thời, cầu Rạch Đỉa đang từng bước hoàn thiện các thủ tục để khởi công vào tháng 7-2023. Riêng hai cây cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi đang chờ bố trí vốn.

Cầu Rạch Đỉa cùng với các cầu Long Kiểng, Rạch Tôm, Rạch Dơi là một trong bốn cầu sắt yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương. Ảnh: HỮU CHÁNH

Cầu Rạch Đỉa cùng với các cầu Long Kiểng, Rạch Tôm, Rạch Dơi là một trong bốn cầu sắt yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương. Ảnh: HỮU CHÁNH

Hoàn thành cầu Rạch Đỉa vào năm 2024

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, cho biết dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án từ năm 2017.

Cầu Rạch Đỉa có chiều dài khoảng 317 m, chiều rộng 10,5 m với chín nhịp cầu, tổng mức đầu tư là 512 tỉ đồng. Trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật là 290 tỉ đồng, được đầu tư bằng nguồn ngân sách TP.

Ông Phúc cho biết dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giao thông. “Dự án xây dựng mới cầu bắc qua sông Rạch Đỉa thay thế cầu hiện hữu đã xuống cấp, góp phần cải thiện tình hình giao thông khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông khu vực” - ông Phúc nói.

Cầu Rạch Đỉa cùng với các cầu Long Kiểng, Rạch Tôm, Rạch Dơi là một trong bốn cầu sắt yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương. Cũng như cầu Long Kiểng, cầu Rạch Đỉa sau khi hoàn thành sẽ tăng năng lực lưu thông, kết nối với tỉnh Long An, góp phần khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông phía nam TP.

Hiện nay, UBND quận 7 và huyện Nhà Bè đang đẩy nhanh việc bồi thường, để bàn giao cho chủ đầu tư. Theo đó, quận 7 đã có 41/50 trường hợp và huyện Nhà Bè có 40/45 trường hợp đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Ông Phúc cho biết Ban giao thông đã chuyển toàn bộ chi phí bồi thường theo dự toán cho hai địa phương này.

“Dự kiến sau khi quận 7 và huyện Nhà Bè bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 6, Ban giao thông sẽ khởi công công trình vào đầu tháng 7-2023. Dự án sẽ triển khai thi công trong 17 tháng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2024” - ông Phúc thông tin.

Theo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè, huyện đang nỗ lực thực hiện giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao dự án cho chủ đầu tư. Đến nay, huyện Nhà Bè còn 5/45 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường bàn giao mặt bằng. “UBND huyện tiếp tục vận động bà con đồng thuận, nhận tiền bồi thường bàn giao mặt bằng cho địa phương. Song song, huyện cũng phối hợp cùng với bà con di dời nhà cửa, vật kiến trúc trên đất để bàn giao mặt bằng, phục vụ khởi công dự án vào tháng 7-2023” - Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè cho biết.•

Lập tổ công tác gỡ vướng cho dự án

Mới đây, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đã đi thị sát dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa để đốc thúc tiến độ dự án. Tại đây, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu hai địa phương nỗ lực, cam kết bàn giao mặt bằng để phục vụ dự án. Đồng thời tiếp tục vận động người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Phó Bí thư yêu cầu hai địa phương và Ban giao thông thành lập tổ công tác để kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn về dự án này. Từ đó, sớm đưa dự án hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm