Ông Tâm và ông Ly là bác họ và cậu ruột của em Tu Ngọc Thạch - học sinh lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh, người bị các công an viên xã Vạn Long (Vạn Ninh) đánh chết. Vụ gây rối bắt nguồn từ sự bức xúc, phẫn uất trước cái chết vô cớ của em Thạch. Trừ ý kiến của HĐXX và ông chánh án TAND huyện Vạn Ninh, còn hầu hết dư luận đều cho rằng bản án này là khiên cưỡng, áp đặt, không tâm phục, khẩu phục.
Việc hàng trăm người kéo nhau ra quốc lộ 1A làm tắc đường, cản trở giao thông là có thật. Nhưng ai là người kích động, xúi giục mọi người gây rối?
Muốn kết án hai ông thì cơ quan điều tra, VKS và tòa án cấp sơ thẩm phải chứng minh: Do bức xúc với cái chết thương tâm của em Thạch mà hai ông đã xúi giục, lôi kéo, kích động một số người khác ra quốc lộ 1A la ó, dẫn đến hàng trăm người “a dua” kéo nhau ra đường gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập và diễn biến tại phiên tòa thì chưa có bằng chứng nào kết luận hai ông là người đã kích động, xúi giục như đã nói.
Tại phiên tòa, cả ông Tâm và ông Ly đều khai lúc các ông ra hiện trường đã có hàng trăm người có mặt ở đó rồi, có người chứng kiến lúc các ông ra hiện trường đã 12 giờ 30. Vậy tại sao hồ sơ vụ án lại có lời khai của ông Lý là 11 giờ 30? Việc xác định chính xác thời gian hai bị cáo có mặt tại hiện trường là rất quan trọng, nó là tình tiết buộc tội hoặc gỡ tội cho hai ông nhưng cơ quan tố tụng đã không kết luận được! Cứ thấy hai ông la ó là cho rằng hai ông kích động người khác gây rối thì dấu hiệu đó không phải là chứng cứ buộc tội.
Ngay cả ông chánh án TAND huyện Vạn Ninh cũng phải thừa nhận rằng “hậu quả này do nhiều người góp lại chứ không phải do riêng hai ông, cũng không thể nói hai người này gây nên hậu quả đó”. Vậy thì hà cớ gì lại chỉ bắt hai ông phải chịu? Có một thực tế là ở Việt Nam chỉ cần có vụ TNGT xảy ra là người dân đã tập trung đến xem, gây ách tắc giao thông rồi, nói gì đến việc nghe thấy công an đánh chết người thì việc người dân kéo nhau đi xem là chuyện bình thường, cần gì phải ai la ó, hô hào, kích động! Không thể lập luận như ông chánh án rằng “không thể xử lý hết do không thể nhận dạng được… hoặc nếu biết thì sẽ xử lý rất đông người”! Liệu ông chánh án có đem cả trăm người ra xét xử được không?!
Điều đáng nói là chính ông chánh án cũng thừa nhận hai bị cáo đến sau. Vậy họ có phải là thủ phạm lôi kéo, kích động người khác gây rối hay không, hay chỉ vì lực lượng chức năng giải thích mà họ không về nên bắt họ rồi xét xử!? Hậu quả do hành vi gây rối của hàng trăm người gây ra nhưng vì chỉ biết được hai người nên bắt họ chịu thay cho cả làng. Chứng minh tội phạm theo kiểu này thì thẩm phán có trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong nghề 45 năm cũng phải… bái phục! Cả thế giới này chẳng có nước nào lại truy cứu trách nhiệm hình sự như vậy cả!
Mà kể cũng lạ, bắt ai không bắt, lại bắt đúng hai người thân thích với em Thạch! Có cái gì không bình thường trong việc này chăng?
Không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới này, khi mà người thân bị chết oan ức thì việc la hét cũng là phản xạ tự nhiên. Nếu cho rằng cứ la hét là có tội thì đó đâu phải là dấu hiệu duy nhất của tội gây rối trật tự công cộng! Vấn đề là hành vi la hét đó có phải là nguyên nhân gây ra hậu quả nghiêm trọng hay không. Bản thân hành vi la hét chỉ là phản xạ tự nhiên; khi người ta đau đớn, bức xúc trước cái chết oan ức của con, cháu mình thì người ta kêu trời, kêu đất, người ta vật vã, gào to… âu đó cũng là phản xạ thường tình! Họ đâu có khiêng quan tài diễu phố để lôi kéo người dân hiếu kỳ đi xem! Còn nếu nói rằng người thân của mình bị chết oan ức mà cho là không phải là trường hợp bị kích động mạnh như ông chánh án TAND huyện Vạn Ninh đánh giá thì có lẽ ông phải là người “sắt đá” ghê lắm!
Phải thấy rằng nguyên nhân của việc người dân tập trung, gây ách tắc quốc lộ 1A không phải do hai ông lôi kéo, kích động mà do người dân quá bức xúc trước việc một em học sinh 14 tuổi bị các công an viên của xã đánh chết chưa được làm rõ. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hai người thân em Thạch rõ ràng là chưa có căn cứ vững chắc. Hy vọng rằng tòa án cấp phúc thẩm sẽ làm rõ chứ cứ kết tội như cấp sơ thẩm thì dư luận và nhân dân không thể đồng tình!
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao