LTS: Liên quan đến vụ em Tu Ngọc Thạch (học sinh lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị các công an viên xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đánh chết, án tù giam mà TAND huyện vừa tuyên phạt đối với hai người thân của em Thạch không được dư luận đồng tình. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến phân tích của các chuyên gia pháp luật và hai cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ này.
Vụ án Công an xã Vạn Long đánh chết em Tu Ngọc Thạch đã làm cho dư luận bức xúc. Nay tòa án lại phạt người thân của em Thạch tù giam thì có khác gì đổ thêm dầu vào lửa! Tại sao tòa án không xem xét thấu đáo nguyên nhân dẫn đến hành vi gây rối của người thân em Thạch mà máy móc căn cứ vào BLHS rồi ra một bản án gây bất bình cho rất nhiều người?
Chưa rõ có sự xúi giục, kích động
Hãy đặt mình vào trong hoàn cảnh của các bị cáo mới thấy được sự bất bình, bị kích động về tinh thần như thế nào khi một học sinh lớp 9 bị công an đánh chết. Không chỉ Việt Nam hay một số nước châu Á mà ở các nước tiên tiến cũng thường có những vụ “khiêng quan tài đi diễu phố” để phản đối nhà chức trách đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
Theo dõi diễn biến phiên tòa xét xử những người thân của em Thạch về tội gây rối trật tự công cộng, nhiều ý kiến cho rằng quyết định của tòa án là chưa thấu tình đạt lý. Pháp luật đặt ra để bảo vệ lợi ích Nhà nước nhưng cũng phải bảo vệ lợi ích của người dân. Dư luận có quyền cho rằng việc tòa án phạt tù giam người thân của em Thạch là quyết định “vô cảm”! Nhất là tại phiên tòa, đại diện VKS cũng đã thấy được nguyên nhân dẫn đến hành vi gây rối nên chỉ đề nghị HĐXX phạt tù treo đối với các bị cáo. Quan điểm của VKS đã thể hiện được tính nhân văn của pháp luật.
Việc gây ra tắc đường cũng là việc tất yếu, khi mà hàng trăm người dân cùng tràn ra phản ứng với việc em Thạch bị đánh chết. Trong tình hình như vậy, khó có thể cho rằng người thân của em Thạch đã có hành vi xúi giục, kích động hay lôi kéo người khác gây rối trật tự công cộng. Chưa kể tại phiên tòa, cả hai bị cáo đều khai rằng khi ra quốc lộ 1A đã có hàng trăm người tập trung trên đường rồi. Lời khai này của các bị cáo có thể tin được vì việc em Thạch bị công an đánh chết là có thật. Chẳng cứ người nhà em Thạch, mà nhiều người trong làng, trong xã bức xúc bảo nhau kéo ra đường cũng là chuyện bình thường. Không thể quy kết câu cảm thán: “Trời ơi! Cháu tôi bị công an đánh chết rồi!” của bị cáo Nguyễn Văn Ly là câu nói kích động, lôi kéo người khác gây rối!
Bà Hồ Thị Khoa (bà ngoại em Tu Ngọc Thạch) thẫn thờ khi con trai bà và là cậu của em Thạch (bị cáo Nguyễn Văn Ly - người ngồi cạnh) bị phạt tù. Ảnh: TẤN LỘC
Phải xét đến nguyên nhân gây rối
Ngay cả khi không có căn cứ xác định điều tra viên đã ép cung như bị cáo Ly đã khai thì cũng có căn cứ để tin lời khai của người làm chứng là anh Nguyễn Văn Thành rằng khi anh Thành chở bị cáo Ly đến quốc lộ 1 để đón xác cháu Thạch thì lúc đó là 12 giờ 30 và đã có rất đông người rồi.
Lời của bị cáo Tâm cũng rất đáng suy nghĩ vì bị cáo Tâm không biết chữ, thậm chí còn không biết mình bị truy tố về tội gì. Có một thực tế là khi tại hiện trường đã có hàng trăm người tập trung thì dù có ai la hét hay nói gì cũng chẳng ai quan tâm nữa.
Như vậy, nếu có thì chỉ còn tình tiết “gây cản trở giao thông nghiêm trọng” (TAND Tối cao hướng dẫn gây tắc đường từ 2 giờ trở lên mới coi là gây cản trở giao thông nghiêm trọng). Nếu đúng như vậy thì dù các bị cáo có phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 245 BLHS thì cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo, đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến hành vi gây rối cũng như động cơ gây rối của các bị cáo rất đáng được quan tâm. Đây không còn là phạm tội trong trường hợp bị kích động bình thường nữa mà là bị kích động rất mạnh, chỉ tiếc là BLHS chưa có quy định thành một tội riêng!
VKSND huyện Vạn Ninh hoặc VKSND tỉnh Khánh Hòa cần kháng nghị ngay bản án sơ thẩm này. Tòa án tỉnh Khánh Hòa cần xét xử phúc thẩm giảm hình phạt cho các bị cáo thậm chí miễn hình phạt cho các bị cáo cũng đủ có tác dụng giáo dục ý thức tuân theo pháp luật và phòng ngừa tội phạm.
Ông Đỗ Công Đa, Chánh án TAND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa): Tòa không nhất thiết theo VKS . Phóng viên: Thưa ông, vì sao VKS đề nghị cho các bị cáo hưởng án treo nhưng tòa tuyên phạt tù giam? + Ông Đỗ Công Đa: Mức án là do HĐXX quyết định. Tòa án không nhất thiết theo VKS, không phải cứ VKS đề nghị thế nào thì tòa phải theo như vậy. . Tại phiên tòa, đại diện VKS nhận định các bị cáo phạm tội trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của các công an viên xã Vạn Long bắt, đánh chết em Thạch, từ đó người dân hiếu kỳ, a dua gây ách tắc giao thông, hành vi của các bị cáo có tính bột phát, nhất thời. Còn ý kiến của tòa thế nào? + Tôi không đồng tình với nhận định đó. Nói trường hợp này bị kích động mạnh thì không phải. Bởi lẽ việc các công an viên xã Vạn Long đánh chết em Thạch lúc đó chưa rõ ràng, chỉ mới nghe thôi. Lẽ ra anh gặp chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề đó. Chứ anh mới nghe như thế mà kéo lên trên đường, la lối, kích động, gây rối, làm tắc đường. . Chính VKS cũng thừa nhận hai người này không gây ách tắc giao thông vì khi họ đến đó đã có hàng trăm người tập trung, đường đã bị tắc. + Trong vụ án này không phải chỉ có hai người đó, sự việc diễn ra từ sáng đến chiều, có rất đông người nhưng không thể xử lý hết do không thể nhận dạng được. Nếu biết thì sẽ xử lý rất đông người. Hai bị cáo đó đến sau nhưng khi lực lượng chức năng giải thích thì không về. Thời gian tắc đường kéo dài hơn ba giờ. Hành vi đó, hậu quả này do nhiều người góp lại chứ không phải do riêng hai người, cũng không thể nói hai người này gây nên hậu quả đó mà của nhiều người, trong đó có hai người này nên phải xử lý như vậy. Theo Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, hành vi này nằm trong khoản 2 Điều 245 BLHS. . Khi chỉ đưa hai người này ra xử, liệu có bỏ lọt tội phạm không? + Không. Nếu mình biết ông A có hành vi đó mà mình không điều tra, xử lý là bỏ lọt tội phạm. Ở đây không phải bỏ lọt tội phạm mà do điều tra không được nên phải chấp nhận. Nhiều người bịt mặt nên không nhận diện được. . Hai bị cáo trong vụ án này có nhận thức pháp luật hạn chế, trong đó một người không biết chữ. VKS cũng nhận định là họ suy nghĩ không chín chắn. Tòa có xem xét đến điều này hay không? + Tôi rất chia sẻ vấn đề đó. Thực tế dân mình nhận thức pháp luật không cao lắm. BLHS trước đây có quy định là trình độ hạn chế là một tình tiết để giảm nhẹ nhưng bộ luật hiện hành đã bỏ quy định đó. Còn việc các bị cáo không có tiền án, tiền sự cũng không phải là tình tiết giảm nhẹ. . Theo ông, mức án phạt tù như thế có nặng không? + Tòa đã xem xét tính chất, mức độ, hậu quả của sự việc và cũng đã cân nhắc rồi. Nhiều người thấy nó nặng nhưng so với thực tế sự việc thì tôi cho rằng mức án đó không nặng. Ông Ngô Văn Phước, Viện phó VKSND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa): Chỉ nên răn đe giáo dục . Quan điểm của VKS khi đề nghị cho các bị cáo hưởng án treo? + Ngoài chức năng buộc tội, VKS còn có chức năng gỡ tội chứ không phải bao giờ anh cũng chăm chăm buộc tội người ta. Chúng tôi thấy rằng khi xảy ra cái chết của cháu Thạch, hai người này (hai bị cáo trong vụ án gây rối - PV) là người thân của cháu nên có bức xúc. Vụ án này khác với những vụ án khác vì sự việc có nguyên nhân của nó, đôi khi người ta không kiềm chế được nên vượt quá giới hạn, dẫn đến vi phạm pháp luật. Mặt khác, nhận thức của các bị cáo có giới hạn. Ngoài ra, việc tập trung gây tắc đường còn có lý do là dân mình thấy cái gì cũng tập trung lại chứ đâu chỉ do người khác hô hào, kích động. Chính vì đánh giá như thế, cân nhắc giữa nguyên nhân và hậu quả, lãnh đạo viện thống nhất trong trường hợp này chỉ nên răn đe giáo dục. . Theo ông, bản án sơ thẩm xử có thuyết phục không? + Thuyết phục hay chưa phải do dư luận đánh giá chứ không phải do các cơ quan tố tụng đánh giá. Bản án đưa ra sẽ tác động đối với xã hội và xã hội sẽ đánh giá là anh xử nặng hay nhẹ. . Vậy VKS có kháng nghị bản án sơ thẩm không? + Sau khi kiểm sát viên báo cáo lại quan điểm của kiểm sát viên, lãnh đạo viện sẽ xem xét, có kiến nghị. LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa: Có thể miễn hình phạt Việc các công an viên xã Vạn Long bắt, đánh chếtngười gây ra mất mát quá lớn cho gia đình em Thạch là sự thật không thể chối bỏ và không có gì bù đắp được. Những lời lẽ bức xúc của họ tại thời điểmđau thương đó là điều khó tránh khỏi.Nay lại quy kết họ là “tội phạm” để trừng trị, tôi cho việc xử lý hình sựnhư vậy là máy móc. Nếu những người xử lý vụ án này coi Thạch là con, cháu của mình thì chắc chắn họ sẽ có cách nhìn nhận, xử lý thấu tình đạt lý hơn. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là xuất phát từ hành vi phạm tội của các công an viên đã bắt, đánh chết Thạch. Nếu không có việc đánh chết Thạch thì chắc không có vụ ách tắc giao thông. Vậy nên tôi cho rằng việc xử lý hình sự đối với họ là không cần thiết. Trường hợp này có thể áp dụng Điều 25 BLTTHS để miễn trách nhiệm hình sự hoặc có thể áp dụng Điều 54 BLHS để miễn hình phạt đối với họ. TẤN LỘC thực hiện |