Đây là bác họ và cậu ruột của em Tu Ngọc Thạch, học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, người bị Công an xã Vạn Long đánh chết.
Cả hai bị cáo cho biết họ dốt luật và không có động cơ gây rối, khẳng định rằng khi họ có mặt tại quốc lộ 1 thì đã có hàng trăm người tập trung trên quốc lộ 1 và đường đã bị tắc. Bức xúc vì cháu mình bị công an đánh chết, các bị cáo có la lối: “Trời ơi! Cháu tôi bị công an đánh chết rồi!” chứ không có hành vi xúi giục, kích động người khác. Khi lực lượng cảnh sát cơ động đến giải tán, họ cũng đã trở về nhà. “Dân làng đã tập trung rất đông trên quốc lộ 1 trước khi chúng tôi đến. Chúng tôi có la hét hay nói gì cũng không ai nghe vì rất đông người và hỗn loạn” - bị cáo Tâm nói.
Hai bị cáo Mai Đình Tâm, Nguyễn Văn Ly tại phiên tòa. Ảnh: TẤN LỘC
Bản án trên, trước hết về mặt pháp lý không chặt chẽ và không triệt để. Thứ nhất, nhiều người có cùng hành vi đã không được xem xét trách nhiệm vì không nhận dạng được như chánh án TAND huyện Vạn Ninh đã nói, đó là sự thiếu triệt để trong điều tra. Thứ hai, hậu quả không được làm rõ dù hậu quả là yếu tố quan trọng khi xét xử tội phạm “gây rối trật tự công cộng”. Khi hai yếu tố này còn mù mờ thì việc xử tù họ khác nào xử “đại diện” của đám đông nhiều người cùng tham gia gây rối từ sáng tới chiều, trong khi nguyên tắc của hình luật là cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Thứ ba, hành vi của họ đã đến mức cấu thành tội phạm hay chưa? Và thứ tư, vì họ chính là chú và cậu của nạn nhân nên hành vi phản ứng, la hét của họ là dễ hiểu khi thấy cháu mình bị công an đánh chết. Tách rời hành vi ra khỏi trạng thái tâm lý, ra khỏi nguyên nhân bị kích động bởi hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của công an xã, để vận dụng pháp luật một cách lạnh lùng sẽ khiến dư luận có cảm giác đấy là sự trả đũa, hơn thua với dân sau hành vi tội ác của tay công an kia.
Về mục đích, quá trình điều tra và tại phiên tòa đã không làm rõ được nếu bị cáo cố tình gây rối thì mục đích của nó là gì ngoài việc bày tỏ nỗi đau khổ vì mất người thân và phẫn nộ trước tội ác?
Việc xét xử, trừng trị một người chỉ mang lại hiệu quả răn đe giáo dục khi bản án tuyên tâm phục khẩu phục. Nếu ngược lại, nó gây ức chế và phản cảm không chỉ với người đó mà với số đông dân chúng. Nhà nước có công cụ là luật pháp và bộ máy chuyên chế để buộc một người phải chấp hành một bản án nhưng rất khó để tạo nên sự tin tưởng với những bản án như trên. Người ta có thể suy nghĩ: “Mọi hành vi trái pháp luật xâm hại lợi ích xã hội thì sẽ bị trừng trị”, hay sẽ nghĩ rằng: “Đau khổ và uất ức thì cần bày tỏ và khi bày tỏ thì bị coi là tội phạm!”?
Khi bản án làm cho lòng dân phân tán, gia đình vừa bị mất người thân thêm lần đau khổ vì những người thân khác vướng vòng lao lý, bất hạnh chồng lên bất hạnh thì họ sẽ nghĩ gì? Họ có thể sống yên tâm và hạnh phúc hay sẽ cảm thấy mình bị bất an, không được bảo vệ? Phiên tòa sơ thẩm kết thúc, các cơ quan tố tụng huyện Vạn Ninh có thể đã “làm xong nhiệm vụ” trong vụ án cụ thể này nhưng nhân tâm và dư luận thì vẫn còn xao xuyến.
Vì thế chúng ta cùng mong chờ phán quyết ở phiên tòa phúc thẩm!