Bàn chuyện xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên

(PLO)- TAND Tối cao đưa ra lấy ý kiến về đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-12-2023, TAND Tối cao ban hành công văn về việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (175 điều).

Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV, TAND Tối cao yêu cầu chánh án các TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức lấy ý kiến thảo luận về các vấn đề lớn, các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như xử lý chuyển hướng, trách nhiệm hình sự, thủ tục tố tụng thân thiện và hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên.

Kết quả gửi về TAND Tối cao trước ngày 30-1-2024. Sau khi ghi nhận các ý kiến góp ý, TAND Tối cao sẽ quyết định theo đa số.

Đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, được thể hiện trong nhiều nghị quyết, văn kiện quan trọng.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

zalo-2514.jpg
Một phiên tòa xét xử người chưa thành niên phạm tội. Ảnh: SONG MAI

Để thể chế hóa những yêu cầu, nhiệm vụ đó thì việc đề xuất xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên là giải pháp khả thi và phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Theo TAND Tối cao, xu hướng chung của các quốc gia hiện nay là xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên thay vì quy định rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau. Qua nghiên cứu ngẫu nhiên hệ thống pháp luật của 28 quốc gia trên thế giới, có tới 21 quốc gia xây dựng đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Ở cấp độ khu vực, hiện nay 9/10 quốc gia ASEAN đã có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên (duy nhất Việt Nam chưa ban hành đạo luật này).

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng, các văn kiện này đều khuyến nghị chúng ta đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.

Đặc biệt, kết luận của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc về báo cáo thực hiện Công ước quyền trẻ em lần thứ năm và thứ sáu của Việt Nam ngày 19-9-2022 tại Geneva, Thụy Sĩ đã khuyến nghị Việt Nam “xem xét việc xây dựng và thông qua một đạo luật toàn diện về tư pháp trẻ em cung cấp khuôn khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp trẻ em”.

Hai quan điểm về hình phạt đối với người chưa thành niên

Điều 98 BLHS quy định bốn loại hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, gồm: 1. Cảnh cáo; 2. Phạt tiền; 3. Cải tạo không giam giữ; 4. Tù có thời hạn. Về vấn đề này, trong quá trình xây dựng dự án luật hiện còn hai quan điểm khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng giữ nguyên các loại hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên theo quy định của pháp luật hiện hành, gồm: 1. Cảnh cáo; 2. Phạt tiền; 3. Cải tạo không giam giữ; 4. Tù có thời hạn. Quy định như vậy, bảo đảm công bằng và nguyên tắc hạn chế áp dụng hình phạt tù mở rộng các chế tài không giam giữ cho đối tượng người chưa thành niên khi không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Hình phạt cảnh cáo và cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên là không cần thiết?

Quá trình soạn thảo, luồng ý kiến cho rằng thật không hợp lý và không cần thiết khi quy định hình phạt cảnh cáo và cải tạo không giam giữ là hình phạt đối với người chưa thành niên.

Bởi lẽ: Về bản chất, hình phạt cảnh cáo gần như tương đồng với biện pháp xử lý chuyển hướng khiển trách; hình phạt cải tạo không giam giữ gần như tương đồng với biện pháp xử lý chuyển hướng là giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, vì quy định là hình phạt nên bắt buộc phải do TAND quyết định tại phiên tòa mà không được áp dụng từ giai đoạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử như các biện pháp xử lý chuyển hướng dẫn đến kéo dài thời gian tố tụng, phức tạp về trình tự áp dụng; chưa bảo đảm nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, kịp thời đối với người chưa thành niên.

Quan điểm thứ hai cho rằng quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt là tù có thời hạn. Các trường hợp không phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Theo đó, bãi bỏ ba hình phạt gồm cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ.

Quan điểm này cũng phù hợp với nguyên tắc ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên, việc áp dụng hình phạt là biện pháp cuối cùng. Đồng thời, không tác động và ảnh hưởng đến hệ thống hình phạt quy định tại Điều 32 BLHS.

Do đó, trong dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đưa vào cả hai phương án. Quan điểm nào nhận được sự đồng thuận cao hơn sẽ được chọn.

Áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng

Điều 28 dự thảo luật quy định về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Theo đó, TAND quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội khi hội đủ một số điều kiện. Trong số đó có điều kiện quy định tại khoản 3 “người chưa thành niên tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội và đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng”, hiện vẫn còn hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm ủng hộ cho rằng việc người chưa thành niên đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là điều kiện cần thiết để bảo đảm người chưa thành niên chấp hành các biện pháp xử lý chuyển hướng hiệu quả. Nội dung này kế thừa từ quy định về điều kiện áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự phải có sự đồng ý của người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ tại Điều 92 BLHS.

Quan điểm phản đối cho rằng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải căn cứ vào độ tuổi, nhận thức, hoàn cảnh cũng như tính chất, mức độ hành vi phạm tội của người chưa thành niên để đánh giá khả năng để cải tạo, phục hồi cho người chưa thành niên chứ không phụ thuộc vào ý chí mong muốn của người chưa thành niên. Quy định này tương tự như quy định của pháp luật hiện hành về áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không cần thiết phải có sự đồng ý của người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ.•

Biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội

Đây là các biện pháp giám sát, giáo dục khi người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự mà BLHS đang quy định. Bản chất của biện pháp này là đưa người chưa thành niên ra khỏi trình tự tố tụng hình sự; là chuyển hướng người chưa thành niên sang thủ tục đơn giản, nhanh chóng hơn. Do đó, dự thảo luật đã quy định thành xử lý chuyển hướng.

Điều 27 dự thảo luật quy định 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, gồm:

+ Hai biện pháp đang quy định trong BLHS là (1) Khiển trách; (2) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

+ Một biện pháp đang quy định trong BLHS là hòa giải tại cộng đồng được tách thành hai biện pháp là (1) Xin lỗi người bị hại; (2) Bồi thường thiệt hại.

+ Bổ sung sáu biện pháp xử lý chuyển hướng mới: (1) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề; (2) Tham gia các buổi điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; (3) Lao động công ích; (4) Cấm tiếp xúc; (5) Cấm đến một địa điểm nhất định; (6) Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại.

+ Chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trở thành biện pháp xử lý chuyển hướng nặng nhất trong các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hiện còn hai quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng quy định chỉ có TAND là cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên theo đề nghị của cơ quan điều tra, VKS.

Quan điểm thứ hai cho rằng nên giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó cả ba cơ quan là cơ quan điều tra, VKS, TAND đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo từng giai đoạn tố tụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm