Vấn nạn đóng hàng loạt khoản tiền vào đầu năm học dường như chưa bao giờ hạ nhiệt. Ở nhiều tỉnh, thành nói chung và TP.HCM nói riêng, đi đâu cũng nghe những tiếng thở than của phụ huynh sau mỗi buổi họp đầu năm về hàng loạt khoản phải đóng cho trường, lớp. Đáng nói, những khoản này lại xuất phát chính từ ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) của lớp, của trường đề ra.
Đóng cả trăm triệu để làm mới lớp học
Cụ thể như đầu năm học này, nhiều phụ huynh có con học lớp 1/7 Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ (Tân Bình) phải cắn răng cùng đóng hơn 100 triệu đồng để sơn lại lớp học, lót sàn nhà, thay mới bàn ghế, lắp máy lạnh, sắm tivi… Một phụ huynh cho hay do lớp chỉ có 35 HS nên tính ra mỗi phụ huynh đóng khoảng 3 triệu đồng.
Trả lời với báo chí, bà Nguyễn Thị Tân, Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận có việc lớp 1/7 muốn làm mới lớp học nhưng hoàn toàn do ban đại diện cha mẹ HS lên kế hoạch và thực hiện vì muốn tốt cho con em họ. Bà Tân cho hay: “Ban có trình bày và xin ý kiến nhà trường nên trường đồng ý trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, các mạnh thường quân và những người có điều kiện đóng góp chứ không ép buộc hay cào bằng mức tiền cho phụ huynh nào”.
“Tiền học thì không bao nhiêu nhưng những khoản tiền này lại nhiều, mà liệu có thực sự phải trang hoàng lớp học đến như thế. Khi ban đại diện đã bàn và đề ra rồi thì hầu như ai cũng tự hiểu mình phải đóng bao nhiêu, có muốn không đóng cũng không được” - một phụ huynh nói.
Tương tự, phụ huynh có con học lớp 3/2 Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) cũng bất ngờ khi nhận được thư ngỏ từ ban đại diện cha mẹ HS về việc lót lại sàn gỗ lớp học với kinh phí 14 triệu đồng, chia bình quân mỗi học sinh 400.000 đồng. “Ban đại diện phụ huynh chứ không phải ban phụ thu hay hội họa sĩ vẽ tiền cơ sở vật chất hằng năm. Nếu cứ tiếp tục như thế thì theo tôi không cần thiết phải tồn tại ban này nữa” - một phụ huynh bức xúc.
Một buổi họp của phụ huynh học sinh đầu năm học tại một trường. Ảnh: HTD
Về vấn đề này, ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng nhà trường, cũng cho rằng đã nắm được sự việc về thư ngỏ của lớp 3/2 và nhận được phản hồi của một số phụ huynh về việc từ chối đóng tiền làm sàn lớp học. Hiện việc làm sàn lớp 3/2 cũng đã hoàn thành và một số lớp khác cũng tự bỏ chi phí để làm sàn lớp như vậy.
Theo ông Huệ, kế hoạch làm sàn lớp xuất phát từ mong muốn của nhiều phụ huynh để các em có chỗ ngủ sạch sẽ và mát mẻ hơn chứ không phải là chủ trương của nhà trường. Tuy nhiên, theo ông Huệ, việc viết thư ngỏ của ban đại diện chỉ để thăm dò lấy ý kiến phụ huynh nhưng ông Huệ cũng thừa nhận việc chia đều tiền ra đóng là không nên, phụ huynh có quyền từ chối là đúng.
Ban đại diện có còn cần thiết?
Từ năm 2011, khi Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS đã khiến dư luận thở phào nhẹ nhõm vì không còn đóng những khoản thu bất hợp lý. Bởi lẽ phần lớn quy định trong điều lệ này đều chú trọng việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc tổ chức các hoạt động dạy học và vui chơi của HS. Thậm chí Bộ còn quy định rõ về việc không được thu các khoản tiền không theo nguyên tắc tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS.
Không dừng lại ở đó, năm 2012 Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư 29 về tài trợ giáo dục để huy động sự hỗ trợ, đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong xã hội cho giáo dục.
Đã đến lúc nên xóa bỏ ban đại diện cha mẹ HS. Thay vào đó, để giám sát các hoạt động thu-chi của nhà trường, cần có hội đồng trường, gồm hai đại diện phụ huynh bốc thăm ngẫu nhiên mỗi năm một lần, một cán bộ phòng giáo dục, một cán bộ phòng nội vụ, một đại diện tổ dân phố và công an phường. Hội đồng xem xét cả việc bầu hiệu trưởng, nêu ý kiến miễn nhiệm hiệu trưởng. TS VŨ THU HƯƠNG, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội |
Thế nhưng thực tế thực hiện ở các trường lại hoàn toàn khác. Hầu hết các vụ bức xúc về lạm thu ở các trường học nhiều năm nay khi tìm hiểu rõ đều xuất phát từ các ban đại diện cha mẹ HS dưới danh nghĩa “tự nguyện” nhưng thực chất hầu như ai cũng phải đóng.
Anh Võ Quốc Bình, phụ huynh có hai con học ở quận 1, thẳng thắn: Hằng năm, ngân sách cho giáo dục là rất đáng kể nhưng phụ huynh vẫn phải đóng rất nhiều với danh nghĩa tự nguyện là một áp lực rất lớn.
Theo anh Bình, cần xem lại có cần thiết phải tồn tại ban đại diện ở các trường nữa không. Mục đích của ban này vốn là kết nối, chia sẻ, giám sát chéo con em, liên lạc để nắm bắt thông tin nhằm hỗ trợ nhà trường trong việc giáo dục HS từ đạo đức đến văn hóa, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Thậm chí nếu phát hiện sai phạm của nhà trường thì ban này nên đại diện cho toàn thể phụ huynh lên tiếng để góp phần chấn chỉnh.
Tuy nhiên, ban đại diện phụ huynh hiện nay chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là vận động, huy động tiền để sửa cái này, thay cái nọ từ phụ huynh. Mà tâm lý đại đa số phụ huynh là sợ nếu không đóng, con em bị thiệt thòi,... nên cứ theo đám đông để đóng. Anh Bình cho rằng nếu cứ tiếp tục duy trì ban này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng và hình ảnh của nhà trường, giáo dục.
Nói về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng cho rằng ban đại diện cha mẹ HS hiện nay đã biến tướng, thậm chí trở thành “cánh tay nối dài” của trường trong việc vận động phụ huynh để thu các khoản xã hội hóa. Nếu không có ban đại diện này, hiệu trưởng sẽ không còn nơi để đá bóng trách nhiệm.
Ban đại diện cha mẹ HS không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ HS. Việc thu-chi kinh phí phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ HS và trường. Ban đại diện cha mẹ không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. (Trích Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT quy định về điều lệ |