Bán đảo Triều Tiên và loạt diễn biến nóng nguy hiểm

(PLO)- Căng thẳng bán đảo Triều Tiên thêm tăng nhiệt nguy hiểm với loạt diễn biến nóng từ Bình Nhưỡng và Mỹ - Hàn Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin quân đội nước này vừa phóng hai tên lửa hành trình chiến lược từ tàu ngầm hôm 12-3 (giờ địa phương). Các tên lửa được phóng từ tàu ngầm mang tên 8.24 Yongung ở vùng biển ngoài khơi TP Sinpo phía đông Triều Tiên và bay khoảng 1.500 km trước khi bắn trúng mục tiêu giả định trên biển.

Động thái của Bình Nhưỡng diễn ra chỉ một ngày trước khi Mỹ và Hàn Quốc kích hoạt cuộc tập trận thường kỳ mùa xuân mang tên Lá chắn tự do (Freedom Shield) kéo dài 11 ngày. KCNA khẳng định Bình Nhưỡng sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa mạnh mẽ nhất với bất kỳ kế hoạch nào của Washington và Seoul.

Sức mạnh mới của Triều Tiên

KCNA nhấn mạnh vụ phóng hai tên lửa hành trình chiến lược là nhằm xác nhận độ tin cậy của hệ thống vũ khí và đánh giá hoạt động tấn công từ dưới nước của các đơn vị tàu ngầm - một trong những lực lượng răn đe hạt nhân chủ lực của Triều Tiên. Quân ủy trung ương đảng Lao động Triều Tiên bày tỏ sự hài lòng về kết quả vụ phóng này.

Ảnh vụ phóng tên lửa hành trình chiến lược từtàungầm của Triều Tiên vào ngày 12-3. Ảnh: KCNA

Ảnh vụ phóng tên lửa hành trình chiến lược từtàungầm của Triều Tiên vào ngày 12-3. Ảnh: KCNA

Cụm từ “tên lửa hành trình chiến lược” là chỉ tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Hai tên lửa được đánh giá có độ bay thấp và cơ động, giúp các thiết bị này trốn tránh hệ thống phòng thủ tên lửa tốt hơn. Tháng trước, Triều Tiên cho biết đã phóng bốn tên lửa hành trình chiến lược Hwasal-2 trong một cuộc tập trận, nhằm tăng cường khả năng phản công hạt nhân. Triều Tiên cũng đang phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với nhiều loại và tầm bắn khác nhau.

GS Kim Dong-yub thuộc ĐH Nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc) cho biết các chi tiết về vụ phóng cho thấy rằng lãnh thổ Nhật, bao gồm cả các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa, nằm trong tầm tấn công của các tên lửa Triều Tiên bắn từ vùng biển phía đông. Ông nói thêm rằng các loại vũ khí này thậm chí có thể vươn tới lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương nếu một tàu ngầm của Triều Tiên có thể hoạt động xa bờ hơn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 13-3 cho biết Trung Quốc rất quan ngại về các đợt gia tăng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, đề nghị các bên hành động kiềm chế và giải quyết khác biệt thông qua đối thoại, theo tờ China Daily.

Chuyên gia Moon Keun-sik thuộc ĐH Kyonggi (Hàn Quốc) cho rằng các tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên có khả năng được thiết kế để tấn công các tàu sân bay và tàu lớn của Mỹ hoặc các mục tiêu tầm ngắn khác trên mặt đất. Trong khi đó Triều Tiên xác định nhiệm vụ của loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm là để tấn công các mục tiêu trong đất liền Mỹ.

Mỹ - Hàn Quốc tập trận lớn nhất trong năm năm

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) xác nhận thông tin về vụ phóng tên lửa mới nhất phía Triều Tiên. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, đại diện đặc biệt về hòa bình và an ninh bán đảo Triều Tiên Kim Gunn điện đàm với người đồng cấp Mỹ Sung Kim sau vụ việc. Hai quan chức chỉ trích Bình Nhưỡng cố tình sử dụng các cuộc tập trận quân sự chung của hai bên và các cuộc thảo luận của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ liên quan đến Triều Tiên như một cái cớ để biện minh cho các hành động khiêu khích, đồng thời cảnh báo rằng các hành động này sẽ gặp phải phản ứng nghiêm khắc từ cộng đồng quốc tế.

Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc mang tên Lá chắn tự do dự kiến kéo dài ít nhất 10 ngày kể từ ngày 13-3, tập trung vào “môi trường an ninh đang thay đổi” do các hoạt động quân sự gia tăng của Triều Tiên, theo hãng tin AFP. TS An Chan-il thuộc Viện Thế giới về nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc) nhận định cuộc tập trận lần này sẽ rất khác cả về chất lượng và số lượng, so với các cuộc tập trận chung trước đó diễn ra trong năm năm gần đây.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tập trận sẽ gồm nhiều bài tập huấn luyện khác nhau nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa hai quân đội đồng minh trong các hoạt động tác chiến “đường không, đường bộ, đường biển, trên không gian, trên mạng cùng các hoạt động tác chiến đặc biệt khác”. Nhiều vũ khí hạng nặng của Mỹ và Hàn Quốc sẽ tham gia vào cuộc tập trận này và nhiều hoạt động bắn đạn thật cũng sẽ được tổ chức.

Các đặc phái viên Mỹ và Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc tập trận chung của hai đồng minh trong việc tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân đang gia tăng của Triều Tiên. Mỹ trong tuần tới cũng được cho là sẽ đem vấn đề Triều Tiên ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Mỹ phân tích vụ phóng, có “sự khác biệt” với tuyên bố của Triều Tiên

Hiện các cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích chi tiết các thông số kỹ thuật liên quan tới vụ phóng hai tên lửa hành trình chiến lược của Triều Tiên sau khi trục vớt vật thể được cho là phần tên lửa được phóng đi.

Đài CNN dẫn thông tin từ một quan chức JCS cho biết có “sự khác biệt” giữa tuyên bố của Triều Tiên và kết quả phân tích của Mỹ, Hàn Quốc. Cụ thể, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên chỉ là một cuộc thử nghiệm “giai đoạn đầu” và tên lửa vẫn chưa được triển khai chính thức. Tuy thế, quân đội Hàn Quốc và các lực lượng Mỹ đồn trú đã được đặt trong trạng thái cảnh giác và sẵn sàng.

Đây cũng được biết là vụ phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm đầu tiên của Triều Tiên, cũng lần đầu tiên nước này thực hiện cùng lúc nhiều vụ bắn trong một lần thử. Các vụ phóng tên lửa từ dưới nước trước đây của nước này đều là tên lửa đạn đạo. Việc thực hiện các vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm sẽ khiến các đối thủ khó phát hiện và sẽ cho phép Triều Tiên tấn công phủ đầu.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn sẽ phải mất nhiều năm nữa để Triều Tiên xây dựng một hạm đội gồm nhiều tàu ngầm có thể di chuyển nhẹ nhàng trên biển và đủ khả năng tấn công quy mô lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm