“Bán đất vàng là giết chết thể thao”

. PV: Ông đánh giá thế nào về đề xuất bán một số khu “đất vàng” thể thao để lấy tiền xây dựng Trung tâm TDTT Rạch Chiếc của Sở VH-TT&DL TP.HCM?

“Bán đất vàng là giết chết thể thao” ảnh 1
+ TP.HCM vốn có truyền thống về TDTT. TP này đang có những cơ sở thể thao rất tốt như sân Thống Nhất, CLB Thanh Đa, sân Hoa Lư… Các trung tâm thể thao cấp quận, huyện cũng phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, để xứng tầm đô thị lớn nhất nước, TP.HCM cần có một trung tâm TDTT tầm cỡ khu vực. Nhưng TP phải có cách làm hợp lý chứ không thể đòi bán quỹ đất dành cho TDTT vốn đang còn rất ít.

Đất dành cho thể thao hiện rất hiếm, cần phải lưu giữ lại, tuyệt đối không được bán. TP hãy nâng cấp, phát huy hết thế mạnh của những trung tâm cũ như Thanh Đa, Hoa Lư. Nếu nó không hiệu quả thì hãy làm cho hiệu quả hơn, chứ bán đi để xây khách sạn, nhà hàng thì chính là giết chết nền thể thao của TP.

. Hà Nội có kinh nghiệm gì khi xây dựng khu liên hợp thể thao Mỹ Đình mà không phải đụng đến quỹ “đất vàng” trong nội thành?

+ Nói cho công bằng thì Hà Nội gặp nhiều thuận lợi hơn TP.HCM trong việc xây dựng các trung tâm TDTT thành tích cao. Hà Nội từng đăng cai tổ chức SEA Games, Asian Indoor Games và tới đây sẽ đăng cai tổ chức Asiad 2019 nên cơ sở vật chất TDTT được trung ương đầu tư nhiều hơn.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng rất chủ động khai thác tiềm năng các cơ sở thể thao. Đặc biệt, Hà Nội luôn chú trọng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực TDTT. Ví dụ trung tâm bóng đá của các doanh nghiệp ACB, Hòa Phát... tại khu 55 ha Mỹ Đình đã được TP ưu đãi đất để đầu tư xây dựng.

“Bán đất vàng là giết chết thể thao” ảnh 2

Rất nhiều thế hệ VĐV TP.HCM đã trưởng thành từ các cơ sở thể thao như Hoa Lư, Yết Kiêu. Trong ảnh: Các cầu thủ nhí đang hăng say tập luyện tại sân Hoa Lư. Ảnh: XUÂN HUY

Cũng nói thêm, khi còn làm giám đốc Sở TDTT Hà Nội, tôi từng đưa chủ trương đổi đất lấy công trình tại khu bể bơi Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để lấy tiền xây dựng cơ sở vật chất cho TDTT Hà Nội. Kinh nghiệm đó tôi học từ quận Triều Dương (Bắc Kinh, Trung Quốc). Có miếng đất khoảng 6 ha, họ phân 2 ha cho doanh nghiệp kinh doanh, 4 ha còn lại DN phải xây dựng cơ sở vật chất thể thao cho chính quyền. Khi tôi định áp dụng kinh nghiệm này trong việc cải tạo khu bể bơi Tăng Bạt Hổ, có nhiều ý kiến phản đối. Có người nói: “Nếu bán hồ bơi thì cho trẻ con của quận Hai Bà Trưng sẽ bơi trong chậu à”. Cuối cùng điều đó không thực hiện được.

. Nếu vẫn muốn xây dựng khu TDTT Rạch Chiếc, TP.HCM cần làm thế nào để không phải bán “đất vàng” thể thao?

+ Ý tưởng đổi đất lấy công trình bắt nguồn từ việc thiếu tiền, tuy nhiên phải tùy lúc, tùy nơi. Nếu bây giờ TP.HCM chưa có tiền thì khoan nóng vội xây trung tâm Rạch Chiếc, chứ nếu chăm chăm bán Thanh Đa, Hoa Lư… thì bị người dân phản đối ngay. Tuy chưa xây nhưng TP.HCM phải giữ bằng được những diện tích còn lại cho trung tâm TDTT Rạch Chiếc, đừng để tình trạng “xà xẻo” tiếp tục diễn ra.

TP.HCM cũng có thể áp dụng mô hình đổi đất lấy công trình ngay tại khu Rạch Chiếc. Cụ thể, có thể bán 20 ha tại đây để lấy tiền đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho TDTT trên phần còn lại. Ngoài ra, tại sao không đặt vấn đề kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực TDTT?

. Xin cám ơn ông.

TRỌNG PHÚ thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm