. PV: Là người từng phải… xắn quần đi xin đất cho ngành thể thao TP.HCM, ông suy nghĩ gì khi đại diện Sở VH-TT&DL đề xuất bán sân Hoa Lư, hồ bơi Yết Kiêu, Trung tâm TDTT Thanh Đa, rạp hát Nhân Dân để lấy tiền xây dựng tổ hợp TDTT Rạch Chiếc?
Sức khỏe nhân dân là tài sản quý của một quốc gia và việc thường xuyên luyện tập TDTT là cách tốt nhất để người dân giữ gìn sức khỏe. Luyện tập TDTT còn giúp một bộ phận giới trẻ tránh được những cám dỗ của các tệ nạn, góp phần ổn định trật tự xã hội. Liệu ngành thể thao TP đã thử tìm hiểu xem tại các trường học trong TP học sinh đang tập thể dục, chơi thể thao như thế nào, điều kiện sân bãi tập luyện ra sao chưa? Nếu đã tìm hiểu kỹ, chắc chắn họ không bao giờ dám nghĩ đến chuyện bán đi những sân bóng, hồ bơi của TP.
. Nhưng bán đất TDTT trong nội thành cũng để đầu tư cho Trung tâm TDTT Rạch Chiếc, thưa ông?
+ Tôi chỉ nói đơn giản thế này: Bán sân Hoa Lư, bán hồ bơi Yết Kiêu, bán Trung tâm TDTT Thanh Đa… để lấy tiền xây dựng Trung tâm TDTT Rạch Chiếc là phá hoại xã hội, phá hoại TP này.
Tôi đã đi tham quan rất nhiều TP lớn trên thế giới và thấy rằng một TP văn minh, hiện đại là phải có nhiều khu vui chơi, tập luyện TDTT quần chúng. Chúng ta không đề xuất tiếp tục phát triển khu tập luyện TDTT thì thôi, lại còn đòi bán bớt đất TDTT trong nội thành là sao?
Theo ông Lê Bửu, đề xuất bán một số cơ sở TDTT trong TP là “phá hoại xã hội”. Trong ảnh: Các học sinh đang chơi bóng đá tại Trung tâm TDTT Thanh Đa trong ngày 2-9. Ảnh: Việt Hoa
Không đủ tiền xây dựng Trung tâm TDTT Rạch Chiếc thì cứ để đó, khi nào có tiền chúng ta sẽ làm. Chứ những cơ sở TDTT trong TP vốn đã ít nay lại bán đi thì người dân sẽ tập thể thao ở đâu và họ “thở” ở đâu?
. Theo lý giải của ngành thể thao thì việc xây dựng Trung tâm TDTT Rạch Chiếc cũng là chiến lược phát triển của thể thao TP…
+ Đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Nếu bán “đất vàng” của thể thao TP, tôi chưa thấy lợi đâu mà đã thấy cái hại trước mắt. Ví dụ, một người dân có thói quen sáng sớm dậy vào sân Hoa Lư tập thể dục rồi về đi làm, nếu bán sân Hoa Lư họ tập ở đâu? Như vậy làm sao TP phát triển thể thao quần chúng được?
Cũng xin nói luôn, nếu ngày trước tôi không ra Hà Nội làm tổng cục trưởng Tổng cục TDTT thì Rạch Chiếc đã là Trung tâm TDTT lớn rồi. Vì sao ư? Vì sau khi tôi đi thì 420 ha đất của Rạch Chiếc dần dần bị “tùng xẻo” để làm sân golf, rồi làm cái này cái khác... Lúc ấy tôi đã kêu gọi được 2 triệu USD vốn ODA để xây trung tâm rồi nhưng cuối cùng mọi việc đành dang dở. Nhưng cũng lạ là đất Rạch Chiếc vốn nằm trong đề án quy hoạch TDTT và bị “tùng xẻo” như đã nói nhưng nay lại phải bồi thường là sao?
. Ông có nhắn gửi gì với những người làm công tác quản lý thể thao hiện nay?
+ Thật buồn là TP.HCM ngày càng phát triển, càng văn minh, hiện đại nhưng riêng TDTT cứ “chết lên chết xuống”. Thể thao TP.HCM những năm 1980 có ai sánh bằng, còn bây giờ thì tụt hậu rất xa so với nhiều tỉnh, thành khác. Lãnh đạo ngành thể thao nên nghĩ cách nào để vực dậy nền thể thao của TP, đừng chăm chăm chỉ nghĩ đến bán đất để lấy tiền!
. Xin cảm ơn ông.
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 của UBND TP năm 2010, khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc sẽ tập trung các công trình thể thao quy mô quốc gia, là nơi tổ chức các đại hội TDTT cấp khu vực, quốc tế và phục vụ rộng rãi nhân dân. Khó khăn lớn nhất để triển khai dự án là vốn. Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết đang xem xét đề xuất bán đấu giá chín khu đất trong nội thành, gồm 43 Điện Biên Phủ, 157 Đồng Khởi, 164 Đồng Khởi, 3 Phan Văn Đạt, 140 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sân vận động Hoa Lư, CLB Yết Kiêu (quận 1), Trung tâm TDTT Thanh Đa (Bình Thạnh) và rạp hát Nhân Dân (quận 5). Sở KH-ĐT đề nghị Sở VH-TT&DL giải trình cụ thể chi tiết về việc giải quyết cơ sở vật chất và con người trong từng khu đất để trình UBND TP xin ý kiến. Cũng theo Sở KH-ĐT, do quy mô và tính chất của dự án có tầm khu vực nên UBND TP chỉ đạo sở này cùng các sở, ngành liên quan có văn bản trình Chính phủ xin nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương. Sở VH-TT&DL đã có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Để thực hiện dự án, chủ trương của TP là dùng nguồn vốn ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng (khoảng 4.700 tỉ đồng), còn đầu tư xây dựng thì kêu gọi xã hội hóa. VIỆT HOA Đừng bán cái chúng ta không thể tìm lại được Nên cân nhắc thật kỹ khi bán sân Hoa Lư. Sân này bán đi sẽ thu được rất nhiều tiền nhưng sau đó thì người dân sẽ rèn luyện TDTT ở đâu? Người dân nội thành không phải ai cũng có thể chạy về Rạch Chiếc để tập luyện cả. Không nên vì nôn nóng tìm vốn mà bán đi những cái mà sau này chúng ta sẽ không kiếm lại được. Ông NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó ban Văn hóa - Xã hội, Rút lại đề xuất bán CLB Yết Kiêu Hiện có rất nhiều nhà đầu tư muốn mua Sân vận động Hoa Lư. Ban đầu CLB Yết Kiêu cũng có tên trong danh sách chín khu đất đề nghị bán để lấy tiền đầu tư cho Trung tâm TDTT Rạch Chiếc. Nhưng do khu đất nằm trong hành lang bảo vệ đường thủy, không được phép xây dựng thêm (vì thế sẽ không thu hút người mua) nên sở không đề xuất bán nữa. Ông NGUYỄN HÙNG, Phó Giám đốc Sở TT-VH&DL TP.HCM |
TẤN PHƯỚC thực hiện