Bạn đọc nói gì về việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2024?

(PLO)- Doanh nghiệp được nhiều hơn mất; người lao động được lương cao hơn, sẽ hăng say làm việc, làm việc có trách nhiệm hơn, gắn bó với công ty hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Bộ Nội vụ thống nhất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7” về nội dung Bộ Nội vụ đã thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về thời điểm tăng lương tối thiểu vùng năm nay.

Theo đó, tăng lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh từ ngày 1-7-2024, trùng với thời điểm cải cách tiền lương khu vực Nhà nước. Lương công chức viên chức, lương hưu, lương tối thiểu vùng sẽ đồng loạt được điều chỉnh tăng. Đây là niềm vui lớn cho cán bộ, người lao động và cả người về hưu.

Thông tin trên đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc PLO.

tăng lương tối thiểu vùng
Bộ Nội vụ thống nhất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024. Ảnh minh họa

Kiểm soát giá thành, tránh lương chưa tăng mà giá đã tăng

"Trước đây, lương mình rất thấp nhưng vẫn sống ổn. Nay hệ số lương và lương cơ bản tăng nhưng cuộc sống vẫn khổ. Giá cả tăng chóng mặt, lương không theo kịp. Tăng mức lương tối thiểu vùng, nhưng thuế TNCN không thay đổi, cũng nên xem xét thay đổi mức giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân" - bạn đọc Cao Nguyễn bày tỏ.

“Tăng lương nhưng vấn đề là phải có biện pháp bình ổn giá thì việc tăng lương này mới có giá trị thực tế. Tăng lương chỉ là giải pháp đáp ứng một mảnh chung của những đời sống nhân dân. Phần còn lại là những người không hưởng lương, cụ thể như người nông dân cũng cần được quan tâm. Ngoài ra những ngành thiết yếu của cuộc sống người dân phải có cách quản lý đúng đắn, hợp lý mới là nền tảng vững chắc giúp đời sống nhân dân cả nước ổn định, bớt khó khăn. Mong rằng chúng ta giải quyết được bài toán việc làm - thu nhập - đời sống - chỗ ở được hài hòa” - bạn đọc Vũ Văn Phương đặt vấn đề.

“Tăng lương thì mọi thứ sẽ tăng theo thôi, đời sống của công nhân cũng chẳng cải thiện được bao nhiêu. Điều cần làm là tháo gỡ tất cả rào cản để các thành phần kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp được thoải mái phát triển, tạo nền kinh tế có sức cạnh tranh lớn, giảm chi phí sản xuất và phân phối các mặt hàng thiết yếu... thì mới giúp đời sống toàn dân tăng lên một cách thực chất. Chi phí xăng dầu, chi phí cầu đường... cũng đang đẩy chi phí vận tải lên cao khiến các mặt hàng cũng tăng ngất ngưởng theo” - bạn đọc Tuấn Bình phân tích.

“Lương của người lao động tăng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ở giá cả thị trường, ví dụ doanh nghiệp phải tăng giá thành sản phẩm để bù đắp cho tăng chi phí, sau đó người lao động mua sản phẩm đó để tiêu dùng, thì bài toán vẫn như vậy. Thậm chí lương không tăng thì giá vẫn tăng, dù sao tăng lương cũng còn hơn không, phần nào bù đắp cho người lao động” - bạn đọc Thiện Mỹ chia sẻ.

Được - mất khi tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7

“Doanh nghiệp được nhiều hơn mất. Người lao động được lương cao hơn, sẽ hăng say làm việc, làm việc có trách nhiệm hơn, gắn bó với công ty hơn. Người lao động ít nghỉ việc hơn, doanh nghiệp đỡ tốn chi phí tuyển dụng, đào tạo” - bạn đọc Chi Nguyễn phân tích.

“Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển ổn định, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Mình đánh giá mức tăng lương 6% là hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả người lao động và doanh nghiệp” - bạn đọc Hương Nguyễn chia sẻ.

“Việc tăng lương để người lao động vừa giữ chân người lao động, vừa bồi dưỡng sức lâu dài, là bắt buộc, tự mỗi doanh nghiệp phải làm” - bạn đọc Ngọc Ý đề xuất.

“Lợi ích đối với người lao động sẽ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, khuyến khích gắn bó với công việc. Đối với doanh nghiệp sẽ thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển” - bạn đọc Tuan Anh đồng tình với ý kiến trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm