Điều 8, Luật Cư trú 2020 quy định rõ công dân có quyền lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định pháp luật.
Nơi cư trú được hiểu là một địa điểm, một nơi ở xác định của công dân để căn cứ vào địa điểm đó công dân đi tiến hành đăng ký thường trú hoặc tạm trú với cơ quan có thẩm quyền.
Một trong những nơi cư trú khá đặc biệt dùng để đăng ký thường trú được quy định trong Luật Cư trú 2020 đó là nơi cư trú của những người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển. Công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Một trong những nơi cư trú khá đặc biệt dùng để đăng ký thường trú là trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển. Ảnh: T.MẬN
Để hướng dẫn đăng ký thường trú, tạm trú cho những đối tượng này, ngày 29-6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 62/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú 2020.
Điều 3, Nghị định 62/2021 có nêu rõ nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển (sau đây gọi chung là phương tiện).
Theo đó, nơi cư trú của những người sinh sống, làm nghề lưu động trên các phương tiện này là nơi đăng ký phương tiện hoặc nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ (nếu phương tiện đó không phải đăng ký hoặc có nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ); trừ trường hợp người này đã đăng ký nơi cư trú khác.
Nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện được hiểu là địa điểm thực tế được phép đậu, đỗ mà phương tiện đó đậu, đỗ nhiều nhất trong 12 tháng liên tục do chủ phương tiện tự xác định và đã đăng ký với UBND cấp xã tại nơi phương tiện đó đậu, đỗ. Nếu nơi đó không có đơn vị hành chính cấp xã thì đăng ký với UBND cấp huyện.
Để đăng ký thường trú, tạm trú cho bản thân mình hoặc người khác sinh sống, làm nghề lưu động trên phương tiện (nếu chưa có nơi thường trú, tạm trú nào khác) thì chủ phương tiện phải xin được giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện đã được UBND cấp xã xác nhận. Trường hợp nơi đó không có đơn vị hành chính cấp xã thì UBND cấp huyện cấp giấy xác nhận.
Hồ sơ đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện gồm:
- Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện (theo mẫu).
- Thẻ CCCD hoặc CMND, hộ chiếu còn hạn sử dụng của chủ phương tiện.
- Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của UBND xã về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở. Nếu nơi đó không có đơn vị hành chính cấp xã thì phải có xác nhận của UBND cấp huyện về việc này.
- Hợp đồng thuê bến bãi cho phương tiện (nếu có).
Công dân có thể cung cấp bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính của giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký để đơn vị chức năng tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu.
Trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện (nơi không có đơn vị hành chính cấp xã) xem xét, xác nhận vào Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện cho chủ phương tiện.
Trường hợp chủ phương tiện thay đổi nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện thì phải đăng ký lại nơi thường xuyên đậu, đỗ theo quy định và thực hiện đăng ký thường trú, tạm trú mới theo quy định của Luật Cư trú.
(PLO)- Luật Cư trú 2020 đã bỏ điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương; quy định cụ thể các địa điểm bị cấm đăng ký thường trú, tạm trú; thêm các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú...