Vụ bé trai 2 tuổi bị bắt cóc tại Bắc Ninh gây hoang mang dư luận suốt ba ngày qua. Đến nay, bé may mắn được tìm thấy và đã trở về an toàn bên gia đình. Cơ quan công an cũng đang tạm giữ một nữ nghi phạm để điều tra về hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.
Qua sự việc này, một hồi chuông được gióng lên, cảnh báo các bậc cha mẹ cần chú ý tới con em mình hơn, nhất là tại nơi công cộng. Đồng thời, đây cũng là ví dụ thực tế về tình trạng bắt cóc trẻ em mà bấy lâu nay dư luận vẫn hay nhắc tới.
Vậy cần hiểu gì về loại tội phạm này và biện pháp gì để phòng tránh các tình huống tương tự xảy ra?
Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an. Ảnh: NVCC
Thủ đoạn phạm tội đa dạng
Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, giải thích “bắt cóc trẻ em” nghĩa là chiếm đoạt trái phép đứa trẻ ra khỏi sự quản lý của gia đình hoặc người quản lý hợp pháp; bằng các thủ đoạn khác nhau như lén lút, lừa dối, dùng vũ lực.
Việc bắt cóc trẻ em có thể phục vụ cho nhiều mục đích: tống tiền gia đình, bán cho người khác, bán ra nước ngoài, bán cho các gia đình hiếm muộn hoặc mang về nuôi dưỡng… Ngoài ra, tội phạm cũng có thể bắt cóc trẻ để cướp tài sản có giá trị (dây chuyền, nhẫn vàng, điện thoại…) mà các cháu mang trên người.
Thủ đoạn mà loại tội phạm này sử dụng cũng rất đa dạng, điển hình là trường hợp trẻ chơi một mình ngoài đường hoặc đi cùng cha mẹ tới nơi công cộng (siêu thị, trường học, bệnh viện…) nhưng thoát ly người lớn. Các đối tượng sẽ tìm cách tiếp cận, làm quen, dùng những thứ hấp dẫn như bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi… để dụ dỗ trẻ đi theo.
Ngoài ra, các đối tượng sẽ lợi dụng quen biết với gia đình, với trẻ, đón lõng các cháu trên đường đi học về để rủ đi chơi, cho đi nhờ… rồi bắt cóc. Hoặc với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, các đối tượng có thể kết bạn với trẻ qua mạng xã hội như Facebook, Zalo…để rủ rê đi chơi, thăm quan, xem phim.
“Hành vi chiếm đoạt trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Đối tượng gây án là bất kỳ ai, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân, người hiếm con…” – Trung tá Hiếu phân tích.
Nguyễn Thị Thu, nghi phạm trong vụ bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh. Ảnh: H.M
Hậu quả vô cùng nặng nề
Tội phạm bắt cóc trẻ em thường tập trung vào số đối tượng lưu manh, có tiền án, tiền sự, nghiện hút ma túy, không có công ăn việc làm, thua nợ bóng đá, lô đề, cờ bạc.
Các đối tượng phạm tội chuyên nghiệp sẽ hoạt động theo băng nhóm, có từ hai người trở lên. Trước khi gây án, tội phạm xác định mục tiêu, nghiên cứu, thăm dò quy luật sinh hoạt của các thành viên trong gia đình nạn nhân, nhận mặt trẻ, theo dõi hành trình di chuyển…
Với những vụ mang tính chất cơ hội, nhất thời bột phát, tội phạm khi thấy điều kiện thuận lợi (trẻ đi một mình ngoài đường, không có người lớn trông nom) sẽ tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt hoặc dùng vũ lực khống chế rồi chở đi.
Dù trường hợp nào, hậu quả từ hành vi bắt cóc trẻ em thường rất nặng nề. Việc trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa đến tính mạng sẽ gây tổn hại về thể chất, tâm lý của trẻ, những di chứng này có thể kéo dài trong suốt cuộc đời nạn nhân.
Không những vậy, hành vi này còn gây sợ hãi, đau khổ, xâm hại tài sản của gia đình trẻ; gây hoang mang, rúng động dư luận xã hội, tạo ra tâm lý bất an cho số đông…
Về nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, Trung tá Hiếu cho rằng trước hết là do sự chủ quan, mất cảnh giác của cha mẹ trong việc trông coi, giáo dục trẻ; trẻ thiếu kỹ năng phòng, chống bắt cóc.
Cùng với đó, đời sống khó khăn, nhiều người không có công ăn việc làm, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, sự băng hoại xuống cấp của đạo đức xã hội cũng là những tác nhân rất lớn.
Bé trai 2 tuổi may mắn trở về an toàn bên gia đình sau hơn một ngày bị bắt cóc. Ảnh: U.T
Cần làm gì để phòng ngừa?
Theo Trung tá Hiếu, điều cốt lõi để bảo vệ trẻ khỏi tình huống bị bắt cóc là việc giáo dục kỹ năng, vì cha mẹ và người thân không thể lúc nào cũng ở bên để bảo vệ, trông coi trẻ.
“Việc xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành lên những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc, là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết” – Trung tá Hiếu nhấn mạnh.
Cụ thể, cha mẹ hãy nói với trẻ về nạn bắt cóc và hậu quả của nó theo một cách dễ hiểu nhất; tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình. Trẻ cũng cần được dạy để nhận biết “những người lạ có thể tin tưởng”, gồm: thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan… để khi gặp tình huống nguy hiểm trẻ có thể trông cậy, nhờ vả.
Cùng với đó, cha mẹ cần dạy trẻ thuộc lòng họ tên, số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với những người “những người lạ có thể tin tưởng”.
Ngoài ra, cần giáo dục trẻ không được nói chuyện, đi theo hoặc nhận đồ vật (bánh kẹo, đồ chơi…) của người lạ mặt. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho cha mẹ. Nếu bị người lạ kéo, dắt, lôi đi thì phải kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh.
Trường hợp trẻ đã đến tuổi đi chơi với bạn bè mà không có sự giám sát của người lớn, cha mẹ hãy dặn trẻ luôn luôn để mắt tới nhóm bạn. Những kẻ bắt cóc thường nhắm mục tiêu khi trẻ đi một mình.
Với trẻ trẻ sơ sinh hoặc dưới 6 tuổi, cha mẹ nên trông trẻ cẩn thận, tránh để trẻ tự ý ra ngoài mà không có sự giám sát của người thân.
Đặc biệt, cha mẹ cần tuyệt đối không nên đưa lên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) những thông tin cá nhân của trẻ, địa chỉ cụ thể nơi con học, hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có, khá giả của gia đình. Bởi hiện nay tội phạm thường “tăm tia, săn mồi” ngay từ các trang Facebook…