Không biết quê quán, không nhà cửa, không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân và nhiều cái không khác, đó chính là hoàn cảnh của một cụ bà hơn 80 tuổi tên Châu Ngọc Nữ, đang ở trọ tại một con hẻm trên đường TL31, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM.
Không gia đình
Đầu tháng 4, bà Châu Ngọc Nữ gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM với lời cầu cứu nhờ báo hướng dẫn, giúp đỡ cho bà được đăng ký giấy khai sinh như bao người dân khác khi đã ở tuổi gần đất xa trời.
Bà Nữ đang dọn dẹp căn phòng trọ chỉ rộng hơn 10 m2 là chỗ ở của 3 thế hệ.
Trao đổi với PV, bà Nữ kể: Bà không biết cha mẹ của mình là ai, chỉ nhớ mơ hồ là lúc lên tám tuổi bà ở một cô nhi viện tại TP.HCM. Lúc còn tuổi niên thiếu, do còn trẻ người non dạ nên bà đã nghe theo lời rủ rê của mấy người chị kết nghĩa leo rào bỏ trốn khỏi cô nhi viện. Từ đó, bà sống một cuộc sống phiêu bạt, lấy chân cầu làm giường ngủ.
Bà được những người xung quanh cho mượn tiền mua rau củ về bán ở chợ Cầu Muối, quận 1, TP.HCM sinh sống qua ngày. Một hôm, bà tình cờ gặp được người phụ nữ xưng là bà con với bà. Từ đây, bà mới biết được cái tên mà cha mẹ bà đặt cho mình là Châu Ngọc Nữ, sinh năm 1937. Ngoài ra, người này còn kể mẹ bà mất lúc bà mới sinh được 16 tháng và đến ba tuổi thì cha bà mất. Sau đó, bà được một người bà con mang đến cô nhi viện nhờ nuôi dùm. Tin theo lời kể ấy bà mang cái tên Nữ từ đó đến nay.
Lúc 19 tuổi bà sống chung với người đàn ông tên Lê Văn Vinh và sinh được một người con gái. Sống được một thời gian thì người đàn ông đó bỏ bà đi. Cũng vì không giấy tờ, không được học hành nên bà chẳng biết làm thế nào để được cấp giấy khai sinh cho đứa con.
Đứa con lớn lên cũng sống cảnh lang thang, không giấy tờ tùy thân như mẹ nó. Tiếp đó, cháu ngoại của bà ra đời cũng trong cảnh không cha, không nhà cửa nhưng nhờ người xung quanh giúp đỡ nên cháu ngoại có được giấy khai sinh. Nhưng giấy khai sinh cũng không có tên cha tên mẹ. Đó là tờ giấy lận lưng duy nhất của đứa cháu, của cả dòng họ bà.
Bà Châu Ngọc Nữ đang trình bày với cán bộ tư pháp phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Hành trình đi làm khai sinh thất bại
Những năm gần đây, sức khỏe của bà Nữ ngày càng yếu đi, ngày bệnh nhiều hơn ngày lành. Bà phải cắn răng chịu đựng bởi nhà nghèo phải đi nhặt ve chai chạy cơm từng bữa thì tiền đâu ra mua thuốc. Bà rất cần tấm thẻ bảo hiểm y tế nhưng làm sao có được vì bà có giấy tờ tùy thân nào đâu.
Hai năm trước, bà gặp được ông Phạm Quý Định, một người dưng, thương tình đã đưa bà đi làm giấy khai sinh, rồi dự định xa hơn nữa là nhập khẩu vào hộ khẩu của họ và mua bảo hiểm y tế. Thế nhưng đi đến cơ quan nào, bà cũng gặp những cái lắc đầu.
Bà Nữ với công việc mưu sinh hàng ngày là nhặt ve chai
Gặp chúng tôi, ông Định khẩn khoản: “Tôi may mắn hơn bà cụ vì có giấy tờ tùy thân, có nhà cửa và tôi rất muốn giúp bà làm được giấy tờ tùy thân để được hưởng quyền lợi như bao người khác. Trước đây, tôi chở bà cụ đến khu phố hỏi thủ tục làm giấy khai sinh và được hướng dẫn lên UBND phường Thạnh Lộc, nơi bà đang ở trọ. Cán bộ phường hướng dẫn viết bản tường trình, rồi đi về những nơi trước đây bà sinh ra và sinh sống để xác minh. Mà làm sao xác minh được bởi bà bị bỏ rơi từ nhỏ rồi sau đó sống lang thang thì cơ quan nào chứng được? Vậy nên tôi đưa bà đến công an phường để được hướng dẫn làm thủ tục nhập khẩu vào nhà tôi và lại quay về câu chuyện không giấy khai sinh thì không được nhập khẩu”.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Mười, cán bộ tư pháp phường Thạnh Lộc, cho biết: “Trường hợp của bà Nữ trước giờ phường chưa gặp bao giờ. Bà không có một giấy tờ gì và bà cũng không nhớ quê quán ở đâu. Bà chỉ có duy nhất một sổ tạm trú ở Thạnh Lộc từ năm 2007 thì phường rất khó giải quyết”.
Địa phương đã tiếp nhận hồ sơ Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của bà Nữ, một lãnh đạo Phòng Quốc tịch - Hộ tịch, Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: Trước đây, sở cũng đã từng giải quyết cấp giấy khai sinh cho một số trường hợp tương tự bà Nữ. Theo đó, địa phương sẽ hướng dẫn người dân viết bản tường trình hoặc đối với những người không biết chữ thì cán bộ sẽ ghi nhận lại theo lời kể của họ. Sau đó, địa phương sẽ xác minh theo tường trình của người dân, nếu xác minh đúng sẽ tiến hành cấp giấy khai sinh. Chúng tôi đem ý kiến trên của đại diện Phòng Quốc tịch - Hộ tịch, Sở Tư pháp TP.HCM trao đổi lại với bà Nguyễn Thị Mười, cán bộ tư pháp phường Thạnh Lộc. Bà Mười cho biết phường sẽ tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy khai sinh của bà Nữ. Trong quá trình giải quyết phường sẽ xin ý kiến hướng dẫn của Phòng Tư pháp quận 12. |