“Không sợ nhiễm, chỉ sợ không đủ sức chăm bệnh nhân”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi đang làm việc tại phòng cấp cứu của Bệnh viện (BV) điều trị COVID-19 Trưng Vương, TP.HCM. Ở đây, mỗi ngày tôi hỗ trợ đội ngũ y tế của BV ra sức giành giật từng khoảnh khắc sống còn của bệnh nhân (BN).

Anh Lê Hồng Sơn (người mặc đồ bảo hộ) làm tình nguyện viên tại một điểm tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. Ảnh: NVCC

Vực dậy tinh thần cho bệnh nhân

Phòng cấp cứu của BV điều trị COVID-19 là nơi tiếp nhận và xử lý mọi loại tổn thương ban đầu của BN. Cho nên đội ngũ y tế ở đây làm việc liên tục, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng nhận bệnh.

Trong ca trực, tôi làm đủ việc của một điều dưỡng như thay tã, tắm rửa, cho BN ăn, các công tác chuyên môn tiêm truyền dịch, sơ cấp cứu, hồ sơ đi kèm… Các bác sĩ còn nhiều việc hơn, vừa phải thăm khám, đưa ra hướng điều trị vừa giúp đỡ các điều dưỡng chăm sóc BN.

Không phải BN nào cũng hợp tác với y bác sĩ, bởi vậy chúng tôi vừa điều trị vừa làm biện pháp tâm lý cho họ. Một số ca bệnh lúc chuyển đến phòng cấp cứu vẫn còn tỉnh táo. Họ nghĩ bản thân vẫn khỏe mạnh nên không muốn nhập viện. Từ đó, người bệnh có thái độ chưa đúng mực, không hợp tác với nhân viên y tế.

Thế nhưng chỉ một lúc sau, chỉ số SpO2 (nồng độ ôxy trong máu) của họ bắt đầu giảm, rồi ngất lịm. Tình huống này nằm trong dự liệu của nhân viên y tế. Cho nên mọi trang thiết bị, thuốc men, ống thở để đặt nội khí quản… đều sẵn sàng. Chúng tôi nhanh chóng kéo chỉ số SpO2 từ 60% lên 90%. Khi BN ổn định, phòng cấp cứu sẽ chuyển họ về các khoa để điều trị chuyên sâu.

Qua cơn nguy hiểm, nhiều người thay đổi thái độ, tuân thủ quá trình điều trị của BV. Còn nhân viên y tế chỉ có thể bình tĩnh trong mọi tình huống, lời lẽ khó nghe cỡ nào cũng chỉ giải thích và thuyết phục BN hợp tác.

Với những BN xuống tinh thần, chúng tôi tìm cách vực dậy, phải cố tìm một điểm tựa, một lý do để họ tiếp tục cố gắng.

Tôi nhớ có một BN xấp xỉ 80 tuổi. Cụ nghĩ ở tuổi này mà mắc COVID-19 thì làm sao qua khỏi, cho nên cụ rất bi quan, không chịu hợp tác điều trị.

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết cụ đặc biệt yêu thương cháu gái của mình. Thế là chúng tôi khuyên cụ phải cố gắng điều trị, mau khỏe để chứng kiến cháu gái lấy chồng và bế chắt. Cụ nghe chúng tôi khuyên nhủ thì mới bắt đầu ráng ăn chút cháo, uống thuốc để có sức khỏe điều trị.

Kết thúc ca trực “vắt áo ra nước”

Mùa dịch này, phòng cấp cứu của BV lúc nào cũng kín giường, những chiếc giường vừa có BN rời đi liền có ca khác đến nằm.

Nhân viên y tế ở đây xem BN như người nhà. Các F0 cũng lo lắng, hỗ trợ lẫn nhau từ cái tã, ly nước, thức ăn…

Giữa các nhân viên y tế không còn là tình đồng nghiệp mà như anh em trong nhà, hỗ trợ nhau hết sức. BN qua cơn nguy kịch, tất cả nhìn nhau cười. BN không may qua đời thì vỗ vai nhau động viên.

Mỗi ca trực thường kéo dài 8-9 tiếng đồng hồ, không ai được ăn uống hay đi vệ sinh. Cho nên trước ca trực, mọi người phải cố gắng ăn thật no, uống 300-350 ml nước. Lượng nước này sẽ giúp chúng tôi không bị suy kiệt, mất nước. Mặc đồ bảo hộ rất nóng, hết ca trực có thể nói là “vắt áo ra nước”.

Chúng tôi tuân thủ chặt chẽ các quy định trên, tránh cởi đồ bảo hộ có thể dẫn đến việc bị phơi nhiễm. Mọi người không sợ nhiễm bệnh mà sợ không đủ sức khỏe chăm sóc BN và ảnh hưởng đến đồng nghiệp.

Mọi người căn dặn nhau phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Chỉ một chút lơ là, BN có thể ra đi bất cứ lúc nào. Thời chiến còn thấy kẻ thù chứ dịch bệnh thì như kẻ thù vô hình nên càng phải cảnh giác.

Có lúc làm việc đến kiệt sức, thậm chí mắc các bệnh thông thường khác, các anh chị chỉ nghỉ ngơi đúng một ngày thì đã vội quay lại làm việc. Mọi người hỏi chúng tôi uống thuốc gì mà mau khỏi bệnh. Xin thưa, thuốc chữa bệnh cho đội ngũ y tế chính là tinh thần và tình yêu nghề.

Công việc áp lực, nhiều căng thẳng nhưng cũng có những lúc phải kìm nén cả tiếng cười. Chuyện là mấy hôm trước, trời mưa nên phòng cấp cứu cũng khá lạnh. Một nam BN đã lấy drap giường đắp thêm cho ấm.

Quy định của BV là chỉ những BN không thể cứu chữa mới phải đắp drap giường. Cho nên lúc vào trực khoảng 2 giờ sáng, cả kíp trực tưởng BN này không qua khỏi. Tuy nhiên, chỉ một lát sau, BN tung tấm drap giường và kêu lên nóng quá khiến cả kíp trực hết hồn. Dù rất muốn cười thật sảng khoái nhưng tất cả đều cố kìm nén, cắn răng cười khúc khích. Ai cũng sợ cười to sẽ ảnh hưởng đến các BN khác.

Tôi chỉ mới xa nhà gần một tháng, còn các anh chị khác đã xa nhà trong thời gian dài. Họ chỉ gặp con cái, người thân qua màn hình điện thoại. Có thể họ sẽ rơi nước mắt khi nhìn thấy con nhưng tuyệt đối không khóc khi mệt mỏi. Ai cũng sống và làm việc cho mục tiêu chung của BV là cố gắng cứu chữa BN bằng mọi giá.•

Từ trong gian khó thấy yêu nghề hơn

Hiện tại, anh Lê Hồng Sơn, 25 tuổi, đang theo học ngành điều dưỡng tại Trường CĐ Quân y 2 (nay được đổi tên là Trường CĐ Hậu cần 2, thuộc Tổng cục Hậu cần).

Anh Sơn cho biết trong thời gian này, anh có cơ hội nâng cao tay nghề, học hỏi tinh thần chống dịch của các cơ sở y tế. Từ những gian khó, anh càng củng cố thêm niềm đam mê của bản thân, cũng như hiểu hết những ý nghĩa tốt đẹp của nghề.

 NGỌC LÀI ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm