Cậu sinh viên từ F0 trở thành tình nguyện viên hỗ trợ F0

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là câu chuyện của sinh viên Huỳnh Quang Phú (K17, chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp) của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, Quang Phú ở trong Ký túc xá của trường. Từ đêm 7-8, em bắt đầu lên cơn sốt đầu tiên, vị giác dần mất khiến các bữa ăn nhạt nhẽo. Phú bắt đầu ho và báo cho y tế.

Ngày 9-8, Phú được gọi xuống test nhanh, kết quả là "2 vạch" – dương tính. Lúc đó, các cơn ho cũng nhiều hơn, đau họng hơn và vị giác mất hoàn toàn, cơn nóng lạnh cứ xuất hiện liên tục. 

Quang Phú (phải) cùng giảng viên trong một hoạt động của trường

Đến tối 11-8, Phú được gọi đi cách ly tập trung, mọi thứ đều rất gấp. Nhưng do đã chuẩn bị sẵn nên Phú đã không quên mang theo thuốc ho, chống viêm, hạ sốt, nước muối và vitaminC... là các loại thuốc mà các anh chị y tế và thầy cô gửi vào cho em.

Trên chuyến xe, Phú có hơi hoang mang, thật sự khi đó chắc ai cũng vậy, nhưng cần phải làm theo các anh chị điều phối. Phú kể, xe đưa đến Trường THCS Nguyễn Văn Tố, khu cách ly nằm sau trường ĐH Bách khoa. May là từ đó em vẫn có thể nhìn về Trường Bách Khoa - nơi em đang theo học nên cảm giác cũng an tâm hơn.

Sau khi lấy lời khai ở bàn tiếp nhận xong Phú được nhận phòng. “View” phòng ở rất thoáng mát, chỉ hơi bất tiện là khá đông người vì đây là phòng ngủ tập trung của các em học sinh. Và thế là 14 ngày điều trị bắt đầu, mỗi ngày ba bữa, đều có người đưa cơm.

“Về thuốc uống, em vẫn uống theo đơn của y tế của Trường ĐH Bách Khoa đã kê trước đó, chỉ khi nào khó thở mới gọi bác sĩ trong khu cách ly hỗ trợ. Đúng vậy, điều quan trọng cần nhớ, đó là có dấu hiệu lạ là phải ngay lập tức gọi bác sĩ liền!” – Phú kể.

Quang Phú cho hay, trong thời gian điều trị, có hai đêm em khó thở vào 2 giờ sáng, nhưng không quá trầm trọng. Em ngồi dậy hít thở theo các bài tập trong tài liệu “Sổ tay sức khỏe COVID-19” do Đại học Y dược TP.HCM biên soạn. Tài liệu này được Trường Bách Khoa gửi cho sinh viên. Lúc đó, em thật sự cảm ơn trường đã trang bị cho em kiến thức để có được sự bình tĩnh.

“Sau 30 phút làm bài tập hít thở theo hướng dẫn, em thấy thở ổn hơn và ngủ lại bình thường. Chưa hết, nhờ kiến thức về các bài hít thở em đã kịp giúp trấn an tinh thần của một chị bệnh nhân cùng phòng, hướng dẫn chị hít thở đều khi 2 giờ sáng lên cơn thở gấp, để sau đó bác sĩ đến và đưa chị đi thở oxy. Cảm xúc khi được chị ấy nói lời cảm ơn thật xúc động. Thật tuyệt khi bản thân mình đã vượt qua nhờ bình tĩnh và kiến thức đã được trang bị, đồng thời hỗ trợ người khác cũng vượt qua như mình” – Phú chia sẻ.

Sau bảy ngày, Phú được xét nghiệm PCR lần đầu tiên, tiếp đến cứ hai ngày xét nghiệm lại một lần. Đến lần thứ 4, em thật sự hồi hộp và vui mừng vì cuối cùng đã chiến thắng hoàn toàn, sắp được trở về Ký túc xá.

Sau khi khỏi bệnh, Phú đăng ký làm tình nguyện viên để cùng hỗ trợ tại khu cách ly cho bệnh nhân F0. Ảnh: NTCC

Phú chia sẻ: “Em thấy mình thấy thật may mắn khi không có triệu chứng nặng. Tuy nhiên, để chiến thắng COVID, phải giữ tinh thần lạc quan và trang bị đầy đủ các kiến thức dành cho F0. Em luôn tạo cho mình những niềm vui nhỏ, với những cuộc gọi, tin nhắn mỗi ngày từ gia đình, thầy, cô, bạn bè cũng như gặp được hai anh tình nguyện viên cũng là sinh viên của trường”. 

Thật sự trước khi đi cách ly, em cũng đã nung nấu ý định đi làm tình nguyện viên vì đơn giản em rất thích làm những việc mang ý nghĩa giúp đỡ mọi người. Giờ đây, sau 14 ngày điều trị, khi chỉ số CT > 35 nên không còn khả năng lây nhiễm.

Sau đó, nghe lời kêu gọi F0 hết bệnh đến hỗ trợ phường 7 (quận 10) cho việc nhập liệu ở khu cách ly, Phú đã đăng ký và được phân công hỗ trợ ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương để thực hiện nhiệm vụ của mình cùng với các anh chị Tình nguyện viên, bác sĩ quân y,... sẵn sàng giúp đỡ bà con không may mắc bệnh được đưa vào đây.

“Trong những công việc làm theo sự mách bảo của con tim mình, chắc chắn sẽ có những ý kiến chưa đồng tình, ngay cả từ gia đình vì lo lắng cho sức khỏe của bản thân em, nhưng rồi em cũng có cách để thuyết phục vì thực sự muốn làm công việc này. Hiện tại, em đã ở đây (tại khu cách ly) với mục tiêu riêng và động lực được truyền cảm hứng, em sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, để tạo nên một miền ký ức đẹp và để mãi nhớ về” – Phú bộc bạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm