Xây nhầm nhà trên đất của người khác

Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, bà Huỳnh Thị Thảo cùng chồng là ông Lương Thế Hiền ở TP.HCM cho biết gia đình có mảnh đất trồng cây lâu năm ở huyện Tân Uyên (Bình Dương) bị người khác xây nhầm nhà trên đất. Nhiều năm nay, gia đình đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng ở Bình Dương nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Hứa tháo dỡ, mua lại…

Cụ thể, năm 2011, vợ chồng bà Thảo được UBND huyện Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho mảnh đất thửa số 142, tờ bản đồ số 32 tại phường Khánh Bình.

Đến năm 2018, khi vợ chồng bà Thảo lên Bình Dương tiến hành làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất thổ cư thì phát hiện ra trên đất của mình có một căn nhà cấp 4 xây dựng không phép.

Sau khi tìm hiểu thì được biết người đã xây căn nhà trên là ông ĐVĐ (chủ thửa đất sát bên cạnh).

Để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vợ chồng bà Thảo đã gửi đơn đến UBND phường Khánh Bình để yêu cầu giải quyết.

Sau nhiều lần hòa giải không thành (do phía ông Đ vắng mặt), đến ngày 5-6-2019, tại biên bản hòa giải do UBND phường Khánh Bình lập, ông Đ đồng ý sẽ tự nguyện tháo dỡ phần nhà đã xây dựng lấn qua phần đất của vợ chồng bà Thảo để trả lại hiện trạng đất trống như ban đầu. Thời gian dự kiến hoàn thành tháo dỡ là đến ngày 30-3-2020.

Tuy nhiên, sau khi hết thời gian thỏa thuận nhưng phía ông Đ vẫn chưa chấp hành tự nguyện tháo dỡ nên vợ chồng bà Thảo tiếp tục gửi đơn đến UBND thị xã Tân Uyên, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương để yêu cầu giải quyết.

Cũng theo bà Thảo, sau nhiều lần gửi đơn yêu cầu, đến ngày 3-12-2021, UBND phường Khánh Bình mời hai bên đến làm việc. Theo đó, hai bên thống nhất phía ông Đ sẽ mua lại mảnh đất của bà Thảo với giá 1,5 tỉ đồng. Phía ông Đ cũng đồng ý với phương án này. Thời gian thực hiện là 45 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Trong biên bản làm việc, UBND phường cũng nêu ý kiến: Nếu sau 45 ngày, ông Đ không thực hiện như hai bên đã thỏa thuận, UBND phường sẽ tiến hành xử lý công trình xây dựng không phép theo quy định.

“Đến nay đã quá thời hạn 45 ngày, ông Đ lại thất hứa. Gia đình tôi đã tạo điều kiện cho ông Đ rất nhiều nhưng đến nay ông Đ vẫn chưa thực hiện. Do đó, tôi đề nghị UBND phường Khánh Bình xử lý cưỡng chế công trình xây dựng không phép theo quy định” - bà Thảo nói.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Đ cho biết hiện mảnh đất của mình vẫn chưa bán được. Đợi sau khi bán được đất mới có tiền mua lại mảnh đất của vợ chồng bà Thảo.

Trên mảnh đất nông nghiệp của vợ chồng bà Thảo hiện đang tồn tại 
một ngôi nhà cấp 4 của người khác xây nhầm. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Cơ quan chức năng nói gì?

Ngày 26-4-2021, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản thông báo về kết quả giải quyết đơn của vợ chồng bà Thảo.

Theo đó, Thanh tra sở cho biết qua xem xét đơn trình báo, Thanh tra sở đã phối hợp với UBND phường Khánh Bình kiểm tra hiện trạng thực tế các thửa đất. Qua kiểm tra, phát hiện ông Đ xây dựng căn nhà cấp 4 lấn chiếm sang đất trồng cây lâu năm của vợ chồng bà Huỳnh Thị Thảo.

Căn cứ vào quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Thanh tra sở đề nghị vợ chồng bà Thảo liên hệ địa phương để giải quyết công trình xây dựng không phép theo đúng thẩm quyền.

Công văn trả lời của Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương thông báo về kết quả giải quyết đơn của vợ chồng bà Thảo

Về phía địa phương, ngày 26-11-2021, PV đã liên hệ với UBND phường Khánh Bình để tìm hiểu vì sao vụ việc chậm giải quyết, tuy nhiên ông Huỳnh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường, cho biết đang bận họp, đề nghị để lại thông tin và sẽ trả lời sau.

Sau đó, PV đã để lại văn bản và được một chuyên viên văn phòng UBND tên Chiêu tiếp nhận.

Đến ngày 14-1-2022, khi chúng tôi liên hệ lại, chủ tịch UBND phường Khánh Bình cũng cho biết sẽ cho kiểm tra và có văn bản phản hồi thông tin sau. Thế nhưng, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi để trả lời cho người dân.

Quy trình xử lý xây dựng không phép

Hành vi xây nhà trên đất trồng cây lâu năm khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng là hành vi vi phạm pháp luật đất đai, sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.

Căn cứ vào điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định 139/2017 và Điều 4 Thông tư 03/2018 của Bộ Xây dựng, khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm về trật tự xây dựng mà hành vi này đã kết thúc, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cho thời gian tự giác tháo dỡ công trình mà người vi phạm không chấp hành thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ.

Mọi chi phí liên quan đến việc tháo dỡ công trình sẽ do chủ đầu tư công trình có trách nhiệm chi trả.

Luật sư LÊ DŨNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm