Lo thưởng tết thấp, nhiều người chần chừ không dám về quê

Sau giờ làm, chị Nguyễn Thị Kim Thơi (SN 2000, quê tỉnh Đồng Tháp) đang trọ ở phường 16, quận 8 lại lủi thủi nấu cơm. Phòng trọ nhỏ chỉ có một mình chị Thơi lưu trú. Ba năm qua, chị đều sống trọ một mình cho nên mỗi năm đến tết chị đều mong mỏi ngày về quê.

Tháng 10-2021, chị Thơi cũng theo dòng người hồi hương về thăm cha mẹ. Sau khi động viên cha mẹ an tâm, chị Thơi lại ngược dòng trở lại TP.HCM làm việc.

Chị Thơi lo thưởng tết thấp, tết mất vui. Ảnh: NGỌC LÀI

Nghe hàng xóm mở nhạc xuân, chị Thơi buồn rười rượi: “Đợt rồi về quê, tôi thấy tình hình cách ly cũng dễ dàng, dễ thực hiện. Bây giờ, TP.HCM thành vùng xanh rồi chắc về còn dễ hơn. Thế nhưng, tôi lại lo thưởng tết không được bao nhiêu, về quê không có quà cáp cho cha mẹ, em út…”.

Chị Thơi tâm sự bản thân chị quê gần nên có thể đi xe máy, chứ nhiều đồng nghiệp quê ở miền Trung, miền Bắc nhiều khi tiền thưởng tết không đủ mua vé tàu, máy bay

“Đợt dịch này các doanh nghiệp cũng khó khăn. Họ có thưởng tết ít thì mình cũng không dám kêu ca, phải chia sẻ với họ thôi. Thời buổi này có việc làm là đã mừng lắm rồi” – chị Thơi chia sẻ.

Cũng như chị Thơi, anh Trần Kiên Thành đang tạm trú tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, cũng mong ngóng ngày về Quảng Ngãi. Thế nhưng, nghe thưởng tết không quá 5 triệu đồng, anh cũng chưa biết có nên về quê ăn tết.

“Tôi cũng biết là cha mẹ, vợ con không mong quà bánh. Họ chỉ ngóng mình về thăm thôi. Thế nhưng, về quê mà không có quà cáp, không mua cho tụi nhỏ bộ đồ mới thì cũng buồn” – anh Thành tâm sự.

Ai đi xa, lúc trở về cũng mong mang theo qua bánh. Ảnh: NGỌC LÀI

Lý giải về tâm lý e ngại về quê của người lao động khi nhận tiền thưởng tết ít, PGS. TS Nguyễn Đức Lộc Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life) phân tích: Thực ra, chuyện quà cáp về tết đã là một tập tính của người đi xa quê trở về luôn nghĩ cần có một món quà và người ở nhà cũng kỳ vọng từ người về. Cho nên, nhiều người không muốn trở về quê nếu không có đủ chi phí quà cáp.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ chúng ta phải vượt qua cảm xúc đó. Chúng ta phải chọn lựa những điều ý nghĩa, linh thiêng hơn. Đôi khi, chúng ta nghĩ quá nhiều mà quên rằng cha mẹ, người thân… cũng chỉ cần sự hiện diện của con cháu. Năm nay khó khăn là khó khăn chung, có lẽ mọi người sẽ lan tỏa sự chia sẻ, cảm thông nhiều hơn” – ông Lộc cho biết.

Thư ngỏ, vận động vô tình ngăn cách người về

Xã hội văn minh không chỉ nghĩ cho số đông mà phải quan tâm đến những người yếu thế. Khi đưa ra một chính sách, chúng ta phải nghĩ đến những người ít cơ hội hơn trong xã hội. Việc về tết hay không phải để người dân tự định liệu, bởi có những người đã ba năm nay chưa về thăm quê.

Về mặt pháp lý, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành về thích ứng an toàn, cho nên các địa phương không can thiệp chuyện người dân về quê ăn tết. Hiện tại, không có địa phương nào ngăn cấm người về quê nhưng các dạng thư ngỏ, vận động người xa quê không về quê ăn tết… lại tạo ra những hệ lụy.

Dạng văn bản vận động người dân không về quê ăn tết vô tình đặt ra mối ngăn cách với người từ phương xa trở về, có thể dẫn đến kỳ thị. Nếu lỡ có tình huống phát sinh dịch bệnh thì người ta dễ dàng quy hết lỗi lầm cho những người di dân.

Trong khi đó, vấn đề phòng chống dịch bệnh là câu chuyện của cả nước, câu chuyện của năng lực thích ứng, năng lực phòng chống dịch bệnh của cả một hệ thống chính quyền địa phương chứ không phải của người dân.

PGS.TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm