Nỗi lòng hàng triệu người Trung Quốc: Về quê ăn tết hay ở lại?

Đối với rất nhiều người trong số 370 triệu công nhân nhập cư của Trung Quốc (TQ), tết Nguyên đán là cơ hội duy nhất về thăm gia đình sau cả năm xa quê miệt mài kiếm sống. Tuy nhiên, những ngày này, càng gần đến tết, dân lao động nhập cư TQ càng bần thần với câu hỏi: “Về quê hay ở lại?”.

“Có bao nhiêu lần ba năm trong cuộc đời một người? Sum họp gia đình trong dịp năm mới đã là một truyền thống hàng ngàn năm. Đối với chúng tôi, điều này cũng quan trọng như việc phòng thủ trước đại dịch vậy!” - một người dùng Weibo ở TQ cảm thán. 

Khả năng sẽ là cái tết thứ ba xa quê

Anh Jason Zhao làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước ở Bắc Kinh. Anh có hai lựa chọn, một là tuân theo “hướng dẫn” của công ty và khuyến cáo của chính phủ về kỳ nghỉ tết, hai là sẽ phải cần đến sự chấp thuận đặc biệt từ cấp trên để được về quê và có thể cùng với việc bị bớt đi số tiền thưởng cuối năm.

Cuối cùng, anh Zhao quyết định rằng anh sẽ ở lại Bắc Kinh thêm một mùa tết nữa, theo báo South China Morning Post. Đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp anh không thể về Tân Cương đón tết cùng cha mẹ, mà chỉ có thể nhìn nhau và cùng đón giao thừa qua màn hình điện thoại.

Cả năm nay, cô Shirley Zhang, một dịch giả ở TP Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), đã mong chờ được về nhà ở TP Tây An (tỉnh Thiểm Tây) vào dịp tết. Năm ngoái, vì đại dịch, cô đã không được về. Dù có bạn cùng cảnh ở bên nhưng không đủ lấp nỗi trống vắng thiếu người thân.

Vì đại dịch, rất nhiều người dân Trung Quốc có khả năng sẽ phải đón thêm cái tết xa quê thứ ba. Ảnh: REUTERS

“Ý nghĩa của năm mới là sum vầy bên gia đình. Hạnh phúc này không giống như khi ở bên bạn bè… Tất cả chúng tôi đều hy vọng được về nhà” - cô Zhang mong mỏi. Tuy nhiên, năm nay cô Zhang và bạn bè cô khả năng phải ăn một cái tết xa quê nữa.

Cô Deng Juanjuan (giáo viên tiếng Anh) và chồng (kỹ sư công nghệ thông tin tại một công ty chứng khoán nhà nước) đang sống và làm việc tại Bắc Kinh. Vợ chồng cô đã có kế hoạch tết này sẽ về thăm mẹ chồng đang ở một mình tại tỉnh Hồ Nam. Tuy nhiên, giờ thì vợ chồng cô đành phải ăn tết tại Bắc Kinh theo khuyến nghị từ công ty chồng cô và từ nhà chức trách địa phương.

Siết “zero COVID”, kêu gọi không về quê

Với cô Zhang, anh Zhao, đây là năm thứ hai, còn với rất nhiều người khác thì năm nay đã là mùa tết thứ ba họ khả năng không thể về nhà đoàn tụ cùng người thân. Dịch COVID-19 bùng phát ở TQ vào tháng 12-2019, thời điểm những người dân tha hương chuẩn bị về quê đón tết.

Khả năng nhiều người lao động nhập cư TQ phải ăn thêm cái tết thứ ba xa quê rất lớn trong bối cảnh biến thể Omicron đang làm bùng dịch mạnh ở nhiều địa phương, nước này vẫn theo đuổi chiến lược quyết liệt “zero COVID”. Hy vọng TQ dỡ bỏ các hạn chế để người dân thoải mái đi lại hay bỏ chiến lược “zero COVID” trước tết là rất khó khả thi, khi nước này cần kiềm dịch để Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 có thể diễn ra (vào tháng 2).

Thậm chí trước khi biến thể Omicron xuất hiện, nhà chức trách TQ đã kêu gọi người dân hạn chế di chuyển, đi du lịch vào dịp tết sắp đến. TP Thượng Hải, TP Lãng Trung (tỉnh Tứ Xuyên) từ giữa tháng 12-2021 có thư kêu gọi lao động nhập cư không về quê nếu không cần thiết. TP Ngọc Lâm (khu tự trị Quảng Tây) gợi ý người nhập cư thay vì về thì năng gọi điện video với người thân. Nhiều địa phương yêu cầu những người làm việc trong các cơ quan công quyền và công ty nhà nước “làm gương” không về quê dịp tết.

Tại TP Trương Gia Khẩu (tỉnh Hà Bắc), cách Bắc Kinh 45 phút đi bằng đường sắt cao tốc, công chức, nhân viên công ty nhà nước trong khu vực phát triển thế vận hội được yêu cầu hủy các chuyến đi không cần thiết trong dịp tết.

Thời điểm mùa hè năm 2021, TQ đã có tỉ lệ tiêm chủng cao, tuy nhiên sự xuất hiện của biến thể Delta làm dấy lên sự tranh cãi liệu có nên mở cửa theo các nước khác không. Sau đó có một số nghiên cứu cho rằng nếu mở cửa, TQ sẽ đón nhận số ca nhiễm nhiều hơn cả hồi ở Vũ Hán đầu năm 2020, từ đó tranh luận mở hay đóng cửa ít đi. Theo Washington Post, sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng củng cố quyết tâm đó.

Nhiều quan chức y tế TQ vẫn cho rằng chiến lược “zero COVID” vẫn tiết kiệm chi phí nhất cho TQ. Ông Liang Wannian, người đứng đầu nhóm nghiên cứu phản ứng COVID-19 của Ủy ban Y tế quốc gia TQ, cho rằng cách tiếp cận “năng động” này không nhằm mục đích xóa bỏ hoàn toàn F0 trong cộng đồng - điều ông cho là không thể lúc này, mà để phá vỡ các chuỗi lây nhiễm mới càng nhanh càng tốt.•

 

Truyền thông Trung Quốc phản ứng

Các khuyến nghị, kêu gọi người dân không về quê đã hứng chỉ trích ngay cả từ truyền thông nhà nước TQ. Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, hồi giữa tháng 12-2021 đã có bài viết cảnh báo về việc “hấp tấp” yêu cầu mọi người không về quê đoàn tụ với người thân.

“Rõ ràng là đại dịch sẽ không biến mất trong ngắn hạn… nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục, nền kinh tế phải tiếp tục” - ông Hồ Tích Tiến nêu quan điểm, đồng thời nói thêm rằng quan điểm của phương pháp “zero COVID” là “giảm thiểu chi phí của các biện pháp đại dịch, chứ không phải bất chấp chi phí”.

Trong khi đó, một bài xã luận trên tờ Beijing News cho rằng: “Khi đại dịch kéo dài, cần phải xem xét sức chịu đựng tâm lý của mọi người. Trong bối cảnh đại dịch, lễ hội mùa xuân cũng là một loại liệu pháp”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm