Hãng Reuters đưa tin cơ quan phản gián MI5 của Anh ngày 13-1 đã cảnh báo các nhà lập pháp về nguy cơ gián điệp từ phía Trung Quốc liên quan hoạt động của một phụ nữ nhằm "tác động không phù hợp" đối với các thành viên quốc hội Anh.
MI5 hôm 13-1 đã gửi một cảnh báo và hình ảnh của bà Christine Lee, cáo buộc người phụ nữ này "tham gia vào các hoạt động can thiệp chính trị" ở Vương quốc Anh thay mặt chính quyền Trung Quốc.
Cơ quan phản gián Anh cảnh báo nguy cơ gián điệp từ Trung Quốc trong Quốc hội. Ảnh: MI5
Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle – người thông báo cảnh báo của MI5 tới các nhà lập pháp – cho biết MI5 nhận thấy rằng bà Lee "đã tạo điều kiện ủng hộ tài chính cho các nghị sĩ đương nhiệm và từ phía các công dân nước ngoài ở Hong Kong và Trung Quốc.
Trao đổi với các phóng viên, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cho hay hành vi của bà Lee hiện dưới ngưỡng tội phạm để truy tố, song lưu ý rằng khi đưa ra cảnh báo, chính phủ Anh có thể cảnh báo các nhà lập pháp về những nỗ lực gây ảnh hưởng của bà Lee.
Bà Patel cho biết "vô cùng lo ngại" về việc một cá nhân làm việc thay mặt chính quyền Trung Quốc nhắm vào các nhà lập pháp.
Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ Anh cho biết bà Lee là người sáng lập một công ty luật có văn phòng ở London và Birmingham.
Trên trang web của mình, công ty luật này mô tả vai trò là cố vấn pháp lý cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh.
Đại sứ quán Trung Quốc tại London chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Nhà lập pháp Barry Gardiner thuộc đảng Lao động cho biết ông đã nhận được hàng trăm nghìn bảng Anh quyên góp từ Lee và cho biết đã liên lạc với cơ quan tình báo, an ninh "trong một số năm" về người phụ nữ này.
"Họ luôn biết và được tôi nhận thức đầy đủ về sự gắn bó của cô ấy với văn phòng của tôi và những khoản quyên góp mà cô ấy đã làm để tài trợ cho các nhà nghiên cứu trong văn phòng của tôi trong quá khứ" – ông Gardiner nói.
Ông Gardiner đã thuê con trai của bà Lee làm người quản lý lịch trình công việc hàng ngày, song anh ta đã từ chức hôm 13-1.
Trong khi đó, ông Iain Duncan Smith - cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh, người đã bị Trung Quốc trừng phạt vì nêu bật cáo buộc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương - đã kêu gọi chính phủ Anh cập nhật khẩn cấp về vấn đề này.
Ông đặt câu hỏi tại sao người phụ nữ này không bị trục xuất, đồng thời kêu gọi thắt chặt quy trình công nhận những người được vào quốc hội, điều mà ông cho là “quá khoan dung”.
Bà Lee được công ty luật Christine Lee & Co liệt kê với tư cách là công dân Anh trong hồ sơ tài chính của Cơ quan đăng ký kinh doanh Anh (Companies House).
Liên quan cáo buộc đối với bà Lee, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Tobias Ellwood cho biết: "Đây là loại can thiệp vùng xám mà chúng tôi đã dự đoán và dự phòng từ phía Trung Quốc".
Những năm gần đây, quan hệ của Anh với Trung Quốc xấu đi vì các vấn đề Hong Kong và Tân Cương.
Năm ngoái, MI5 đã kêu gọi công dân Anh coi mối đe dọa gián điệp từ Nga, Trung Quốc và Iran với sự cảnh giác cao như chủ nghĩa khủng bố.
Các nhân viên tình báo Anh cho biết Trung Quốc và Nga từng tìm cách đánh cắp dữ liệu nhạy cảm về thương mại và tài sản trí tuệ cũng như can thiệp vào chính trị trong nước và tung thông tin sai lệch.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh hồi năm 2021 đã bị cấm tham dự một sự kiện tại Quốc hội Anh vì Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lập pháp nêu bật cáo buộc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Tháng 3-2021, Trung Quốc đã áp lệnh trừng phạt đối với chín chính trị gia Anh vì đã phát đi thông tin mà phía Bắc Kinh cho là "dối trá và sai lệch" liên quan cách đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.