Đài Loan mở chương trình tín dụng 1 tỉ USD với Lithuania giữa sức ép từ TQ

Giới chức Lithuania ngày 11-1 cho biết Đài Loan sẽ thiết lập một chương trình tín dụng trị giá 1 tỉ USD nhằm tài trợ những dự án của các doanh nghiệp Lithuania và Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc gây sức ép kinh tế đối với Đài Loan mở văn phòng tại quốc gia vùng Baltic.

Bộ trưởng Kinh tế và Đổi mới Lithuania Ausrine Armonaite. Ảnh: ACHYNEWSY

Theo hãng tin AP, động thái trên diễn ra tiếp sau thông báo của Đài Loan vào tuần trước về việc thành lập một quỹ đầu tư trị giá 200 triệu USD để giúp Lithuania trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh. Các quan chức Mỹ và Lithuania cho biết Trung Quốc đã chặn nhập khẩu từ quốc gia Baltic, một thành viên Liên minh châu Âu và là đồng minh thân cận của Mỹ.

Lithuania đã phá vỡ phong tục ngoại giao bằng cách cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius, dùng chính tên hòn đảo này thay vì Đài Bắc Trung Quốc – cụm từ được các nước khác sử dụng để tránh chọc giận Bắc Kinh. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và không có quyền được công nhận ngoại giao.

Lithuania kỳ vọng chương trình tín dụng mới sẽ thúc đẩy những dự án trong các ngành công nghệ, bao gồm chip máy tính, sản xuất laser và công nghệ sinh học, vốn đang phải đối mặt với áp lực từ Trung Quốc.

“Đó là một tin rất tốt. Tôi nghĩ Lithuania có thể được đánh giá là một địa điểm đầu tư tiềm năng cho ngành công nghiệp bán dẫn” – hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế và Đổi mới Lithuania Ausrine Armonaite nói với các phóng viên sau cuộc họp trực tuyến với ông Kung Ming-Hsin, người đứng đầu Hội đồng Phát triển Đài Loan.

Bắc Kinh tuần qua đã chỉ trích quỹ đầu tư của Đài Loan cho Lithuania là “ngoại giao USD” và cáo buộc Mỹ xúi giục quốc gia Baltic trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc.

Lithuania, đất nước có 2,8 triệu dân, còn là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trước khi xảy ra xung đột ngoại giao vào năm ngoái, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Lithuania, trong khi Đài Loan đứng thứ 65.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm