'Mở lon Việt Nam' và những tranh cãi sai bản chất câu chuyện

1. Tuýt còi có đúng không?

Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tuýt còi Coca-Cola với câu khẩu hiệu "Mở lon Việt Nam" là đúng. Vì không thể có cái gì có thể gọi là "lon Việt Nam" được. Đó là một cụm từ ghép vô nghĩa và cẩu thả. Cách dùng từ ghép "lon Việt Nam" sai về ngữ nghĩa, gây cảm giác thiếu tôn trọng.

Thường thì ngay sau danh từ "lon", sẽ có một từ khác có vai trò bổ nghĩa như lon bia, lon xá xị, lon gạo v.v... 

Khi ghép với tên riêng, từ lon chỉ có thể ghép với tên nhãn hàng như Lon Coca, lon Pepsi, lon Tiger.  Ngoài ra, từ "lon" ghép với bất cứ tên riêng nào khác đều khả năng tạo tính suy diễn và tối nghĩa. Ghép với tên quốc gia càng không được.  

2. "Không gọi lon thì gọi gì"?

Nhưng như ở phần 1 đã nói, bản chất của việc tuýt còi là vì dùng cụm từ cực kỳ cầu thả là "lon Việt Nam" chứ không phải ở một chữ "lon".

Nên nếu ai còn hỏi "không gọi lon thì gọi gì", có nghĩa là người đó muốn nói một câu chuyện chẳng ăn nhập gì với chuyện này. Lon thì cứ gọi là lon chứ sao!

Những hình ảnh bắt mắt trong chiến dịch quảng cáo của Coca -Cola.

3. Cách giải thích của Cục trưởng dễ gây suy diễn.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở giải thích: "Bản thân chữ lon đặt cạnh cái khác là rất phản cảm và thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ. Ví dụ như có thể thêm mũ thêm rất nhiều thứ. Nó mà ở các phương tiện quảng cáo ngoài trời, có nhiều tình huống có thể thêm mũ thêm dấu vào từ đó. Vì vậy nó rất là rất khủng khiếp nếu chữ đó nó chềnh ềnh ra trên biển quảng cáo ngoài trời”.

Đúng là một cách trả lời 'không đỡ được" khi ví dụ thêm mũ vào chữ lon. Cách giải thích này khiến người ta chỉ tập trung vô một từ "lon", bà cần sửa sai về điều này. Qua đó cũng cho thấy, cách giải thích của cơ quan chức năng đôi khi rất hài hước, ngờ nghệch, có tác dụng đổ dầu vào đám cháy.

4. Nhiều kênh thông tin vẽ biếm họa về mỗi chữ "lon"

Cách làm biếm họa này khá mạnh mẽ để Cục văn hóa cơ sở nhận thấy sự phản ứng của dư luận.

Nhưng nếu nhiều tờ báo hay Facebooker chỉ bám vào phát ngôn của bà Cục trưởng để "bênh" quảng cáo của Coca-Cola thì tôi cho rằng không sòng phẳng.

5. Gọi chó Nhật, dép Lào, mít Thái thì đã làm sao?

Vâng ạ, tất nhiên là chẳng sao cả, cũng không có yếu tố nào thiếu tôn trọng ở đây cả. Sự so sánh các cụm từ này với cụm từ "lon Việt nam" là khập khiễng.

Vì thứ nhất, có những sản phẩm rất đặc trưng hoặc rất nổi tiếng của quốc gia đó, việc gắn tên quốc gia ngay sau đó theo thói quen của người dân là bình thường. Nó vừa là thương hiệu, vừa mang tính chỉ dẫn địa lý. Cũng như mãng cầu Tây Ninh, lụa Hà Đông, tiêu Phú Quốc, nón lá Việt Nam, áo dài Việt Nam. 

Còn Coca cola từ khi nào được xem là sản phẩm đặc trưng của Việt Nam mà có thể tùy tiện gắn tên Việt Nam? Nếu chỉ để khoanh vùng thị trường Việt Nam thì phải viết rõ: "Coca Việt Nam" chứ không thể viết "lon Việt Nam" được.

Thứ hai, như đã nói ở các phần trên, cụm từ ghép "lon Việt Nam" là không ổn về ngữ nghĩa, nên nếu có hãng nước ngọt/bia nào xứng đáng được xem là thương hiệu quốc gia thì cũng chỉ có thể viết là "bia Việt Nam" hoặc "nước ngọt Việt Nam" mà thôi.

6. Từ ngữ Việt Nam phức tạp vậy dễ gây "tai nạn" cho người làm marketing

Rất khó tin một công ty lớn như Coca-Cola bị "tại nạn do vô ý". Tuy nhiên, ngay cả khi đây là tai nạn do vô ý cũng cần rút kinh nghiệm.

Bởi các nguyên tắc truyền thông, quảng cáo đều có sẵn và không hề mập mờ. Trong đó có cả việc sử dụng từ ngữ không gây tổn thương, gây hiểu nhầm hoặc xúc phạm. 

Sự phức tạp của ngôn ngữ Việt không hề là lý do khiến một nhãn hàng nào đó gặp tai nạn, trừ khi họ không hiểu văn hóa Việt, hoặc cố ý không làm truyền thông một cách chuyên nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm