Bán hết gia sản, lặn lội kêu oan cho con

Ông Đặng Văn Thi (cha của Sơn, quê xã Cảm Nhân, Yên Bình, Yên Bái) tâm sự: Từ khi Sơn bị bắt (tháng 9-2012), cả nhà ông ăn không ngon, ngủ không yên. Thiếu thông tin, đã có lúc ông nghĩ con mình đi chơi, chắc gây gổ đánh nhau nên lỡ tay phạm tội. “Dù con tôi nó hiền như cục đất nhưng các cụ bảo người hiền thì hay cộc tính, biết đâu…” - ông Thi kể.

Đọc cáo trạng, biết ngay con bị oan

Tháng 5-2013, đọc cáo trạng của VKSND tỉnh Tuyên Quang, ông Thi thấy cáo trạng mô tả Sơn cùng bốn bị can còn lại đổ thuốc diệt cỏ nhãn hiệu GFAXONE 20SL vào miệng nạn nhân từ đêm hôm trước nhưng chiều hôm sau nạn nhân lại tỉnh dậy và tự về nhà, tắm rửa rồi ăn cơm được.Ông Thi tin chắc rằng Sơn đã bị oan.

Ông Thi lý giải: Các tình tiết VKSND mô tả là hoàn toàn vô lý. Bởi lẽ với kinh nghiệm sử dụng thuốc trừ cỏ của ông thì chỉ cần một chén thuốc diệt cỏ GFAXONE 20SL pha với 16 lít nước, khi phun vào cỏ là sau một thời gian rất ngắn cỏ sẽ bị khô cháy. Trước đó, một người hàng xóm quê ông vì buồn chuyện gia đình cũng đã uống thuốc diệt cỏ loại này, đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nên thoát chết nhưng không thể trực tiếp ăn uống gì được trong một thời gian dài. Chưa kể nếu nạn nhân bị đánh hội đồng, bị đổ thuốc trừ sâu vào miệng… chết đi sống lại như VKSND mô tả mà sau khi tỉnh dậy nạn nhân lại không hề nói gì, kể chuyện với ai hay đi tố giác thì không thể tin được.

Tin Sơn vô tội, ông Thi kiên trì đi kêu oan cho con dù chỉ là một nông dân không rành rẽ đường đi nước bước. Ông tìm xuống TP Tuyên Quang, được người dân chỉ đến một nơi chuyên viết đơn thuê với giá 500.000 đồng. Sau đó, ông nhờ người viết đơn đưa xuống TP Hà Nội để nộp đơn với tiền công, chi phí khoảng 5 triệu đồng.

Hàng chục lần như vậy ông Thi lặn lội xuống Hà Nội, mỗi lần đều ở vườn hoa vạ vật cả tháng với biết bao cơ cực. “Người ta bảo tôi gửi đơn đi đâu tôi đều nghe cả vì tôi có biết gì đâu. Tôi chỉ dám ăn mì tôm, tiền nong mang đi còn phải dành chi trả cho người dẫn đường và đi xe ôm. Có ngày tiền đi xe ôm mất tới nửa triệu đồng. Sau này tôi mới biết có khi chỉ một đoạn đường ngắn nhưng xe ôm chạy lòng vòng” - ông Thi ngậm ngùi kể.

Vợ chồng ông Đặng Văn Thi (cha mẹ của Đặng Việt Sơn) đã bán hết gia sản để lặn lội kêu oan cho con. Ảnh: C.LUẬN

Bán trâu, bán đồi, bán ruộng…

Cũng vì tin con bị hàm oan, ông Thi đã không tiếc tiền bạc, của cải. Ở xã Cảm Nhân, ông canh tác hai quả đồi, một mảnh ruộng. Nhờ trồng rừng, trồng lúa và chăn nuôi, gia đình ông có chút của ăn của để. Nhưng từ lúc Sơn bị bắt, ông đã đem hết của dành dụm được đi đi lại lại giữa Yên Bái và Tuyên Quang để thăm nuôi con.

Tiền hết, ông bán con trâu, bị ép giá chỉ được 25 triệu đồng. Số tiền bán trâu hết, ông bán vội một quả đồi chỉ với giá 25 triệu đồng (bình thường quả đồi của ông với cây cối đang sinh trưởng, ít nhất cũng bán được 40 triệu đồng). Rồi tiền bán quả đồi ấy cũng cạn. Ông Thi tiếp tục cho thuê quả đồi thứ hai, coi như “bán lúa non”, khi nào có tiền sẽ chuộc lại. “Quả đồi này tôi cho thuê chứ không bán là để sau này khi Sơn nó được về thì còn có đất mà trồng rừng, lấy vợ” - ông Thi cho biết.

Vì lo lắng cho con, vợ chồng ông không còn tâm trí nào để làm ăn nữa, kinh tế ngày càng khó khăn. Ruộng, heo, gà… lần lượt “đội nón ra đi”. “Tiếc nhất là đàn gà trống 50 con. Tôi định để dành cuối năm 2012 sẽ tổ chức đám cưới cho Sơn nhưng nó bị vướng vào vòng tù tội nên đành phải bán cả” - ông Thi than thở. Trước đó, Sơn đã nhiều lần dẫn bạn gái về nhà. Gia đình ông cũng rất “ưng cái bụng” vì bạn gái của Sơn ngoan hiền, xinh đẹp. Nhưng sau khi Sơn bị bắt, mối quan hệ này đã tan vỡ.

Sau khi đã bán hết những gì có thể bán, hằng ngày vợ chồng ông Thi dắt díu nhau vào rừng đào măng kiếm sống qua ngày. Bà Lục Thị Yên, mẹ nuôi của Sơn, thấy Sơn bị hàm oan cũng dốc một phần gia sản để giúp gia đình ông có điều kiện kêu oan cho Sơn. “Đến giờ bà Yên đã giúp chúng tôi tới 60 triệu đồng rồi. Đấy là chưa kể những khoản vay mượn anh em, hàng xóm. Tôi chỉ mong cháu Sơn được minh oan, để có điều kiện làm ăn trả nợ và cưới vợ” - ông Thi bày tỏ.

Người yêu lấy chồng, vợ lặng lẽ bỏ đi

Trao đổi với chúng tôi, Đặng Việt Sơn nói điều Sơn buồn nhất và cũng mừng nhất sau khi được trả tự do là nghe tin người yêu đã đi lấy chồng: “Chúng em có gọi điện thoại hỏi thăm nhau một lần. Người ta có chồng rồi, cuộc sống êm ấm, em cũng thấy mừng”.

Một người bị bắt khác là anh Đặng Văn Quang cho hay: Lúc anh bị bắt, vợ anh đang đi làm ăn bên Trung Quốc. Sau đó vợ anh trở về chăm sóc hai con nhỏ. “Khi em được trả tự do về thì vợ em đã bỏ đi, để hai con nhỏ lại cho gia đình. Em cũng chưa biết thế nào, sợ vợ em không về nữa”.

Bán hết gia sản, lặn lội kêu oan cho con ảnh 2
 

Đặng Văn Tuyên, Bàn Văn Tiếp, Bàn Văn Thái, Đặng Văn Quang, Đặng Việt Sơn (từ trái qua) tại trụ sở UBND huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) trong lần gặp đoàn giám sát liên ngành ngày 13-8. Ảnh: C.LUẬN

Cũng như gia đình Sơn, khi được trả tự do về gia sản trong nhà cha con ông Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp chẳng còn gì. Trước đó, vợ ông Thái và thân nhân các bị can khác cũng đều bán đất, vay mượn để có tiền xuống Hà Nội kêu cứu cho chồng, con. “Giờ nhà tôi còn nợ khoảng 60 triệu đồng. Chúng tôi chỉ mong phục hồi sức khỏe để đi làm, trả nợ thôi” - ông Thái nói.

Người bị bắt cuối cùng còn lại là Đặng Văn Tuyên cho hay hiện sức khỏe của Tuyên rất yếu, chỉ giúp được cha mẹ làm các việc vặt, chưa làm được việc nặng. “Em đang cố gắng nghỉ ngơi cho khỏe, quên đi những ngày bị tạm giam trước đây rồi giúp cha mẹ làm ăn, trả nợ” - Tuyên bảo.

Điều mà năm người dân này mong muốn nhất là vụ việc của họ sớm được làm rõ, minh oan cho họ để họ không bị mang tiếng là “những kẻ giết người” nữa.

Buộc tội không có cơ sở

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, hai tháng sau cái chết bất ngờ của một người dân xã Bằng Cốc (Hàm Yên, Tuyên Quang) vì một lá đơn tố giác nặc danh, Công an huyện Hàm Yên đã bắt, khởi tố Đặng Việt Sơn cùng bốn người dân địa phương là Đặng Văn Quang, Bàn Văn Tiếp, Bàn Văn Thái, Đặng Văn Tuyên về tội giết người rồi chuyển vụ án lên Công an tỉnh Tuyên Quang. Sau 14 phiên xử nhưng không thể kết tội được, tháng 3-2015, CQĐT Công an tỉnh Tuyên Quang chuyển tội danh khởi tố đối với họ thành cố ý gây thương tích. Sau đó VKSND tỉnh này ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra với lý do gia đình người đã chết rút đơn yêu cầu khởi tố.

Theo kết quả giám sát vụ án của đoàn giám sát liên ngành (thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam), không có cơ sở kết luận năm người dân này giết người hay cố ý gây thương tích như CQĐT, VKSND quy kết. Ngoài ra các cơ quan tố tụng địa phương có nhiều sai sót như buộc tội chỉ dựa vào các lời khai nhận tội mâu thuẫn (ra tòa năm người dân khai bị điều tra viên mớm cung, ép cung), không đảm bảo việc có luật sư chỉ định bào chữa, trả hồ sơ vượt quá số lần quy định…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm