Trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều trường hợp buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, trường hợp của tôi vừa qua mua phải thịt gà trên một trang facebook, người bán quảng cáo là sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn. Nhưng khi nhận thì mặt hàng không có bao bì, đồng thời xuất hiện mùi lạ. Vậy cho tôi hỏi, nếu trường hợp buôn bán thực phẩm trên các trang mạng xã hội không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử lý ra sao?
Bạn đọc Nguyễn Thị Huyền (TP.HCM)
Luật sư Trần Vân Linh, đoàn luật sư TP.HCM trả lời: Quy định về xử phạt vi phạm Hành chính hiện hành đối với việc buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp bán thực phẩm không rõ nguồn gốc trên Facebook nên việc xử phạt vi phạm hành chính có thể vẫn áp dụng như mọi loại hình kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ khác.
Theo quy định của Nghị định 124/2015/NĐ - CP bổ sung Nghị định 185/2013/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định về hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ : “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Vì vậy loại hình kinh doanh nào cũng đều phải tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó : Hành vi buôn bán thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “ Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ ” với hình thức phạt Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 40 triệu đồng tuỳ vào giá trị hàng hoá vi phạm.
Hiện nay hình thức buôn bán hàng hoá nói chung và thực phẩm nói riêng trên mạng xã hội là phổ biến, vì vậy để có cơ sở xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán trên mạng xã hội thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thì cần thiết phải bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này.