Tôm hùm đất hay tôm hùm nước ngọt có tên khoa học là Procambarus clarki, không nằm trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Thế nhưng trên thị trường hoạt động kinh doanh, buôn bán loài tôm này diễn ra khá sôi động.
Đủ chiêu trò qua mặt cơ quan chức năng
Một tiểu thương tên TN (quận Hà Đông, Hà Nội) chuyên bán hải sản trong đó có mặt hàng tôm hùm đất cho biết: Cửa hàng buôn bán tôm hùm đất tươi sống với số lượng khoảng 10 kg/lần nhập và có thể tăng lên theo nhu cầu đặt trước của khách. Tần suất nhập hàng cũng khá thường xuyên, 1-2 ngày/lần. Còn nếu khách hàng mua sỉ từ 30 kg trở lên thì hàng sẽ về ngay lập tức.
Xét thấy đây là loài ngoại lai nguy hiểm, các cơ quan chức năng đã cấm nuôi tôm hùm đất tại nước ta. Tháng 6-2019, sau khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh việc tôm hùm đất xuất hiện, được bày bán, kinh doanh trên thị trường nội địa với số lượng lớn, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, yêu cầu kiểm tra, làm rõ; xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo lời giới thiệu của người bán, tôm hùm đất “bao sống tận tay” nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh với cỡ 30-40 con/kg, giá 490.000-550.000 đồng/kg tùy từng nơi. Nếu mua từ 5 kg trở lên, giá là 450.000-460.000 đồng/kg. Hàng tươi sống được đóng sẵn vào túi lưới, cho vào thùng xốp có đá lạnh.
“Khách mua có thể nhận hàng tại nhà, lấy nhiều có thể thả bể nuôi ăn dần. Tôm hùm đất khỏe nên có thể sống được 5-7 ngày. Mức giá trên là khá mềm vì vận chuyển từ Trung Quốc về, chi phí cũng khá đắt đỏ nên lời lãi không nhiều” - người bán nói.
Người bán này còn cho biết ngoài bán sỉ, lẻ hàng tươi sống cho khách, cửa hàng còn phục vụ các nhà hàng. Tuy nhiên, để tránh lực lượng chức năng “sờ gáy” tiểu thương thường đóng thùng xốp vận chuyển cho khách và không ghi địa chỉ người giao cũng như người nhận trên đơn hàng.
Bên cạnh tôm hùm đất tươi sống hoặc xông nhiệt, cấp đông, mặt hàng đã chế biến sẵn cũng được bày bán nhan nhản trên chợ mạng. Theo lời một chủ cửa hàng bán hải sản trên chợ online, cửa hàng chỉ bán mặt hàng đã được chế biến với ba vị sốt cho khách là sốt cay nhẹ, sốt bơ tỏi không cay và sốt Tứ Xuyên Trung Quốc. Thông thường, một set tôm hùm đất chế biến sẵn, đóng hộp được quảng cáo luôn có sẵn với giá 290.000 - 700.000 đồng. 1 kg tôm hùm đất đã chế biến sẵn sẽ được 35-37 con, khách mua về chỉ cần quay lò vi sóng mấy phút là có thể dùng ngay.
Dù đã bị cấm nhập khẩu nhưng thời gian gần đây tôm hùm đất lại được rao bán công khai. Ảnh: MINH TRÚC |
Chị Minh Tú (trú Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) cho biết mới đây gia đình chị đã đặt tôm hùm chế biến sẵn được rao bán trên mạng về ăn thử. Nhưng không như những lời quảng cáo của người bán, chị thấy loài tôm hùm đất này có vỏ khá cứng, bóc ra được ít thịt.
“Về chất lượng thịt tôm thì không ngon như tôm Việt Nam, vị cũng bình thường mà giá tính ra lại khá đắt” - chị Tú nhận xét.
Cần vào cuộc ngay
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, khẳng định đến thời điểm này, Cục Thú y chưa hướng dẫn cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm đất sống. Cục cũng không nhận được đề nghị kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm đất đông lạnh để làm thực phẩm. Như vậy, tôm hùm đất buôn bán tại Việt Nam là hàng nhập lậu.
Đại diện Bộ NN&PTNT thông tin thêm pháp luật về kiểm soát động vật ngoại lai nguy hại rất chặt chẽ. Ngay cả nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp chế biến thực phẩm nhập nguyên liệu về cũng phải kiểm soát theo danh mục cấm theo yêu cầu của hải quan cũng như cơ quan thú y.
Còn ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết tôm hùm đất không nằm trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Do vậy, hoạt động kinh doanh, buôn bán loài tôm này là vi phạm pháp luật.
“Chúng tôi sẽ có văn bản gửi các địa phương đề nghị tăng cường quản lý với loài tôm này. Sản phẩm sống nếu không quản lý tốt sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học của nước ta” - ông Hùng nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia khoa học về thực phẩm, tôm hùm đất là loài ăn tạp, sinh trưởng và phát triển nhanh. Tôm hùm đất còn nguy hiểm hơn cả ốc bươu vàng, vì sức sống của nó tốt hơn, có khả năng đào hang trú ẩn, gây hại cho các công trình thủy lợi, công trình công cộng. Đặc biệt loài tôm này có thể gây hại cho các loài tôm bản địa xuất khẩu của Việt Nam như tôm sú, tôm càng vì chúng có thể mang theo nhiều virus gây bệnh cho tôm... Vì vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm để ngăn chặn tôm hùm đất xâm nhập vào Việt Nam, tránh gây đại họa cho ngành nông nghiệp, đe dọa rất lớn sự tồn tại của tôm bản địa.
Có thể bị phạt đến 1 tỉ đồng
Theo khoản 7 Điều 51 Nghị định 45/2022 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại bị xử phạt hành chính với mức thấp nhất từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với tang vật vi phạm trị giá dưới 10 triệu đồng; mức cao nhất từ 920 triệu đến 1 tỉ đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 230 triệu đến dưới 250 triệu đồng.
Kèm theo đó là các hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc phải khắc phục hậu quả.
Theo Điều 246 Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại thì người nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù 1-5 năm tùy trường hợp.