Bàn về quyền miễn trừ của thẩm phán TAND

(PLO)- Quyền miễn trừ của thẩm phán đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc cải cách tư pháp cho phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND.

Đáng chú ý, về xây dựng cơ chế bảo vệ thẩm phán, dự thảo dự kiến bổ sung một quy định hoàn toàn mới là quyền miễn trừ của thẩm phán TAND.

Quy định miễn trừ của thẩm phán là cần thiết

Dưới góc nhìn của người từng là thẩm phán TAND Tối cao, TS - luật sư (LS) Nguyễn Thị Kim Vinh, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND có nhiều nội dung mới, thể hiện sự cải cách tư pháp mang tính đột phá lớn đối với ngành TAND, thể hiện vai trò của chức danh thẩm phán được đánh giá cao và nâng tầm trong hoạt động tư pháp.

Đi đôi với quyền miễn trừ trách nhiệm của thẩm phán thì cũng cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của thẩm phán. Ảnh: TRẦN LINH

Đi đôi với quyền miễn trừ trách nhiệm của thẩm phán thì cũng cần có những quy định rõ ràng

về trách nhiệm của thẩm phán. Ảnh: TRẦN LINH

Gắn liền với đó là sự thành lập Hội đồng Tư pháp bao gồm đại diện lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, TAND Tối cao, Tòa án Quân sự Trung ương và các chánh án TAND Cấp cao.

TS-LS Kim Vinh đánh giá quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế xây dựng chiến lược tổng thể cho sự phát triển của hệ thống TAND, chế độ, chính sách cho các chức danh tư pháp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc cải cách tư pháp cho phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Thời gian qua, ngành tòa án có rất nhiều quy định siết chặt quy chế, lề lối làm việc để nâng cao trách nhiệm trong công việc. Thế nhưng, các chế độ đãi ngộ, bảo vệ thẩm phán khi thực thi công việc rất hạn chế. Trong khi đó, quy định pháp luật thì chồng chéo, nhiều bất cập… khiến việc đánh giá đúng/sai trong giải quyết án không phải lúc nào cũng xác định rõ được.

“Do đó, khi đề ra những quyền và nghĩa vụ cho chức danh thẩm phán thì cũng cần xem xét trong tổng thể hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm các chức danh tư pháp khác như kiểm sát viên, điều tra viên… để có sự đồng bộ trong các quy định pháp luật, thể hiện rõ vai trò và tính độc lập trong hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp” - TS-LS Kim Vinh nói.

Cần làm rõ thuật ngữ Hội đồng Tư pháp quốc gia

Hiện nay, trong luật chưa có thuật ngữ hay tổ chức Hội đồng Tư pháp quốc gia. Luật Tổ chức TAND (Điều 70) chỉ có Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Nếu muốn chuyển sang Hội đồng Tư pháp quốc gia thì cần làm rõ thuật ngữ Hội đồng Tư pháp quốc gia. Bởi Hội đồng Tư pháp không chỉ đơn giản là thực hiện những chức năng cũ là tuyển chọn hay giám sát thẩm phán… mà còn có quyền năng về tư pháp.

Trong khi đó, báo cáo của TAND Tối cao chưa nói được sự cần thiết, chưa nêu được lý luận để làm cơ sở chuyển đổi Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thành Hội đồng Tư pháp quốc gia.

ThS VÕ VĂN TÀI, Phó khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM

“Sai sót không phải do lỗi cố ý” là sai sót ở mức độ nào?

Theo TS-LS Kim Vinh, tại khoản 4 Điều 110 của dự thảo, cần làm rõ “sai sót không phải do lỗi cố ý” là sai sót ở mức độ nào, là sai phạm hay sai sót? Áp dụng một văn bản pháp luật đã hết hiệu lực có là sai sót? Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp sai nên áp dụng pháp luật sai, làm thiệt hại quyền lợi một bên đương sự là sai sót cố ý hay vô ý? Xử hình sự oan sai là lỗi cố ý hay vô ý vì có nhiều vụ án, việc có tội hay không có tội phụ thuộc vào quan điểm. Quyết định của tòa cấp sơ thẩm sẽ còn được xem xét tiếp ở cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, giám đốc thẩm của giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc xác định lỗi cố ý hay vô ý cần có hội đồng đánh giá, nếu không sẽ trở nên tùy tiện trong việc xử lý người vi phạm.

“Vì vậy, đi đôi với quyền miễn trừ trách nhiệm của thẩm phán thì cũng cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của thẩm phán trong hoạt động tố tụng cùng những chế tài” - TS-LS Kim Vinh nói.

LS Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, đánh giá: Khoản 1, 2, 3 Điều 110 của dự thảo chỉ là thủ tục quản lý theo thẩm quyền, không phải về quyền được miễn trừ. Riêng khoản 4 Điều 110, “sai sót không phải do lỗi cố ý” có thể hiểu là sai sót về mặt chính tả, ngữ nghĩa, nhầm lẫn về số liệu mà đã được chứng minh; hoặc quá trình xử lý, giải quyết tình tiết vụ án bị che giấu, khi giải quyết thẩm phán không biết, không phát hiện được…

Cùng quan điểm, LS Nguyễn Minh Cảnh, nguyên thẩm phán TAND TP.HCM, cho rằng quyền miễn trừ của thẩm phán lẽ ra nên được quy định từ lâu. Tuy nhiên, theo LS Cảnh, quy định này cần đồng bộ với quy định về trách nhiệm - kỷ luật - khen thưởng, quy định về quyền hạn minh bạch của thẩm phán...

Quyền miễn trừ của thẩm phán

1. Không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao nếu không có sự đồng ý của Hội đồng Tư pháp quốc gia.

Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND Tối cao.

2. Không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán, thẩm phán dự bị nếu không có sự đồng ý của Chánh án TAND Tối cao.

3. Trường hợp thẩm phán TAND bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức thông báo để Chánh án TAND Tối cao xem xét, quyết định.

4. Được miễn trừ trách nhiệm khi ban hành bản án, quyết định theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định nhưng có sai sót không phải do lỗi cố ý.

(Điều 110 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND)

***

Quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán ở các nước

Quy định trong Đạo luật Tòa án tiểu bang Singapore 1970, viên chức tư pháp sẽ được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong khi thực hiện nhiệm vụ bất kể chúng có được thực hiện trong phạm vi quyền hạn của họ hay không, miễn là khi đó họ có thiện chí, thật sự tin rằng họ có thẩm quyền làm điều đó.

Tương tự, quyền miễn trừ tư pháp của các thẩm phán ở Malaysia được quy định theo Chương 14 Đạo luật Tòa án tư pháp năm 1964, quy định rằng tất cả thẩm phán được miễn trừ mọi trách nhiệm dân sự đối với bất kỳ điều gì họ làm hoặc nói, miễn là xuất phát từ thiện chí.

Điều 78 Hiến pháp Nhật cũng quy định các thẩm phán sẽ không bị cách chức, trừ khi bị luận tội hoặc bị tòa án tuyên bố là không đủ năng lực về tinh thần hoặc thể chất để thực hiện công vụ. Không cơ quan nào trong lĩnh vực hành pháp có thể áp dụng biện pháp kỷ luật đối với thẩm phán.

Theo Điều 122 Hiến pháp Liên bang Nga, thẩm phán hưởng đặc quyền bất khả xâm phạm và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trình tự do đạo luật liên bang quy định. Theo đó, Điều 16 Luật Liên bang Nga quy định chỉ tổng Công tố Liên bang Nga mới có quyền khởi tố vụ án hình sự đối với thẩm phán và cần có sự chấp thuận của hội đồng chuyên môn thẩm phán thích hợp.

Theo Luật Thẩm phán Trung Quốc, Điều 7 quy định rằng thẩm phán được pháp luật bảo vệ, không bị cơ quan hành chính, tổ chức xã hội hoặc cá nhân can thiệp khi thi hành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Theo Điều 46 luật này, nếu thẩm phán thực hiện những hành vi sau đây thì bị xử phạt, trường hợp cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, gồm:

(1) Tham ô, nhận hối lộ, thực hành thiên vị hoặc làm sai lệch đường lối công lý; (2) Che giấu, làm sai lệch, thay đổi hoặc cố ý làm hư hỏng chứng cứ hoặc tài liệu vụ án; (3) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật tư pháp, bí mật thương mại hoặc bí mật đời tư của cá nhân; (4) Cố ý vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ việc; (5) Do sơ suất mà giải quyết sai vụ việc, gây thiệt hại nặng nề; (6) Chậm giải quyết vụ án, ảnh hưởng xấu đến công việc; (7) Lợi dụng quyền hạn để trục lợi cho mình hoặc cho người khác; (8) Đã nhận bất hợp pháp lợi ích từ một bên hoặc đại diện của bên đó, hoặc gặp gỡ với một bên hoặc đại diện của bên vi phạm các quy định có liên quan…

DƯƠNG KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm