Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói về thẩm phán dự bị

(PLO)- Thẩm phán dự bị không được làm chủ tọa phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai ngày 26 và 27-2, TAND Tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Một nội dung quan trọng của hội nghị lần này là tổ chức lấy ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Nhiệm vụ của Thẩm phán dự bị

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình dành thời gian chia sẻ về một số nội dung dự kiến đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND lần này.

Đổi mới cần quyết tâm cao,
chỉ đạo quyết liệt

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới chứa đựng rất nhiều tinh thần đổi mới và tinh thần này phải được thể hiện trong Luật Tổ chức TAND.

“Đổi mới, ở một góc độ nào đó, phải được coi là cuộc cách mạng. Cái cũ mà tốt, chúng ta phát huy. Cái gì chưa hợp lý, chúng ta điều chỉnh và cái gì xấu, chúng ta bỏ đi. Cái gì do đáp ứng yêu cầu của tình hình thì chúng ta đề nghị thêm để nâng tầm của nền tư pháp nước nhà, của hệ thống tòa án nước nhà lên” - ông Bình nói. Ông cho rằng nếu chần chừ, ngành tòa án sẽ bỏ lỡ một dịp quan trọng mà Đảng, Quốc hội dành cho để thay đổi tổ chức của ngành.

Tuy nhiên, ông Bình thừa nhận đổi mới thường là đi trước về nhận thức nên cần quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thực hiện cho tốt mới thực hiện được.

Liên quan đến quy định về ngạch, bậc thẩm phán, dự thảo dự kiến quy định thẩm phán TAND gồm thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị. Trong đó, thẩm phán dự bị thực hiện một số nhiệm vụ của thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử dưới sự giám sát của thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc. Thẩm phán dự bị không được làm chủ tọa phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án.

TAND Tối cao có thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị; tại các tòa án khác có thẩm phán và thẩm phán dự bị.

Thẩm phán TAND Tối cao có hai bậc, bậc 1 khi mới được bổ nhiệm và bậc 2 là sau năm năm kể từ ngày được bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao. Trong khi đó, thẩm phán có tám bậc và thẩm phán dự bị có một bậc.

“Các đồng chí cơ bản ủng hộ nhưng có ý kiến băn khoăn về thẩm phán dự bị. Ý kiến này cho rằng hiện thiếu thư ký tòa án, còn thêm anh dự bị làm gì” - ông Bình cho biết.

Chánh án TAND Tối cao giải thích trong 2-3 năm đầu khi được bổ nhiệm thẩm phán, người này không được phép làm chủ tọa phiên tòa nhưng được ngồi trong cánh gà. Mặt khác, công việc của thẩm phán rất nhiều, những việc như hướng dẫn hòa giải, hòa giải… sẽ do thẩm phán dự bị thực hiện.

Theo ông Bình, quy định trên là tham khảo kinh nghiệm quốc tế, như Nhật Bản yêu cầu thẩm phán ba năm ngồi bên trái, ba năm ngồi bên phải rồi mới được ngồi ở giữa (chủ tọa - PV).

“Hôm nay bổ nhiệm thẩm phán, ngay hôm sau các đồng chí chủ tọa được không? Đây là câu chuyện của thực tiễn. Không phải khác biệt gì về tiêu chuẩn, điều kiện (bổ nhiệm thẩm phán - PV) cả nhưng bảo đảm cho các phiên tòa xét xử và các bản án tuyên rất đúng luật” - ông Bình cho rằng quy định như vậy là “thể hiện trách nhiệm với dân”.

Sửa chế định hội thẩm nhân dân để vai trò thực chất hơn

Vấn đề hội thẩm nhân dân, cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn đang để ngỏ hai phương án. Phương án 1 cơ bản giữ nguyên như hiện hành, có bổ sung quy định về tiêu chuẩn, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm tham gia xét xử tại các tòa án chuyên biệt và thiết kế lại thành một chương riêng trong luật.

Trong khi phương án 2 là tách chế định hội thẩm ra để xây dựng thành một luật riêng với nội dung đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án hiện hành để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế này.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá: Nếu thực hiện theo phương án 2 sẽ giải quyết được “căn cơ” vấn đề nhân dân tham gia xét xử, còn nếu theo phương án 1 sẽ khó có thể làm gì “thật quyết liệt”, “thật cách mạng”.

Người đứng đầu ngành tòa án phân tích: Nhiệm vụ của hội thẩm giống như thẩm phán là quyết định sự thật vụ án và quyết định áp dụng pháp luật, tức là tội gì và bao nhiêu năm. “Trong một vài vụ việc, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thậm chí cả Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có kinh nghiệm, có quá trình công tác như vậy, được đào tạo chính quy, bài bản mà đôi khi cãi nhau còn chưa ra” - ông Bình nêu lý do vì sao phần lớn hội thẩm phụ thuộc vào thẩm phán.

“Mong muốn thiết chế nhân dân tham gia xét xử để mang vào HĐXX công bằng, lẽ phải, quan niệm phổ biến của xã hội về đạo đức… là khó thực hiện vì hội thẩm nhân dân nghe theo thẩm phán. Mà nghe xong, hội thẩm lại không phải chịu trách nhiệm. Nếu án oan, sai thì ông thẩm phán bị kỷ luật và phải đền tiền, còn hội thẩm thì vô can. Do vậy, tính chịu trách nhiệm trong việc đưa ra các phán quyết là gần như không có” - ông Bình nói thêm.

Dù vậy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận lúc này đặt vấn đề xây dựng một đạo luật riêng, giải quyết căn cơ câu chuyện về thiết chế nhân dân tham gia xét xử có nhiều khó khăn. Bởi vậy, đa số ý kiến đề nghị quy định một chương như luật hiện hành, có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, để vai trò của hội thẩm thực chất hơn, tính chịu trách nhiệm cao hơn và chế độ, chính sách dành cho hội thẩm cũng tốt hơn…

Tăng thẩm quyền cho tòa án sơ thẩm phải có lộ trình

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay qua thảo luận, tất cả ý kiến đều thống nhất cần phải sửa Luật Tổ chức TAND, dù luật đã phát huy tác dụng từ năm 2014 đến nay nhưng cũng đã bộc lộ một số hạn chế.

Trong 15 vấn đề lớn dự kiến sửa đổi, bổ sung, một số nội dung đạt được sự đồng thuận rất cao, có nội dung đồng thuận nhưng đề nghị cần lộ trình, bước đi hợp lý. “Có nội dung đồng thuận chưa cao, dù chỉ một vài ý kiến thôi nhưng rất đáng phải suy ngẫm. Chúng tôi đã ghi chép đầy đủ và sẽ lắng nghe” - ông Bình nói. Ông dẫn chứng vấn đề mở rộng thẩm quyền của tòa án sơ thẩm (theo luật hiện hành là tòa án cấp huyện) đang còn có ý kiến khác nhau.

Theo ông Bình, cần tăng thẩm quyền của tòa án cấp huyện nhưng tăng đến mức độ nào lại không thể quy định ngay vào trong luật. Giả dụ, muốn tăng thẩm quyền của tòa án cấp huyện được xử án hình sự có hình phạt đến chung thân, tử hình thì tòa án các quận, huyện ở trung tâm có thể đảm nhận được ngay. Tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung thì không phải huyện nào cũng làm được và sẵn sàng cho việc này.

“Cho nên rất đồng tình là phải tăng thẩm quyền cho cấp huyện, cấp sơ thẩm nhưng tăng đến đâu sẽ phải có lộ trình. Lộ trình đó giao cho Chánh án TAND Tối cao đề xuất và Ủy ban Thường vụ Quốc hội mở rộng dần theo thời gian. Nếu chúng ta không đưa điều này vào luật thì sau có muốn “mở” cũng không được” - ông Bình nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm