Dự kiến sửa đổi nhiều quy định về thẩm phán

(PLO)- Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND sẽ bổ sung quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán; sửa đổi quy định về ngạch, bậc thẩm phán…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10-2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5-2024. Một trong những mục tiêu lớn của lần sửa đổi này, theo cơ quan chủ trì soạn thảo là nhằm hoàn thiện quy định về các chức danh tư pháp trong TAND.

Quy định về “thẩm phán dự bị”

Dự thảo dự kiến sửa đổi quy định về ngạch, bậc thẩm phán theo hướng: Thẩm phán TAND bao gồm thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị. Trong khi đó, Luật Tổ chức TAND 2014 đang quy định các ngạch thẩm phán gồm: Thẩm phán TAND Tối cao; thẩm phán cao cấp; thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp.

Dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về thẩm phán. Ảnh minh họa: HỮU ĐĂNG

Dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về thẩm phán. Ảnh minh họa: HỮU ĐĂNG

Đồng thời, nhiệm vụ của thẩm phán được sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng xác định thẩm phán là người thực hiện nhiệm vụ xét xử và thực hiện quyền tư pháp của tòa án, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định của luật.

Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ xét xử; tổng kết thực tiễn xét xử, áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; xây dựng và phát triển án lệ; quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân; thực hiện nhiệm vụ tham gia, phục vụ công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo sự phân công của chánh án; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của chánh án.

Đặc biệt, thẩm phán dự kiến được trao thêm nhiệm vụ xem xét, quyết định các văn bản quy phạm pháp luật trái với hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của luật.

Dự thảo cũng dự kiến bổ sung một điều mới, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán dự bị. Trong đó, thẩm phán dự bị thực hiện một số nhiệm vụ của thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử dưới sự giám sát của thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc…

Bổ sung quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán

Dự thảo dự kiến bổ sung quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán; quy định về đảm bảo an toàn cho thẩm phán và gia đình của họ; quy định về chính sách người có công đối với thẩm phán bị tổn hại sức khỏe, tính mạng vì lý do thực hiện công vụ.

Thiếu biên chế tại các cấp tòa

Tính đến ngày 30-4-2022, hệ thống TAND được giao gần 15.240 biên chế, thực hiện tinh giản biên thế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, hiện có hơn 13.300 người, còn thiếu 1.931 biên chế.

Trong đó, TAND Tối cao hiện thiếu 53 biên chế; ba TAND Cấp cao thiếu 38 biên chế; 63 TAND cấp tỉnh thiếu gần 720 biên chế và 702 TAND cấp huyện còn thiếu hơn 1.120 biên chế.

Đáng chú ý, dự thảo dự kiến bổ sung quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán theo hướng không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao nếu không có sự đồng ý của Hội đồng Tư pháp quốc gia.

Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND Tối cao.

Đồng thời quy định không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán, thẩm phán dự bị nếu không có sự đồng ý của Chánh án TAND Tối cao. Trường hợp thẩm phán TAND bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức thông báo để Chánh án TAND Tối cao xem xét, quyết định.

Ngoài ra, thẩm phán được miễn trừ trách nhiệm khi ban hành bản án, quyết định theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định nhưng có sai sót không phải do lỗi cố ý.

Phân bổ số lượng thẩm phán theo quy mô dân số...

Dự thảo dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng thẩm phán, biên chế của TAND theo hướng số lượng thẩm phán, biên chế của TAND do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao sau khi có ý kiến của Hội đồng Tư pháp quốc gia.

Đồng thời, bổ sung quy định về nguyên tắc phân bổ số lượng thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án trên cơ sở vị trí việc làm; quy mô dân số, diện tích tự nhiên; quy mô phát triển kinh tế - xã hội; tình hình tranh chấp, vi phạm và tội phạm; chức năng, nhiệm vụ của tòa án.

Ngành tòa án đã công bố hơn 1 triệu bản án, quyết định

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TAND Tối cao

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: TAND Tối cao

Chiều 26-2, TAND Tối cao đã khai mạc hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tại hội nghị, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du đã trình bày dự thảo báo cáo về kết quả thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử. Đây là những giải pháp được ngành tòa án triển khai từ năm 2017, sau khi sơ kết ba năm thực hiện Kết luận 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp.

Một trong những giải pháp ấy là công khai bản án, quyết định của tòa án trên cổng thông tin điện tử TAND. Tính ra, đã có hơn 1 triệu bản án, quyết định của TAND các cấp được công bố, với tổng số hơn 156 triệu lượt truy cập. Như vậy, trung bình mỗi ngày có hơn 100.000 lượt truy cập để tìm hiểu các bản án, quyết định của cơ quan xét xử.

Về giải pháp đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, cùng với việc triển khai hai thông tư quy định về phòng xử án và quy chế tổ chức phiên tòa, bố trí lại vị trí ngồi của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, TAND đã phối hợp với VKSND cùng cấp tổ chức các “phiên tòa rút kinh nghiệm”. Ngay sau khi kết thúc phiên xử, lãnh đạo các tòa chuyên trách đã trực tiếp chủ trì họp rút kinh nghiệm.

Để tiếp tục đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng xét xử của tòa các cấp, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du cho biết dự kiến tiếp tục thực hiện tốt hơn 14 giải pháp hiện hành.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm