Một trung tâm y tế khẩn cấp ngày 21-3 cho biết hơn 30 dân thường và cảnh sát đã bị thương trong các cuộc biểu tình tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, khi cảnh sát sử dụng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để giải tán biểu tình vào tối 20-3, hãng tin Reuters đưa tin.
Video được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các nhân viên cảnh sát chống bạo động đã đánh và giẫm vào người biểu tình, trong khi những người khác chạy trốn và một số đã bỏ cả xe máy của họ.
Một video khác cho thấy nhiều người dính hơi cay đang trú ẩn trong một nhà hàng McDonald's gần đó.
Trung tâm Y tế Erawan tại thủ đô Bangkok cho biết 13 cảnh sát và 20 người dân thường đã bị thương.
Biểu tình tại Thái Lan đêm 20-3. Ảnh: REUTERS
Phía cảnh sát Thái Lan hôm 21-3 cho biết hành động của họ là phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, và 20 người biểu tình đã bị bắt vì vi phạm luật cấm tụ tập đông người và xúc phạm chế độ quân chủ.
"Bạo lực bắt nguồn từ phía người biểu tình và cảnh sát phải bảo vệ luật pháp và các tài sản quốc gia" - Phó cảnh sát trưởng Bangkok Piya Tavichai nói với các phóng viên.
Những người biểu tình chưa bình luận về thông tin trên. Hầu hết các lãnh đạo của họ đã bị bắt.
Cuộc biểu tình tối 20-3 đã thu hút hơn 1.000 người.
Ngày 20-3, hàng ngàn người biểu tình Thái Lan đã tập trung ở quãng trường Sanam Luang trước hoàng cung ở thủ đô Bangkok để kêu gọi trả tự do cho các lãnh đạo phong trào biểu tình và đòi cải cách chế độ quân chủ.
Hàng trăm cảnh sát chống bạo động mang khiên lập tức được điều động để đối phó với đám đông ngày càng lớn dần và bảo vệ hoàng gia. Lực lượng này cũng triển khai thêm một lượng lớn vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và phát loa yêu cầu người biểu tình giải tán ngay lập tức vì đang vi phạm quy định chống đại dịch COVID-19.
Theo Reuters, cuộc biểu tình nói trên diễn ra sau khi Quốc hội Thái Lan tuần này không thông qua dự luật sửa đổi hiến pháp, một trong những yêu cầu chính của phe biểu tình.
Trước đó, một cuộc biểu tình cũng đã diễn ra hôm 28-2, chứng kiến một số người biểu tình và cảnh sát bị thương.
Phong trào biểu tình của giới trẻ Thái Lan nổi ra vào năm 2020 và đã đặt ra thách thức lớn nhất đối với chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, tướng quân đội đã nghỉ hưu đã lên nắm quyền vào năm 2014 từ một chính quyền dân cử.
Những người biểu tình cáo buộc ông đã cố ý đặt ra một quy trình nhằm duy trì chế độ quân sự - quân chủ và cho phép ông nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2019. Ông Prayut và những người ủng hộ ông đã bác bỏ cáo buộc này.
Những người biểu tình đã yêu cầu cải cách chế độ quân chủ, điều được xem là cấm kỵ, khi cho rằng hiến pháp do quân đội soạn thảo sau năm 2014 trao cho nhà vua quá nhiều quyền lực.
Hoàng gia Thái Lan hôm 21-3 đã từ chối bình luận trực tiếp về các cuộc biểu tình. Chính phủ Thái Lan nói hành động chỉ trích nhà vua là trái pháp luật và không phù hợp.