Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 4 giờ sáng mai (25-12), vị trí tâm bão số 15 (có tên quốc tế là Tembin) nằm trên khu vực phía Tây quần đảo Trường Sa, cách Côn Đảo 380 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao 8-10 m.
Vị trí, đường đi, vùng ảnh hưởng của bão số 16.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250 km tính từ vùng tâm bão. Vùng gió mạnh trên cấp 10, gió giật mạnh trên cấp 13 có bán kính khoảng 150 km tính từ vùng tâm bão.
Sau đó bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ rất nhanh (20-25 km/giờ). Đến 4 giờ chiều 25-12, tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao 8-10 m.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250 km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150 km tính từ vùng tâm bão.
Để chủ động ứng phó với cơn bão bất thường, Thủ tướng Chính phủ có công điện hỏa tốc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan chủ động đối phó.
Theo công điện, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, khi đổ bộ trực tiếp vào đất liền gặp thời điểm triều cường hiếm khi xảy ra trong khu vực.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão Linda năm 1997, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau:
1. UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của bão, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; không để tàu thuyền ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, trên cù lao đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường. Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn; trong đó đặc biệt đối với huyện đảo, xã đảo như Trường Sa (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)…
Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến (kể cả các tàu vận tải; tàu vãng lai trên sông, trên biển; các bến phà…), khu vực neo đậu quanh các đảo, khu lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển và đất liền nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Tổng rà soát các phương án, kịch bản ứng phó. Đặc biệt cần tăng cường trang thiết bị, nguồn lực để kịp thời chỉ đạo điều hành được thông suốt trong các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó hiệu quả với bão.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, các trọng điểm sạt lở bờ sông, bờ biển xung yếu, các công trình đang thi công, chống ngập đô thị do ảnh hưởng của nước dâng, triều cường và gió mạnh.
Kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, hệ thống lưới điện, thông tin, cơ sở dịch vụ du lịch, chặt tỉa cành cây và các công trình công cộng, dân sinh khác để đảm bảo an toàn.
Khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản theo phương châm xanh nhà hơn già đồng.
Phân công các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN trực tiếp đến địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”; đặc biệt cần tăng cường các hình thức thông tin truyền thông ứng phó với bão đến cộng đồng.
2. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, các ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ lên kế hoạch cụ thể phối hợp với chính quyền địa phương tổng rà soát các phương án cụ thể để chủ động xử lý trong các tình huống trước, trong và sau bão; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra…