Báo chí thời đại số, càng phải củng cố tính chính danh với bạn đọc

(PLO)- Theo chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn, báo chí phải đảm bảo tính chính danh của mình bằng cách là cung cấp nhiều hơn những sự thật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn từng là một nhà báo (anh từng phụ trách chuyên mục Đối thoại Chính khách của báo Sinh viên Việt Nam), giờ đây tên anh gắn với vai trò là Chủ tịch sáng lập và điều hành Hãng Quản trị Berlin Crisis Solutions (BCS) tại Đức. Từ Đức nhìn về báo chí Việt Nam, anh bày tỏ: “Trong 10 năm qua báo chí Việt Nam có sự thay đổi chóng mặt”.

Báo chí phải thích ứng về mặt công nghệ

. PV: Sự thay đổi chóng mặt mà anh nói tới khi đề cập đến báo chí Việt Nam được thể hiện như thế nào ?

+ Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn: Tôi cảm nhận được sự thay đổi đó rõ rệt nhất là trong việc ứng dụng các mạng xã hội (MXH) vào việc mà chúng ta tạm gọi là ‘tương kế tựu kế’. Cụ thể, nếu MXH cạnh tranh với báo chí chính thống thì bây giờ báo chí chính thống sử dụng lại MXH để phục vụ cho mục đích của mình, chính là truyền tin tức đến bạn đọc nhanh hơn, nhiều hơn.

Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn. Ảnh: NVCC.

Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn. Ảnh: NVCC.

. Phải thừa nhận rằng, việc ra đời của MXH đã tạo ra một kênh tiếp nhận thông tin, lan toả thông tin cho báo chí, nhưng điều này cũng tạo ra áp lực cho báo chí hiện nay?.

+ Thực ra không phải đợi đến khi có MXH ra đời mà chính sự cạnh tranh giữa các phương tiện truyền thông mới, các dòng dịch chuyển về công nghệ mới đã tác động đến báo chí nước ta. Đây cũng là một chủ đề mà suốt từ khoảng chục năm trở lại đây bắt đầu được đề cập đến rất nhiều. Bây giờ thì điều này không còn là chủ đề mới nhưng nỗi lo với báo chí truyền thống thì vẫn còn đó. Quan sát báo chí các nước phát triển với báo chí Việt Nam thì báo chí thế giới nói chung đang đi qua cái gọi là ‘cơn khó’ trong sự phát triển của mình. ‘Cơn khó’ đó báo chí Việt Nam cũng đang phải trải qua.

. ‘Cơn khó’ mà ông nói tới biểu hiện như thế nào ?

+ ‘Cơn khó’ này mang tính lịch sử. Nhìn lại sự phát triển của báo chí thế giới thì chúng ta thấy rằng qua mỗi giai đoạn phát triển về mặt công nghệ thì báo chí đòi hỏi phải thay đổi theo mang tính bước ngoặt.

Chẳng hạn như báo chí lúc mới ra đời chỉ có báo in. Thế nhưng, sau báo in, người ta nghiên cứu ra công nghệ phát thanh, từ đó có báo radio, báo phát thanh. Lúc đó, các loại hình mới sẽ ra đời và được coi như một cơn ‘đại địa chấn’. Sau đó hiện đại hơn nữa còn có cả hình.

Cuối những năm 90, đầu những năm 2000 bắt đầu có internet ở Việt Nam và nhiều nước khác thì internet trở nên phổ biến và cung cấp thêm một loại hình báo chí mới tiếp theo, đó là báo chí trực tuyến. Điều này tiếp tục tạo nên một cơn ‘đại địa chấn’ nữa đối với mọi người. Sự xuất hiện của cái gọi là hình thái MXH mới gần đây cũng là một trong những cuộc chuyển mình như thế về mặt công nghệ và tác động đến làng báo.

Thông tin trên báo chí thường được bạn đọc tin tưởng bởi chỉ số niềm tin do tờ báo đó tạo ra'

. Như ông nói thì những thay đổi của báo chí đều gắn liền với sự thay đổi của công nghệ ?

+ Đúng vậy. Nếu nhìn lịch sử báo chí dưới góc nhìn về mặt thay đổi công nghệ sẽ thấy rằng một trong những đặc tính của báo chí phải gắn liền với tính thích ứng về mặt công nghệ. Theo tôi, đặc trưng về mặt công nghệ của báo chí là phần không thể thiếu, và điều này có nghĩa rằng sự thích ứng với những công nghệ mới là một trong những kỹ năng bắt buộc phải có của mỗi nhà báo. Cho nên, nếu muốn được gọi là nhà báo và được sinh tồn trong nghề này thì mục tiêu biến chuyển của nghề báo là dường như nhà báo phải thích ứng được trong những điều đó.

Bạn đọc tin vào sự chính danh của báo chí

. Trở lại với MXH, ông có đánh giá thế nào về sự tác động của MXH đối với báo chí phương Tây và với Việt Nam ?.

+ Tác động của MXH đối với báo chí truyền thống là sự tác động nhất loạt và trên một quy mô rộng lớn khắp trên thế giới. Nghĩa là không chỉ báo chí Việt Nam mà báo chí của phương Tây cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Nhiều tờ báo cũng giảm doanh thu, thu hẹp lại thị phần và thu hẹp quy mô hoạt động của mình, thậm chí là có những tờ phải đóng cửa.

Tuy nhiên ở những nước như phương Tây thì mỗi tờ báo đó là một loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp mở hay đóng là chuyện rất bình thường. Bên cạnh đó, những tờ báo truyền thống có tiếng từ lâu đời họ cũng thấy khó khăn nhưng họ phải dịch chuyển mô hình kinh doanh của họ bằng cách khác. Báo chí Việt Nam thì có những đặc thù riêng biệt. Điều này cũng có thể tạo ra những rào cản nhưng ở mặt tích cực thì lại tạo ra lợi thế riêng có của báo chí với các nền tảng khác.

Từng là một nhà báo, giờ đây tên anh gắn với vai trò là Chủ tịch sáng lập và điều hành Hãng Quản trị Berlin Crisis Solutions (BCS) tại Đức. Ảnh: NVCC.

Từng là một nhà báo, giờ đây tên anh gắn với vai trò là Chủ tịch sáng lập và điều hành Hãng Quản trị Berlin Crisis Solutions (BCS) tại Đức. Ảnh: NVCC.

. Ông có thể nói rõ hơn về những lợi thế đó ?

+ Lợi thế bao trùm nhất theo tôi nghĩ đó chính là tính chính danh của báo chí. Thông tin trên báo chí thường được bạn đọc tin tưởng bởi chỉ số niềm tin do tờ báo đó tạo ra. Tuy nhiên, tôi cũng nhìn nhận được rằng một số cơ quan báo chí trong nước đang đánh mất lợi thế trong lòng bạn đọc.

. Cụ thể đó là gì, thưa ông?

+ Cụ thể là bây giờ có nhiều tờ báo làm ăn bằng mọi giá và họ sẽ làm bằng mọi thứ để câu view (lượt xem), điều này sẽ mài mòn tính chính danh của báo chí một cách dễ dàng nhất, nhanh nhất. Đây cũng là nguy cơ nhãn tiền là khiến người ta tin vào những KOL trên Facebook, trên MXH nhiều hơn là tin vào tờ báo hay là trang điện tử.

Đây cũng là một tín hiệu để tin rằng sự sống còn của các tờ báo truyền thống chính là tính chính danh và để duy trì điều đó thì có một cách cũng mang tính sống còn là phải đảm bảo tính chính danh của mình bằng cách là cung cấp nhiều hơn những sự thật.

Có nghĩa là đại diện cho bạn đọc để đi tìm hơn nhiều hơn những sự thật để cung cấp cho họ. Đây là một trong những đặc trưng mà các facebooker ít người làm được, hoặc MXH không thể làm được thì báo chí truyền thống có thể làm được. Cụ thể hơn nữa như các bài hay phóng sự điều tra. Đây cũng là điều tôi thấy được ở BáoPháp luật TP.HCMqua các phóng sự điều tra gần đây. Qua báo chí điều tra báo chí có thể phát huy được sức mạnh và dường như là một thứ mà có thể tạo ra lợi thế riêng biệt mà các cái trang MXH không thể làm được.

. Làm thế nào để có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh với các nền tảng mới như ông đề cập ?

+ Dựa vào thế mạnh đặc trưng này nếu các tòa soạn có thể khai thác được triệt để thì hoàn toàn có thể tạo ra một lợi thế riêng có để duy trì dòng bạn đọc riêng, những người có nhu cầu đi tìm sự thật. Hơn nữa, theo tôi với sự phát triển chóng mặt của MXH hiện nay với các kênh như là Facebook, Tiktok thì cạnh tranh về mặt tốc tốc độ thông tin là dường như không còn là một lợi thế của báo chí nữa rồi.

. Vậy lợi thế đó có được từ đâu ?

+ Ngày xưa chúng ta hay nói rằng là báo chí tin tức, là nhanh nhạy thì bây giờ không phải là thế nữa. Bây giờ phải là MXH mới có đặc trưng đấy. Còn báo chí truyền thống không thể nào đi cạnh tranh sự nhanh với các MXH. Bây giờ chính sách của các tòa soạn nên không ưu tiên vào việc nhanh mà ưu tiên vào việc đúng và sâu, cung cấp những góc nhìn sâu về một sự việc. Tôi nghĩ rằng đó vẫn là lý do để sinh tồn của báo chí chính thống.

.Cảm ơn ông!

Khi bạn đọc "phát triển về chất" thì nhà báo cũng phải thay đổi

Trong một xã hội tràn ngập thông tin, bạn đọc đã qua giai đoạn đói thông tin, đến giai đoạn bão hòa thông tin và bây giờ đến giai đoạn bị sợ hãi thông tin. Có rất nhiều người bị rối loạn tâm thần vì tiếp nhận quá nhiều thông tin độc hại trên mạng internet và đã phải trị liệu. Bạn đọc khao khát có những sự tử tế, quan điểm công tâm khách quan, đúng mực, họ không còn khao khát những cơn lên đồng tập thể nữa.

Trong 5 năm qua, MXH nói riêng ở Việt Nam những cơn lên đồng tập thể, những cuộc ném đá tấn công ồ ạt, vùi dập cá nhân hay tổ chức, hay dễ dàng tin theo những luận điểm xuyên tạc, sai trái đã giảm đi rất nhiều.

Những tiếng nói phản biện chính trực của bất kỳ một ai đó chúng ta đã thấy nhiều hơn rất nhiều. Đó là sự phát triển về chất của người đọc. Vậy khi người đọc phát triển về chất những nhà báo cũng phải phát triển về chất và đó là khía cạnh tích cực mà MXH mang lại cho báo chí và người đọc.

Nhà báo Phạm Gia Hiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm