'Báo chí TP.HCM phải là dòng chảy đầy sinh khí của thực tiễn'

Sáng 4-9, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức tọa đàm “Báo chí - xuất bản đồng hành cùng TP trong đột phá cải cách hành chính”.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn TP.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Thủ tục hành chính vẫn còn nặng nề, cần phải tháo gỡ 

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng đội ngũ báo chí hùng hậu và chuyên nghiệp đã đồng hành cùng chính quyền TP trong suốt thời gian qua góp phần khắc phục những bất cập. Đây là sự hợp lực để TP.HCM phát triển đi lên, và TP đi lên thì đất nước đi lên.

Cũng theo bà Thảo, cải cách hành chính cần phải đột phá thật sự để đưa TP.HCM phát triển, bởi vì hiện nay trong vấn đề này còn nhiều ách tắc rất lớn. “Những vấn đề liên quan đến thể chế, thủ tục hành chính hiện nay rất nặng nề, cần phải tháo gỡ không chỉ có ở TP mà ở cả quốc gia” - bà Thảo nói.

Ở một góc độ khác, bà Thảo cho rằng hiện nay luật pháp chồng chéo nhau, xung đột và thậm chí còn khoảng trống, từ đó dẫn đến hệ thống bộ máy hành chính triển khai không kịp. Vẫn còn tình trạng nhiều việc Nhà nước  “ôm” vào trong khi ta nói là cho dân làm nhiều hơn; tình trạng “xin-cho” còn rất nặng nề.

Chính sự chồng chéo, xung đột pháp luật nói trên đang tạo ra những áp lực về tâm lý nặng nề đối với cán bộ, công chức. “Lãnh đạo ở trên thì kêu sáng tạo, nhưng ở cấp dưới lúc nào cũng ngại vì sáng tạo bây giờ là đụng luật.

Xé rào bây giờ không như ngày xưa, ngày xưa ít luật, bây giờ xé rào đụng luật liền. Khi thanh tra vào thấy khác luật thì kết luận là làm trái pháp luật, cố ý làm trái. Khó khăn lắm, khó khăn cho cán bộ” - bà Thảo nói và cho rằng tâm lý của cán bộ cấp dưới bây giờ là làm nhanh thì rất rủi ro, không theo quy định hiện hành, dễ bị quy trách nhiệm cố ý làm trái, mà không làm thì có lỗi với dân.

Bà lấy dẫn chứng trong thủ tục đầu tư công còn tính bằng năm, xây dựng một trường học cũng phải mất 400 ngày. “Ở cái địa bàn nóng mới giải tỏa xong người ta muốn xây cái trường học, lãnh đạo cấp dưới đề nghị cấp trên chỉ định thầu (thẩm quyền không cho cấp dưới chỉ định thầu - PV) nhưng cấp trên không dám quyết mà còn phê bình cấp dưới” - bà Thảo nói.

Từ đó, bà Thảo đặt câu hỏi: Ai làm “bà đỡ” cho cán bộ công chức bây giờ? “Tôi nghĩ là lãnh đạo phải là bà đỡ, lãnh đạo cao nhất càng phải là bà đỡ tốt cho những nhân tố mới, những ý tưởng sáng tạo” - bà đề xuất và cho rằng không thể trốn tránh trách nhiệm này, báo chí phải đồng hành với những nhân tố mới, ý tưởng sáng tạo đó.

Theo bà Thảo, TP.HCM đã từng “xé rào” để góp phần cho đường lối đổi mới và rất tự hào về việc “xé rào” này, nhưng trong tình hình hiện nay cũng đòi hỏi sự “xé rào” để phát triển. “Phải thế nào để xé rào, bung ra phát triển mạnh mẽ hơn, tôi nghĩ như vậy là sự cần thiết” - bà Thảo nói.

Cũng theo bà Thảo, nhiều bài toán khó đều có lời giải trong thực tiễn và đề nghị báo chí cần đi sâu, đi sát vào thực tiễn để phản ánh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Cần đánh giá được người dân hài lòng đến đâu

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, mong muốn báo chí phải đi đầu trong phát huy sáng tạo của người dân, đồng thời thúc đẩy chính quyền làm tốt hơn công việc của mình cho sự phát triển.

Xã hội luôn trân trọng cái đẹp, cái mới, những điển hình tích cực, nhân văn và luôn tìm kiếm những bài viết sắc sảo, có sự phân tích nhạy bén mà người cầm bút có tầm, có tâm, có cả sự gửi gắm ý tưởng, ước vọng và tấm lòng cao đẹp của mình vào trong đó” - ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, hiện chưa có nhiều những đề xuất giải pháp từ đòi hỏi của thực tiễn. TP.HCM là nơi có thực tiễn sinh động, báo chí TP phải là dòng chảy đầy sinh khí của thực tiễn sinh động ấy. Điều đó tùy thuộc rất lớn vào khả năng lăn lộn thực tiễn, khai thác, xử lý thông tin và bản lĩnh của người làm báo.

Ông cũng muốn báo chí qua tác nghiệp đánh giá được người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi gì, mức độ hài lòng đến đâu qua những đột phá về cải cách hành chính mà chính quyền TP thực hiện. Vì suy cho cùng, mọi sự đột phá trong cải cách hành chính đều hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Khi người dân không hài lòng ở mức độ nào đó thì chính quyền TP chưa yên tâm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng mong muốn báo chí phát hiện được những cái làm tốt và chưa tốt. Ví dụ như mô hình cải cách hành chính ở Hóc Môn làm tốt đã thúc đẩy nhiều nơi làm theo. Còn những chỗ yếu kém thì báo chí cần phản ánh để TP chấn chỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới