Báo động nỗi lo an toàn lễ hội sau 2 năm dịch

(PLO)- Hai thảm kịch liên tiếp khiến hàng trăm người mất mạng oan uổng làm dấy lên nỗi lo về tính an toàn mùa lễ hội, đặc biệt khi người dân có tâm lý muốn vui chơi hết mình sau hai năm dịch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai ngày liên tiếp xảy ra hai thảm kịch kinh hoàng gây thương vong quá lớn, liên quan việc tập trung vui chơi lễ hội. Thực tế này làm dấy lên lo ngại về tính an toàn mùa lễ hội cuối năm, đặc biệt khi người dân có tâm lý muốn vui chơi hết mình sau hai năm bị phong tỏa vì dịch.

Thương vong chưa dừng lại

Ngày 31-10, cảnh sát TP Morbi, TP Rajkot thuộc bang Gujarat (Ấn Độ) cho biết đã vớt 134 thi thể trong thảm kịch sập cầu treo trong lễ hội ánh sáng Diwali tại bang này vào trưa 30-10, theo đài CNN. Khả năng số người chết sẽ còn tăng vì có tới khoảng 500 người ở khu vực trên và quanh cây cầu lúc xảy ra thảm kịch và mới có hơn 130 người được cứu. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn khẩn trương tìm kiếm dưới sông.

Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm nạn nhân quanh khu vực cầu treo bị sập ngày 31-10 ở bang Gujarat (Ấn Độ). Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm nạn nhân quanh khu vực cầu treo bị sập ngày 31-10 ở bang Gujarat (Ấn Độ). Ảnh: AFP

Trong khi đó tại Hàn Quốc, tính đến ngày 31-10, số người chết trong thảm kịch giẫm đạp Halloween tại khu phố Iteawon ở thủ đô Seoul tối 29-10 là 154 người (trong đó có 26 người nước ngoài, có một công dân Việt Nam) và khả năng sẽ còn tăng vì trong hơn 130 người bị thương có hơn 30 người đang nguy kịch, theo hãng thông tấn Yonhap.

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tuyên bố quốc tang và chỉ định quận Itaewon là vùng thảm họa. Ông Choi Sung-beom, người đứng đầu Trạm cứu hỏa Yongsan, nêu ý kiến rằng “một thảm kịch thế này đáng lẽ không nên xảy ra ngay giữa trung tâm Seoul”, đồng thời cho biết sẽ điều tra nguyên nhân.

Nguy cơ từ đám đông

Điểm chung ở hai thảm kịch là xảy ra trong bối cảnh người dân tập trung vui chơi lễ hội và lượng người tham gia đông bất thường. Điều này có thể liên quan việc người dân được tự do đi lại, vui chơi sau hai năm chịu nhiều hạn chế do phòng dịch.

Thảm kịch sập cầu treo ở Ấn Độ xảy ra khi hàng trăm người đến khu vực cây cầu treo để ăn mừng lễ hội ánh sáng Diwali và ngày lễ Chhath Puja dành cho những người mộ đạo Hindu. Hãng tin AFP dẫn lời nhân chứng cho biết “người dân kéo đến cây cầu để thực hiện các nghi lễ tôn giáo và cũng để thưởng thức lễ hội Diwali”, “cầu bị sập do quá tải” và “nhiều nạn nhân là phụ nữ và trẻ em”.

Cây cầu dài 230 m được xây dựng dưới thời Anh thuộc thế kỷ 19, chỉ mới được mở cửa lại tuần trước sau sáu tháng tu sửa. Chưa rõ có liên quan gì giữa thời điểm mở cửa cây cầu với dịp lễ hội hay không.

Tai nạn không phải do một nguyên nhân duy nhất gây ra, mà nên được chia thành nguyên nhân chính sách, nguyên nhân hành chính, nguyên nhân gián tiếp và nguyên nhân trực tiếp. Dù chỉ một nguyên nhân được xử lý phù hợp thì đã không dẫn đến thảm kịch thế này.

Chuyên gia quản lý thảm họa JEONG HO-JO

Với Hàn Quốc, khu Itaewon nổi tiếng với giới trẻ trong nước và cả người nước ngoài, là biểu tượng của cuộc sống về đêm tự do ở Seoul; và khu phố này mới bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau hơn hai năm đại dịch. Từ tháng 4, Hàn Quốc đã bỏ lệnh giới nghiêm tại các quán bar và nhà hàng. Trong ngày 29-10, các quán bar và nhà hàng chật kín trong lễ Halloween. Đêm 29-10 là sự kiện Halloween đầu tiên ở Seoul sau ba năm thủ đô Hàn Quốc phải chịu các hạn chế và giãn cách xã hội vì dịch.

Theo thông tin từ lực lượng cấp cứu, một đám đông khổng lồ hầu hết ở độ tuổi 20 - nhiều nạn nhân vẫn còn ở tuổi thiếu niên, chưa có giấy tờ tùy thân - chơi lễ Halloween ở Itaewon, kéo nhau tràn vào một con hẻm chật và dốc.

Các nhân chứng mô tả đám đông ngày càng trở nên kích động khi đêm về khuya, rồi hỗn loạn nổ ra và thảm kịch giẫm đạp kéo theo ngay sau đó, vào tầm 22 giờ 20 ngày 29-10. Các đoạn phim trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người chen chúc trong con hẻm hẹp, dốc và hầu như không thể di chuyển trong khi cảnh sát và lực lượng cấp cứu vật lộn để giải thoát họ.

Lực lượng cứu hỏa và các nhân chứng cho biết dòng người bên ngoài vẫn tiếp tục đổ vào con hẻm dù nó đã bị kẹt cứng, rồi người ở trên đỉnh dốc ngã xuống, khiến người bên dưới ngã đổ lên người khác. Theo ông Choi Sung-beom, phần lớn trường hợp tử vong đều do bị giẫm đạp trong con hẻm.

Theo hãng tin Reuters, 24 giờ trước khi thảm kịch xảy ra, đã có những dấu hiệu cảnh báo rằng lễ hội sẽ thu hút lượng người đông nguy hiểm. Anh Park Jung-hoon, 21 tuổi, nói với Reuters từ hiện trường: “Bạn sẽ thấy những đám đông lớn vào dịp Giáng sinh và dịp bắn pháo hoa... nhưng con số này (lượng người đêm xảy ra thảm kịch) lớn hơn gấp 10 lần so với bất kỳ dịp nào”. Một nhân chứng khác, anh Moon Ju-young 21 tuổi, cũng mô tả với Reuters rằng dòng người tại con phố Iteawon đông gấp hơn 10 lần bình thường và anh thấy có những dấu hiệu rõ ràng về sự cố trong con hẻm trước khi thảm kịch xảy ra.•

Cần nâng cao nhận thức an toàn đám đông cho giới trẻ

Từ thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng ở Hàn Quốc, có chuyên gia đã đưa ra ý kiến mong có thể hạn chế những vụ việc thương tâm trong tương lai.

Chuyên gia quản lý thảm họa Jeong Ho-jo và là giám đốc điều hành Công ty Safe School ở Seoul, vốn cung cấp các khóa đào tạo về an toàn ở Hàn Quốc, nhận xét ý thức giữ an toàn trong tình huống đám đông ở một bộ phận lớn người dân chưa cao, đặc biệt ở các bạn trẻ, theo Washington Post. Một thực tế hiện nay là những người trẻ ở độ tuổi 20 không được tiếp xúc thường xuyên với các khóa huấn luyện an toàn về cách ứng xử trong các tình huống nguy hiểm tiềm ẩn.

Trong tối 29-10, có không ít người nhận ra rủi ro từ con phố quá đông và cố gắng thoát khỏi đám đông bằng cách vào các quán dọc theo đường phố. Song đáng tiếc, số người kịp ý thức rủi ro không nhiều bằng số đông bạn trẻ vẫn hồn nhiên đi vào đám đông để rồi không thoát ra được. Ông Jeong cho rằng rất cần sự hỗ trợ thúc đẩy từ các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo cộng đồng và các cơ quan truyền thông để nâng cao nhận thức ứng phó với thảm kịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm