Báo động về thủ đoạn mạo danh ngân hàng để chiếm đoạt tiền

Thời gian gần đây, tình trạng mạo danh website, fanpage của ngân hàng, giả danh nhân viên ngân hàng, giả mạo tin nhắn của ngân hàng... khiến khách hàng rất dễ chia sẻ các thông tin cá nhân cho kẻ gian để chúng lợi dụng đánh cắp tiền trong tài khoản.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, chẳng hạn như tin nhắn thông báo trúng thưởng trong một chương trình khuyến mại của ngân hàng và yêu cầu click vào đường link để xác nhận. Hoặc tin nhắn có tên ngân hàng thông báo tài khoản đã bị khoá, muốn giao dịch lại phải truy cập đường link và làm theo hướng dẫn. 

Có khi lại là tin nhắn yêu cầu hoàn thành thông tin của bạn để được tặng thẻ 50 triệu đồng. Hoặc tin nhắn mời vào đường link để xác nhận giả mạo người thân, bạn bè gửi đường link giả mạo website của ngân hàng, tổ chức chuyển tiền tới khách hàng và yêu cầu khách hàng nhập hoặc cung cấp các thông tin cá nhân/số tài khoản, số điện thoại, mật khẩu, mã OTP… 

Không chỉ mạo danh tin nhắn ngân hàng, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo khách hàng gặp trục trặc khi đang sử dụng dịch vụ ngân hàng, xác minh giao dịch khách hàng mới thực hiện, thông báo khách hàng bị lộ thông tin thẻ… nhằm đánh cắp thông tin hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng nếu khách hàng thực hiện theo các chỉ dẫn của tin nhắn giả mạo này.

Đây là thủ đoạn hoàn toàn mới. Do đó, thời gian qua đã rất nhiều người dùng tại Việt Nam đã bị tấn công bởi các tin nhắn hoặc website giả mạo có tên thương hiệu, giao diện gần giống trang chủ của ngân hàng nhằm mục đích đánh lừa thị giác nạn nhân. 

Theo thống kê của các cơ quan quản lý, tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công vào lĩnh vực ngân hàng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng về số lượng, diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khiến khách hàng bị mất tiền còn ngân hàng thì bị ảnh hưởng đến uy tín.

Cách phòng tránh những chiêu thức lừa đảo

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm trên và hạn chế thiệt hại về tài sản cho khách hàng, mới đây, hàng loạt ngân hàng đã phát đi cảnh báo tới khách hàng.

Mới đây nhất, Agribank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, mã xác thực OTP, số thẻ qua điện thoại, email, mạng xã hội hay các trang web, link lạ và tuyệt đối không truy cập vào các đường link giả mạo trên.

Trước đó, các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Sacombank, Techcombank, ACB, Nam Á Bank, SCB, ACB, VIB, VPbank... cũng gửi rất nhiều thông báo qua email, tin nhắn, thông tin trên website khẳng định ngân hàng không bao giờ đề nghị khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…). 

Đồng thời, các nhà băng cũng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không bấm vào các đường link có sẵn trong tin nhắn, email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Không đăng nhập dịch vụ của ngân hàng từ các tin nhắn lạ, trên các thiết bị công cộng; không cung cấp các thông tin giao dịch như: Tên đăng nhập, mật khẩu, OTP, mã PIN Soft Token, mã kích hoạt, mã CVV2 in tại mặt sau thẻ và các thông tin cá nhân khác thông qua bất kỳ hình thức nào (điện thoại, email, mạng xã hội…) và cho bất kỳ ai.

Trường hợp khách hàng đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin, chủ tài khoản cần chủ động thực hiện các biện pháp khẩn cấp gồm: Khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến; đổi mật khẩu của dịch vụ đã cung cấp thông tin cho kẻ gian; gọi điện ngay cho ngân hàng và chủ động trình báo vụ việc tới Cơ quan công an trong trường hợp bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới