Bao dung lòng dân

Những năm 70 của thế kỷ trước, ngày ấy tôi là một người lính chiến đấu, hoạt động ở vòng cung từ Tây-Bắc qua Đông-Bắc của Sài Gòn, ở những vùng đất được gọi là cài răng lược hay vùng giáp ranh. Thật ra những cách gọi như thế không chính xác cho lắm, bởi giữa vùng đất hai phía quân giải phóng và quân Việt Nam Cộng hòa không hề có “ranh giới cứng”nào rõ rệt mà để phân định chính xác là những vùng đất thuộc bên này hay bên kia. Nó cứ trộn lẫn vào nhau, ban ngày thuộc về bên này, ban đêm lại thuộc về bên kia, thậm chí bước chân bên này vừa rút lên thì bên kia đặt vào đúng chỗ đó. Tình thế đó diễn ra quanh Sài Gòn từ Hóc Môn, Củ Chi đến Thủ Đức…

Trong tình thế “da báo” ấy,có những gia đình sống ở vùng đất mà hai lực lượng thường xuyên qua lại. Do địa điểm nơi họ sống thường là rìa ấp nên cả hai phía đều thường xuyên qua lại. Phía quân cách mạng lấy các gia đình ở vùng này làm trạm dừng chân và nhờ mua gạo, nước mắm, cá khô, trà, thuốc lá, thuốc Tây, đồ dùng sinh hoạt, nhờ họ móc nối bà con thân nhân ở nơi xa đến thăm. Phía lính Việt Nam Cộng hòa cũng thường qua lại lúc thì họ đi tuần tra, lấy tin tức, phục kích, nhờ bán quân trang quân dụng, kiếm chút đồ ăn, hay đơn giản hơn là tìm bạn gái…

Cánh biệt động chúng tôi cũng nhờ họ để đưa cán bộ từ nội thành ra, trả cán bộ sau khi huấn luyện từ cứ vào nội thành, lấy tin từ các hộp thư, móc nối chuyển vũ khí vào sâu trong thành.

Bây giờ, nói ra không mấy ai tin nhưng chuyện thật ngày ấy là những gia đình trêncùng lúc giúp đỡ cả hai phía như nhau. Lính cả hai phía đều gọi các bà,các chị là má, là dì…và đều nhận được sự chăm sóc tử tế từ bà con. Nấu cơm chiều, các bà, các chị bao giờ cũng nấu dư ra, phần dư chia làm hai phần để hai nơi, khi chúng tôi đột ấp, sau khi giải quyết xong việc, bao giờ tụi tôi cũng lấy cơm mà mấy bà má chuẩn bị sẵn ra ăn. Và khi chúng tôi rời khỏi được chốc lát thì mấy anh lính Việt Nam Cộng hòa lại đến, cũng được các má, các chị lấy cho đồ ăn, thức uống như thế. Trong khi các bà, các chị làm ám hiệu an toàn cho tụi tôi vào ấp bằng cách bẻ lá cây, phơi quần áo màu, thắp nhang ở bàn thờ thiên, đốt đèn hột vịt thì đồng thời cũng có ám hiệu riêng cho lính Việt Nam Cộng hòa biết là đang có bộ đội giải phóng đến để hai bên đừng đụng độ nhau.

Bản thân tôi cũng có vài lần được bà con khéo léo che chắn an toàn. Còn nhớ lần đầu tiên toán lính trinh sát toàn Bắc kỳ nhìn thấy cái hộp vuông có hình người nhảy nhót bên trong mà ngoài Bắc không có, mải nhìn lom lom mà không biết lính đến sát ngay sau lưng, nhờ có mấy bà má nhắc khéo mà cả hai bên không đổmáu. Thời gian đầu cũng có người đặt ra chuyện lập trường giai cấp chính trị, chuyện địch - ta hay là nghi ngờ bà con là “hai mang” nhưng sau này không thấy ai đặt ra chuyện đó nữa.

Trong từng ấy năm bám trụ, chính ở trong những cái nhà chòi của dân đó, tôi đã chứng kiến biết bao cuộc gặp gỡ của hai anh em ruột với hai sắc áo lính ở hai phía, những cuộc trùng phùng đầy nước mắt của cán bộ cao cấp ở R gặp vợ con nhờ được móc nối từ trong thành ra. Với bà con, mọi chuyện bao giờ cũng đơn giản, cho dù là phía bên này hai bên kia thì cũng là bà con lối xóm cả. Thằng Hai, thằng Ba là con ông Năm xóm trên; thằng Bảy, thằng Tám là con dì Tư ở xóm dưới. Mấy bà già thường nói: Tụi bây đứa nào cũng là con cháu, tao không muốn thấy đứa nào chết cả, tao chỉ cầu cho hết chiến tranh đứa nào về nhà nấy… Với mấy đứa quê ngoài Bắc như tụi tôi, các bà,các má dành cho tình cảm nhiều hơn - không chỉ bao dung mà còn xót thương vì so với mấy đứa trong Nam thì thiệt thòi nhiều hơn, không có ai thân thuộc, nhất là khi thương tật, hy sinh...

Chuyện nghe đơn giản vậy thôi nhưng tình cảm bao dung của người dân thật bao la. Với nhân dân, chiến tranh là chuyện của “mấy ông chính trị lớn”, còn với họ tất cả mọi đứa đều là dân Việt, là con cháu cả. Dường như chuyện khó khăn trong việc xóa bỏ thù hận, lấp đầy khoảng cách khác biệt, chuyện “hòa hợp dân tộc” là thứ ngôn ngữ khó nói chỉ với các chính khách, còn với nhân dân, mọi chuyện giản dị lắm, tất cả đều từ tấm lòng bao dung vậy!

TS NGUYỄN MINH HÒA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm