Cơn bão giá vật liệu xây dựng (VLXD) kéo dài từ đầu năm đến nay vẫn chưa dừng lại. Nhiều ý kiến lo ngại nguy cơ bất động sản (BĐS) tiếp tục tăng giá trong nửa cuối năm nay khiến người mua nhà ở càng thêm khó khăn.
Méo mặt vì xây nhà đội giá
Giá VLXD té nước theo mưa khiến các nhà thầu xây dựng lẫn người dân đứng ngồi không yên. Hoãn thi công là phương án được lựa chọn nhiều nhất.
Nếu tiếp tục thi công thì công ty chắc chắn thua lỗ nên ông Nguyễn Văn Huấn, Giám đốc Công ty Xây dựng LK (TP.HCM), phải thương thảo lại với chủ đầu tư về chi phí VLXD. May mắn là chủ đầu tư hiểu nên đôi bên hỗ trợ nhau nhằm giảm bớt thiệt hại, tiến độ xây dựng vẫn đảm bảo nhưng chắc chắn chi phí xây nhà tăng khoảng 20%.
Giá vật liệu xây dựng, nhân công tăng phi mã khiến nhiều dự án gặp khó khăn khi thi công. Ảnh: QUANG HUY |
Theo ông Huấn, xây nhà dân dụng thì chi phí sắt, thép chiếm khoảng 10%-20%, còn xây nhà xưởng thì sắt, thép chiếm tới 20%-30%. Như vậy, chỉ riêng thép, nhà thầu đã lỗ khoảng 15%-20% so với giá trúng thầu. Nhà dân dụng chi phí xây dựng tăng khoảng 15%-20%, nhà xưởng còn tăng cao hơn nữa.
“Thời gian xây dựng kéo dài ít nhất vài tháng nên nguy cơ bị trượt giá tác động là rất lớn. Trong khi đó, nhà xưởng quy mô lớn, giá VLXD biến động khiến nhiều công ty không dám nhận thầu” - ông Huấn nói.
Anh Duy Thái (quận 12, TP.HCM) cho biết phải hoãn kế hoạch xây nhà trong năm nay vì giá VLXD tăng cao. Ban đầu anh Thái dự kiến chi phí khoảng 2,5 tỉ đồng nhưng nay sẽ phải lên khoảng 3 tỉ đồng.
Lúc này, các chủ đầu tư cũng không vui vẻ gì khi giá VLXD tăng đẩy giá bán các sản phẩm tăng. Đại diện một công ty BĐS ở TP Thủ Đức cho biết chi phí xây dựng tăng khoảng 15%-20% do giá VLXD, nhân công tăng. Tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán các căn hộ và khách mua nhà là người phải gánh.
Khi giá VLXD tăng lên 40%-50% thì buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán lên 5%-10%, thậm chí là 15% để bù vào chi phí.
Theo đại diện công ty này, các dự án chưa công bố bán hàng hoặc chưa khởi công thì chủ đầu tư còn có thời gian điều chỉnh giá, thay đổi kế hoạch bán hàng nhưng với các dự án đã và đang khởi công xây dựng thì phải chấp nhận thiệt thòi về lợi nhuận.
Tăng giá vật liệu xây dựng chưa có dấu hiệu dừng lại
Theo Hội VLXD Việt Nam, từ cuối năm 2021 đến nay, giá các loại VLXD đã tăng liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến đầu tháng 7-2022, giá xi măng tăng 70% so với quý IV-2020, giá thép hai tháng nay giảm nhiệt nhưng vẫn tăng gần 40% so với đầu năm. Giá nhựa đường, đá xây dựng, cát đổ nền, gạch lát đường… cũng tăng bình quân 1,5 lần/tháng, mức tăng đạt khoảng 30%-35% so với cuối năm ngoái.
Trước tình trạng bão giá VLXD tại nhiều địa phương, hồi đầu tháng 6, Bộ Xây dựng có quyết định kiểm tra việc quản lý chi phí hợp đồng xây dựng, trong đó có việc quản lý giá VLXD, thiết bị, đơn giá xây dựng tại bảy địa phương.
Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra việc quản lý chi phí hợp đồng xây dựng tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, Cần Thơ, Tiền Giang, thời gian kiểm tra trong quý II và quý III-2022.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và VLXD TP.HCM, cho hay mỗi công trình, dự án, chi phí VLXD chiếm 70%-80% giá thành. Khi giá tăng bắt buộc nhà thầu phải tăng giá. Tuy nhiên, khi hợp đồng đã ký, mọi thứ sẽ rất khó khăn nếu chủ đầu tư yêu cầu bên thi công giữ giá cũ. Nếu tăng giá, nhà đầu tư cũng đứng trước nguy cơ lỗ nặng bởi biên độ lợi nhuận trong ngành xây dựng hiện nay khá thấp. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ nhà thầu không thể tiếp tục thi công, ảnh hưởng lớn đến tiến độ.
Các tập đoàn lớn đều có chính sách để điều tiết lại với nhà thầu. Mặc dù vậy, giải pháp này khá bị động và chỉ mang tính tạm thời.
Kiểm soát lạm phát, chặn đầu cơ thái quá
Dù giá BĐS tiếp tục tăng nhưng các báo cáo thị trường trong nửa đầu năm đều cho thấy thanh khoản rất kém, giao dịch giảm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), cho biết theo báo cáo từ các địa phương gửi về Bộ Xây dựng trong sáu tháng đầu năm, giá căn hộ chung cư tăng bình quân khoảng 5%-7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15%-20%.
Tuy nhiên, thanh khoản thực tế giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa cuối năm trước và đầu năm nay.
Theo ông Đính, giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng. Trong đó, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Thanh khoản sẽ giảm do dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và thận trọng hơn. Những khó khăn này không thể tháo gỡ, có thể thị trường sẽ có một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho một số doanh nghiệp.
“Hiệp hội kiến nghị Nhà nước thúc đẩy nhanh việc sửa đổi luật để tạo ra một hành lang thông thoáng. Việc kiểm soát dòng tiền phải cân đối với việc hỗ trợ các loại hình có lợi cho hoạt động kinh tế tích cực như phát triển nhà ở xã hội, du lịch. Với các chính sách điều hành của Chính phủ hiện nay, hy vọng sẽ hạn chế được khó khăn, kiểm soát lạm phát, giúp cho thị trường tích cực hơn” - ông Đính chia sẻ.
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết có hai yếu tố tác động trực tiếp đến thị trường BĐS đó là lạm phát và cung - cầu. Dù dự báo lạm phát ở nước ta không đáng lo ngại như các nền kinh tế khác nhưng vẫn phải cảnh giác bởi chúng ta vẫn phải nhập nguyên vật liệu đầu vào từ các nước. Lạm phát rõ ràng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí xây dựng và giá nhà. Nếu tỉ lệ lạm phát tăng thì việc vay tiền sẽ khó khăn khi lãi suất tăng, từ đó số lượng giao dịch sẽ giảm đáng kể.
Ông Nghĩa cũng chỉ ra nguồn cung BĐS khá khan hiếm do ít dự án mới nhưng nhu cầu đầu cơ lại nhiều. Điều này dẫn tới tình trạng lãng phí đất đai, đô thị bỏ hoang, tạo sự khan hiếm nguồn cung giả, hậu quả là giá nhà đất bị đẩy tăng mỗi ngày so với giá trị thật.
“Theo tôi, cần sự điều hành chặt chẽ, quyết liệt, minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước, có giải pháp phù hợp quản lý dòng tiền. Nhà nước cần có giải pháp xử lý xung đột pháp lý liên quan đến phát triển dự án nói chung, có biện pháp ngăn chặn vấn nạn đầu cơ thái quá thì thị trường mới minh bạch và bền vững” - ông Nghĩa góp ý.
PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:
Thông nguồn vốn nhưng có chọn lọc
Tắc dòng vốn là một trong những yếu tố đáng lo ngại khiến giá BĐS có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các dự án BĐS sử dụng nguồn vốn lớn nếu bị ngưng lại, không triển khai đúng tiến độ, thị trường bị nghẽn lại thì rủi ro rất cao.
Chính phủ cần đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, có khả năng tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, sớm có sản phẩm BĐS đưa ra thị trường trong thời gian phù hợp.
Đặc biệt, vốn tín dụng cần chú trọng cho các dự án đang trong quá trình thực thi và chuẩn bị đưa sản phẩm cung cấp cho thị trường. Theo tôi, vẫn rất cần cung cấp nguồn vốn vay cho thị trường BĐS nhưng phải có sự chọn lọc phù hợp.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA):
Sửa luật, cởi trói nguồn cung để bình ổn giá nhà
Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tiếp tục sửa đổi quy định Luật Nhà ở 2014, bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị, nhà ở thì được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Từ đó tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại, nhất là nhà ở vừa túi tiền để khắc phục tình trạng lệch pha hiện nay, tiến tới bình ổn giá nhà.
Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ TN&MT đôn đốc, hỗ trợ các địa phương ban hành quy định tiêu chí các phần diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Các phần diện tích đất công không đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính với Nhà nước để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án, tăng nguồn cung nhà ở.