Ngày 17-6, Liên minh hợp tác xã tỉnh Tiền Giang đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược với công ty Andros Asia trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái trên địa bàn tỉnh.
Đầu tư vùng nguyên liệu sạch
Ông Valentin Trần, Tổng giám đốc công ty Andros Asia cho biết, doanh nghiệp sẽ phối hợp cùng tỉnh Tiền Giang phát triển vùng nguyên liệu trồng ổi hồng ước tính 5 ha trong năm 2022, và tiếp tục mở rộng cho các năm tiếp theo. Cùng với đó là xây dựng vùng trồng sơ ri sạch nhằm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường Châu Âu và Mỹ.
Ngoài mặt hàng ổi hồng và sơ ri nguyên liệu, đơn vị này cùng tỉnh Tiền Giang sẽ xây dựng danh sách các vùng nguyên liệu trái cây có ưu thế trên địa bàn từ đó xây dựng vùng trồng sản xuất kinh doanh phù hợp.
Trao đổi với PLO, ông Valentin Trần cho biết mỗi năm doanh nghiệp này sơ chế 20.000 tấn trái cây tươi, và xuất khẩu hơn 40.000 tấn trái cây đã chế biến ra thị trường nước ngoài. Trong đó, ĐBSCL là nơi cung ứng nguyên liệu nhiều nhất, chiếm tới 35% tổng nguồn cung ứng nguyên liệu của công ty trên cả nước. Và Tiền Giang được đánh giá là vùng trái cây phát triển mạnh nhất.
Andros Asia đánh giá ĐBSCL là nơi cung ứng nguyên liệu nhiều nhất, chiếm tới 35% tổng nguồn cung ứng nguyên liệu của công ty trên cả nước. Ảnh: THU HÀ |
Ước tính tới năm 2025, doanh nghiệp sẽ nâng công suất thu mua lên 30.000 tấn trái cây địa phương mỗi năm.
“Để đạt được mục tiêu thu mua 30.000 tấn trái cây địa phương mỗi năm thì việc phát triển nguồn nguyên liệu là ưu tiên hàng đầu của công ty. Chúng tôi không chỉ là thu mua trái cây mà sẵn sàng đầu tư phát triển và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của người nông dân”- ông Valentin Trần nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, hiện nay ngoài việc xuất khẩu dưới dạng thành phẩm và chế biến sang các thị trường khó tính của châu Âu thì các sản phẩm như mứt, nguyên liệu pha chế đồ uống, bánh ngọt, nước uống đóng chai, sản phẩm trái cây cho trẻ em… cũng phục vụ rộng rãi cho thị trường nội địa. Một số đối tác nổi trội sử dụng nguyên liệu của Andros Asia như hệ thống The Coffee House, Phúc Long, Highlands Coffee, hãng bánh Tour les jour hay doanh nghiệp lớn như Vinamilk.
Trái cây sạch, tiềm năng xuất ngoại lớn
Ông Tạ Văn Vĩnh, hộ nông dân trồng sơ ri tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, gia đình ông trồng sơ ri khoảng 10 năm nay và hơn 5 năm qua đã chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp an toàn, chăm sóc theo quy trình mà doanh nghiệp đề ra và hướng dẫn.
Ông Vĩnh thừa nhận, việc trồng theo quy chuẩn an toàn, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho việc chăm sóc, cây ít sâu bệnh và chất lượng quả cao hơn so với thông thường. Theo đó, với 250 gốc sơ ri, trung bình gia đình ông thu về khoảng 21 tấn/năm, với đầu ra ổn định.
Đánh giá tiềm năng của thị trường trái cây nhiệt đới Việt Nam, ông Valentin Trần cho biết, trái cây Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển ở thị trường nước ngoài, bởi sở hữu nhiều lợi thế về giống, chất lượng sản phẩm lẫn giá thành tốt.
"Một số quốc gia trên thế giới như Úc, Mỹ, Trung Quốc, Pháp... rất chuộng các sản phẩm từ trái cây Việt Nam như chanh dây tím, xoài keo, thanh long ruột đỏ... Tuy nhiên, so với các mặt hàng trái cây trên thế giới thì Việt Nam chỉ nằm ở mức trung bình do nhu cầu cũng như chất lượng sản phẩm"- Tổng giám đốc Andros Asia đánh giá.
Các sản phẩm chế biến từ trái cây nhiệt đới của Việt Nam đang được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Ảnh: THU HÀ |
Chính vì thế, theo vị này để trái cây nội địa tiến xa hơn nữa và tránh được bài toán được mùa mất giá thì câu chuyện về chất lượng sản phẩm, thay đổi thói quen trồng trọt truyền thống sang canh tác bền vững cần được chú trọng thực hiện.
"Trong những năm qua chúng tôi đã phối hợp cùng các tỉnh thành xây dựng vùng nguyên liệu sạch như Bình Thuận, An Giang để đạt chứng nhận Global G.A.P cho thanh long ruột đỏ. Vùng xoài và vùng hoa tại tỉnh Tiền Giang. Mở vùng nguyên liệu chanh dây tại tỉnh Đak Lak nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước”- ông Valentin Trần chia sẻ.
Bà Emmanuelle Pavillon- Grosser, Tổng lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam đánh giá, hiện nay, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Pháp vào Việt Nam khoảng 4-5 tỉ USD.
Đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước, do đó trong thời gian tới, bà Emmanuelle Pavillon- Grosser kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt tham gia đầu tư tại Pháp ở nhiều lĩnh vực như phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp, thực phẩm…