Bao giờ dẹp được tiếng ồn karaoke trong khu dân cư?

Trong tuần, các bài viết “Xử lý tiếng ồn, xin đừng đợi đến 22 giờ đêm!”, “Mức phạt mới khi gây tiếng ồn sau 22 giờ” trên Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều bạn đọc tiếp tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ việc hát karaoke trong các khu dân cư.

Nhiều bạn đọc cũng quan tâm về việc có quy định mới về xử phạt đối với hành vi làm ồn ào, huyên náo… tại khu dân cư. Và với quy định mới này, cụ thể là Nghị định 144/2021, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 thì có dẹp được nạn hát karaoke trong khu dân cư.

Gây ồn ào lúc nào thì nên phạt lúc đó

Bạn đọc Thành Nhân ý kiến: “Cả nhà tôi đi làm, đi học cả ngày và khi về nhà chỉ muốn được nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động cho ngày hôm sau. Thế nhưng về nhà lại mệt mỏi với tiếng ồn từ việc hát karaoke của hàng xóm, mà đâu chỉ một nhà hát, bên hông, đối diện nhà đều hát. Khi nhắc nhở thì họ nói thông cảm nhà có tiệc, tiệc tổ chức ăn uống thôi được rồi, còn ca hát đến mấy tiếng đồng hồ thì ai chịu cho nổi. Theo tôi, nếu đã phạt thì giờ nào gây ồn là phạt, chứ đừng giới hạn giờ giấc. Người dân dù buổi sáng, trưa, chiều gì thì cũng cần sự yên tĩnh”.

“Biết rằng hát hò là nhu cầu giải trí của mỗi người, vui thì mới hát nhưng phải có chừng mực. Đằng này, xóm tôi buổi sáng, buổi trưa, buổi tối lúc nào cũng có người hát thì làm sao mà chịu nổi. Sợ nhất là những dân nhậu hát hò trong những buổi tiệc. Nhậu xong, có chút hơi men là họ sẽ mở dàn karaoke lên hát tới khuya, nói hét thì đúng hơn. Hiện đã có quy định mới về xử phạt các trường hợp gây ồn trong khu dân cư, tôi đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Có như vậy mới răn đe được chứ người dân phản ánh, địa phương đến nhắc nhở thì chỉ như “nước đổ đầu vịt”, chẳng ai nghe” - bạn đọc Ngọc Anh ý kiến.

Người dân tổ chức hát karaoke gây ồn ào. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cũng theo bạn đọc Mạnh Hùng: “Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong các khu dân cư đã diễn ra rất lâu rồi, các cấp chính quyền cũng nhiều lần chỉ đạo xử lý nhưng đến nay vẫn không chuyển biến gì nhiều. Tôi nghĩ vấn đề là các cơ quan thực thi có quyết tâm hay không mà thôi. Việc xử phạt tiếng ồn thì không thể cả nể, nhắc nhở qua loa. Luật đã quy định, cứ theo đó mà làm và chỉ có phạt vài lần, đưa ra phê bình tại địa phương là sẽ ổn. Ngoài ra, đã gây ồn thì giờ nào, ngày nào cũng là gây ảnh hưởng đến người khác thì phải phạt chứ không thể đợi quá 22 giờ mới phạt. Không xử nghiêm thì không biết bao giờ mới dẹp được nạn karaoke trong các khu dân cư”.

Có trường hợp xử lý không cần đo tiếng ồn

Theo Nghị định 144/2021, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 55/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016 cũng nêu rõ phạt từ 1 triệu đến 160 triệu đồng cho hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn bất kể giờ giấc nào.

Trao đổi với PV liên quan đến vấn đề xử lý tiếng ồn từ loa karaoke, một lãnh đạo Phòng TN&MT quận Bình Tân cho biết hiện nay đã có quy định về chế tài đối với những trường hợp kinh doanh ồn ào, nằm ngoài khung thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau thì cần phải có thiết bị đo.

Tuy nhiên, đối với vi phạm tiếng ồn karaoke tự phát trong khu dân cư ngoài khung giờ quy định phạt như trên thì tùy theo từng vụ việc mà xử phạt theo Điều 8 Nghị định 144/2021.

Cụ thể, hành vi vi phạm tiếng ồn như không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung; bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương thì xử phạt được.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 144/2021 cũng quy định phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền. Thời gian vi phạm không cần đến 22 giờ mới phạt được.

“Như vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi hát karaoke gây ồn ngoài khung giờ từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau cũng không nhất thiết phải đo độ ồn mới xử phạt. Tùy theo vụ việc mà vận dụng quy định theo Nghị định 144/2021. Việc xử lý tiếng ồn trong khu dân cư từ loa hát karaoke do UBND phường hoặc công an phường xử lý vi phạm” - một lãnh đạo Phòng TN&MT quận Bình Tân cho hay.•

Cần sự trong sạch, minh bạch cho thị trường chứng khoán

Trong tuần qua, các bài viết “Thiệt hại từ vụ bán cổ phiếu của tỉ phú Trịnh Văn Quyết”, “Thấy gì từ chuyện tỉ phú Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu?” trên Pháp Luật TP.HCM đã thu hút được nhiều bình luận của bạn đọc.

. Bạn đọc Anh Quân bình luận: “Chỉ sau một ngày vụ việc bán chui cổ phiếu xảy ra, cơ quan chức năng đã phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, hủy việc bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC.

Đây không chỉ là sự vào cuộc xử lý một hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán mà nhìn rộng ra, nó còn có tác dụng làm trong sạch, minh bạch cho thị trường chứng khoán Việt Nam trước các nhà đầu tư nước ngoài”.

. Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Văn bày tỏ: “Gian lận trong giao dịch mua bán cổ phiếu có thể thu lợi hàng ngàn tỉ đồng nhưng mức phạt tối đa hiện nay đối với cá nhân chỉ là 1,5 tỉ đồng như vậy là rất thấp. Do đó, các cơ quan quản lý cần điều chỉnh để có chế tài đủ mạnh, từ đó mới đủ sức răn đe”.

Cũng trong tuần, các bài viết:“Tân Hoàng Minh xin không mua đất vàng Thủ Thiêm trúng đấu giá”, “UBND TP.HCM đã nhận được tâm thư của Tân Hoàng Minh” cũng nhận được nhiều ý kiến của độc giả.

. Bạn đọc Anh Văn bình luận: “Chưa biết đằng sau câu chuyện đơn phương chấm dứt kết quả trúng đấu giá, sẵn sàng bỏ gần 600 tỉ đồng tiền cọc là gì nhưng cơ quan chức năng cũng cần lưu tâm. Cụ thể là các cơ quan quản lý phải có biện pháp phòng ngừa, tránh trường hợp giá đất tại Thủ Thiêm bị đẩy lên thành giá ảo, gây hệ lụy không tốt cho thị trường bất động sản ở TP.HCM”.

. Bạn đọc Trần Toán chia sẻ: “Sau vụ việc này, cơn sốt giá đất tại Thủ Thiêm cũng được hạ nhiệt xuống. Nhưng về lâu về dài cần có quy định chặt chẽ hơn đối với các cuộc đấu giá đất, tránh trường hợp người trúng đấu giá chấp nhận bỏ cọc để hủy kết quả đấu giá”. HỮU ĐĂNG

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm