Trong báo cáo “Tình hình nợ công 2018” do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trình bày có chi tiết: “Trong năm 2018, đã thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ cho 2 dự án điện với tổng trị giá là 1.614 triệu USD”.
PLO đặt câu hỏi xem hai dự án điện đó là hai dự án nào, trước khi vay có đánh giá rủi do hay không và hiệu quả của việc bảo lãnh chính phủ cho đến nay đối với hai dự án điện này như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: năm 2018, hai dự án điện được cấp bảo lãnh chính phủ với tổng trị giá hơn 1,6 tỉ USD. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Võ Hữu Hiển, Cục Phó Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thông tin: Hai dự án điện được cấp bảo lãnh chính phủ với tổng trị giá hơn 1,6 tỉ USD là Dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng và Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 của PVN.
Ông Hiển giải thích rằng: việc cấp bảo lãnh chính phủ cho hai dự án điện này có trước khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực, nên việc bảo lãnh chính phủ do Thủ tướng Quyết định chủ trương.
Còn về mặt đánh giá hiệu quả, rủi ro thì do Bộ Công Thương và các cơ quan chủ quản của hai dự án này thực hiện. Việc đánh giá bao gồm cả khả năng trả nợ. “Các dự án điện dạng này là dự án trọng điểm quốc gia cần phải đầu tư. Vì thế, Thủ tướng giao cho các cơ quan liên quan đánh giá.
Mặt khác, các ngân hàng và tổ chức tín dụng cho vay họ cũng đánh giá. Nếu có khả năng trả nợ thì họ mới cho vay”, ông Hiển nói.
Ông Võ Hữu Hiển (trái) cho hay: việc các ngân hàng và tổ chức tín dụng có giải ngân 1.6 tỉ USD được bảo lãnh chính phủ như thế nào còn tùy thuộc vào tiến độ triển khai dự án. Ảnh: CHÂN LUẬN
Về tiến độ giải ngân, ông Hiển cho rằng: năm 2018, theo quyết định chủ trương của Thủ tướng, thì hai dự án này mới được cấp bảo lãnh chính phủ. Còn tiến độ giải ngân thế nào thì lại tùy thuộc vào tiến độ giải ngân của hai dự án này.
“Có thể tùy thời gian và tiến độ, có khi người ta sẽ giải ngân vài chục triệu USD, cũng có khi là hàng trăm triệu USD. Cái này tùy thuộc vào tiến độ triển khai của hai dự án này”, ông Hiển giải thích.
Theo thông tin được công khai, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng là một trong những dự án cấp bách góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện cho miền Nam sau năm 2020 của Chính phủ do EVN làm chủ đầu tư. Dự án này do Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) thực hiện Tư vấn Quản lý dự án, có tổng mức đầu tư trên 23.000 tỉ đồng, tổng công suất lắp đặt 600 MW (1x600MW), sản lượng điện sản xuất khoảng 3,6 tỉ kWh/năm.
EVNGENCO3 đánh giá dự án này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của ngành điện lực Việt Nam với một số đặc điểm nổi trội như sử dụng than có quy mô lớn đầu tiên sử dụng thông số hơi siêu tới hạn được xây dựng ở Việt Nam, tỷ trọng nội địa hóa cao, công trình nhà máy nhiệt điện quy mô lớn đầu tiên do đơn vị tư vấn của Việt Nam chủ trì phần thiết kế.
Còn dự án Sông Hậu 1 là Nhà máy nhiệt điện đốt than siêu tới hạn công suất 1.200MW (2x600MW), bao gồm hai lò hơi, hai tuabin và hai máy phát cùng hệ thống phụ trợ. Nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Sông Hậu được xây dựng tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Dự án Do Tập đoàn Dầu khí quốc gia làm chủ đầu tư, Tổng công ty LILAMA-CTCP làm tổng thầu EPC.