Tình hình bạo loạn ở Pháp liên quan vụ nam thiếu niên Nahel M. gốc Bắc Phi bị cảnh sát giao thông bắn chết đã kéo gài gần một tuần và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Trong ngày 2-7, một ô tô bốc cháy đã đâm thẳng vào nhà ông Vincent Jeanbrun - người đứng đầu vùng L’Hay-les-Roses, ngoại ô thủ đô Paris. Theo hãng tin AP, việc người biểu tình tấn công vào nhà một quan chức đã khiến tình hình trở nên đáng quan ngại hơn.
Thị trưởng Vincent Jeanbrun cho biết vụ tấn công diễn ra lúc 1 giờ 30 sáng 2-7. Vợ và 1 đứa con của ông bị thương trong vụ việc. Khi ấy, ông đang ở trong tòa thị chính để theo dõi tình hình các vụ biểu tình.
Cảnh sát Pháp dùng hơi cay giải tán một nhóm người biểu tình. Ảnh: AFP |
Tổng số người bị bắt lên hơn 3.000 người. Hàng trăm cảnh sát và lính cứu hỏa đã bị thương trong các cuộc đụng độ với người biểu tình.
Tối 2-7, Tổng thống Emmanuel Macron đã tổ chức cuộc họp an ninh đặc biệt. AP dẫn lời một quan chức chính phủ cho biết ông Macron có kế hoạch gặp những người đứng đầu 2 viện của quốc hội vào ngày 3-7 và dự kiến gặp người đứng đầu của 220 thị trấn, thành phố bị các cuộc biểu tình ảnh hưởng.
Các cuộc biểu tình ở Pháp bắt đầu vào ngày 27-6 sau vụ cảnh sát giao thông bắn chết thiếu niên 17 tuổi tên Nahel. Tang lễ của cậu Nahel bắt đầu ngày 1-7, hàng trăm người đã xếp hàng để vào nhà thờ Hồi giáo ở thị trấn Nanterre (ngoại ô thủ đô Paris) dự lễ tang.
Trả lời phỏng vấn đài BFM TV, bà của Nahel kêu gọi người biểu tình dừng các hành động bạo loạn. “Đừng phá cửa sổ, xe buýt, trường học. Chúng tôi muốn mọi thứ bớt căng thẳng” - bà nói.
Ngày 2-7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông theo dõi và cảm thấy lo ngại về các cuộc bạo loạn ở Pháp. Pháp là một "quốc gia láng giềng thân thiện. Paris và Berlin cùng nhau đảm bảo Liên minh châu Âu hoạt động hiệu quả. Đó là lý do tại sao chúng tôi cảm thấy quan ngại với tình hình bạo loạn ở Pháp. Tôi rất hy vọng và chắc chắn rằng tổng thống Pháp sẽ tìm cách nhanh chóng cải thiện tình hình" - ông nói.