Điều gì dẫn đến biểu tình bạo động gần đây ở Pháp?

(PLO)- Giới chức Pháp đang tăng cường các biện pháp an ninh trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo động chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều nơi ở nước Pháp đang chứng kiến các đợt đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình. Theo tờ The New York Times, đợt biểu tình đã kéo dài sang đêm thứ ba, nhiều người biểu tình đốt xe, phá hoại các tòa nhà, đốt pháo bên ngoài đồn cảnh sát.

Điều gì dẫn đến các cuộc biểu tình?

Vào sáng 27-6, một sĩ quan cảnh sát đã bắn chết thiếu niên 17 tuổi tên Nael M khi người này đang trong xe hơi ở Nanterre, ngoại ô thủ đô Paris (Pháp). Công tố viên ở Nanterre cho biết cảnh sát chặn Nael lại vì trông Nael còn quá trẻ và đang lái một chiếc Mercedes có biển số Ba Lan trên làn đường dành cho xe buýt. Khi cảnh sát ngăn Nael lại, anh ta đã lái xe vượt đèn đỏ để bỏ chạy.

Ảnh cắt từ video ghi lại cảnh cảnh sát chặn xe của Nael M. Ảnh: CNN

Ảnh cắt từ video ghi lại cảnh cảnh sát chặn xe của Nael M. Ảnh: CNN

Sau đó, do kẹt xe, xe của Nael không thể di chuyển được nữa và các cảnh sát đã tiếp cận chiếc xe của anh. Các công tố viên cho biết Nael chết sau một phát đạn duy nhất xuyên qua cánh tay trái và ngực.

Nhiều người bức xúc với việc cảnh sát nổ súng. Sau khi tin tức về vụ việc được công bố, nhiều người dân đã biểu tình trên các đường phố ở Nanterre.

Mọi người phản ứng ra sao sau vụ việc?

Sau cái chết của Nael, mẹ của anh đã đăng tải một video lên Instagram. Trong video, bà nói: "Tôi đã mất đứa con 17 tuổi. Họ đã bắt con tôi. Nó vẫn còn là một đứa trẻ. Nó cần mẹ nó. Sáng nay, nó còn nói: ‘Mẹ ơi, con yêu mẹ’. Và tôi đã bảo nó hãy cẩn thận”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân. Ông gọi hành vi của cảnh sát là “không thể giải thích được” và “không thể bào chữa”.

Trên Twitter, cầu thủ Kylian Mbappe viết: “Tôi buồn cho nước Pháp của tôi. Tình huống này không thể chấp nhận được. Tâm trí tôi hướng về gia đình và những người thân yêu của Nael. Thiên thần nhỏ này đã ra đi quá sớm”.

Một cuộc biểu tình ở Pháp hôm 29-6. Ảnh: AP

Một cuộc biểu tình ở Pháp hôm 29-6. Ảnh: AP

Viên cảnh sát bắn chết Nael bị xử lý ra sao?

Vào tối 29-6, văn phòng công tố Nanterre thông báo viên cảnh sát bắn chết Nael đã bị điều tra chính thức về tội cố ý giết người và đang bị tạm giam. Trước đó, công tố viên Pascal Prache tại văn phòng công tố Nanterre cho biết sĩ quan cảnh sát này đã không đáp ứng đủ “các điều kiện pháp lý để sử dụng vũ khí”.

Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp BFM-TV, luật sư của viên cảnh sát cho biết viên anh này đang rất tiếc và "rất đau khổ".

Các cuộc biểu tình diễn ra thế nào?

Tại Nanterre, những người biểu tình bắn pháo hoa và ném đá vào cảnh sát. Cảnh sát dùng hơi cay để giải tán những người biểu tình. Trong đêm 27-6, giới chức Pháp cho biết đã có 40 chiếc ô tô bị người biểu tình đốt cháy và 24 cảnh sát bị thương trong các cuộc đụng độ.

Tại những nơi khác, tình hình cũng rất căng thẳng. Theo phát ngôn viên của cảnh sát quốc gia Pháp, nhiều trường học, đồn cảnh sát, tòa thị chính và các tòa nhà công cộng khác tại nhiều nơi trên nước Pháp đã bị người biểu tình tấn công, đốt phá. Tuy nhiên, phần lớn thiệt hại được ghi nhận ở ngoại ô Paris.

Hỏa hoạn đã làm hư hại tòa thị chính ở L’Ile-Saint-Denis, ngoại ô Paris, gần sân vận động quốc gia Pháp. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết 170 sĩ quan đã bị thương nhưng không có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng.

Người biểu tình đối mặt với cảnh sát ở Nanterre, ngoại ô Paris (Pháp) vào ngày 29-6. Ảnh: AFP

Người biểu tình đối mặt với cảnh sát ở Nanterre, ngoại ô Paris (Pháp) vào ngày 29-6. Ảnh: AFP

Chính quyền phản ứng ra sao?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức một cuộc họp an ninh khẩn cấp vào ngày 29-6 để bàn về tình hình bạo lực đang diễn ra.

“Những hành động này là hoàn toàn phi lý” - ông Macron nói khi bắt đầu cuộc họp. Ông cho biết cuộc họp nhằm dập tắt các điểm nóng và lập kế hoạch cho những ngày tới “để an ninh hoàn toàn có thể trở lại”.

Ngày 29-6, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết 40.000 cảnh sát sẽ được huy động trên khắp cả nước để đối phó khả năng làn sóng biểu tình lan rộng. Con số này tăng gấp hơn 4 lần so với số lượng 9.000 cảnh sát trước đó. Chỉ riêng ở khu vực Paris, số lượng cảnh sát được triển khai đã tăng hơn gấp đôi, lên 5.000 người.

Ông Darmanin nói: “Những kẻ chuyên gây mất trật tự phải về nhà. Mặc dù chưa cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Phản ứng của chính quyền sẽ cực kỳ kiên quyết”.

Theo phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Pháp, khoảng 100 vụ bắt giữ diễn ra trên toàn quốc trong tối 29-6.

Theo đài CNN, các bộ trưởng trong chính phủ Pháp được yêu cầu hoãn các chuyến đi không khẩn cấp và ở lại Paris để giải quyết tình hình. Một số vùng ở ngoại ô Paris đã áp lệnh giới nghiêm. Phương tiện giao thông công cộng ở một số nơi cũng hạn chế giờ hoạt động.

Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy tại một văn phòng của ngân hàng Credit Mutuel, ngoại ô Paris (Pháp) vào ngày 29-6. Ảnh: AFP

Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy tại một văn phòng của ngân hàng Credit Mutuel, ngoại ô Paris (Pháp) vào ngày 29-6. Ảnh: AFP

Từng có vụ việc tương tự xảy ra chưa?

Theo The New York Times, tình trạng hiện tại khiến nhiều người nhớ đến các cuộc biểu tình vào năm 2005. Khi ấy, 2 thiếu niên bị điện giật dẫn đến tử vong khi ở trong một trạm biến áp ở Clichy-sous-Bois, ngoại ô Paris để trốn cảnh sát. Hãng tin AP đánh giá đợt biểu tình lần này lan rộng nhanh hơn so với các cuộc biểu tình năm 2005.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm