Tình hình Hamburg (Đức) ngày 6-7, một ngày trước hội nghị G20 rất căng thẳng và bạo lực. Đã có hàng chục cảnh sát bị thương vì đụng độ với người biểu tình phản đối hội nghị G20 sẽ diễn ra ở đây trong hai ngày 7 và 8-7.
Hội nghị G20 sẽ diễn ra trong không khí bạo lực khi cảnh sát ước tính có khoảng 100.000 người biểu tình ở Hamburg, trong đó khoanh vùng khoảng 8.000 người sẵn sàng có hành động bạo lực. Số người biểu tình này không chỉ từ Đức mà cả đến từ nhiều nước châu Âu. Họ đến để lên án G20 không giải quyết được nhiều vấn đề đang đe dọa hòa bình thế giới. 20.000 cảnh sát được huy động giữ an ninh hội nghị.
Người biểu tình phong tỏa địa điểm diễn ra G20, ngày 6-7. Ảnh: REUTERS
Ngày 6-7 ít nhất có 13.000 người xuống đường biểu tình tại điểm sẽ diễn ra hội nghị, trong số này có khoảng 1.000 người mặc quần áo đen, che mặt. Cảnh sát dùng vòi rồng và hơi cay cố giải tán trong khi người biểu tình phá xe cộ, phóng hỏa ném chai lọ phản đối hội nghị. Cuộc xung đột diễn ra tới tận nửa đêm. Gần 75 cảnh sát bị thương.
Người biểu tình phóng hỏa xe cộ. Ảnh: REUTERS
Hội nghị G20 là cơ hội để Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh bóng uy tín chính trị tìm kiếm nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư. Tuy nhiên Reuters nhận định bà Merkel đã chọn mạo hiểm khi quyết định tổ chức hội nghị G20 ở TP Hamburg vốn có khá đông dân nhập cư, có thể để chứng minh cho thế giới thấy nước Đức dân chủ có khả năng trị được biểu tình.
Cảnh sát dùng vòi rồng giải tán biểu tình. Ảnh: REUTERS
Trước hội nghị là thời gian các lãnh đạo G20 có các cuộc gặp song phương. Trong lúc cảnh sát bận rộn giải tán biểu tình thì lãnh đạo G20 cũng bận rộn với các cuộc gặp gỡ con thoi.
Tối 6-7 bà Merkel đã gặp Tổng thống Donald Trump trong khoảng một giờ. Ông Trump từ Ba Lan bay sang Đức chiều 6-7. Cùng sang Đức lần này với ông Trump là Đệ nhất phu nhân Melania Trump, con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner, Ngoại trưởng Rex Tillerson. Tham gia hội nghị G20 và gặp gỡ lãnh đạo các nền kinh tế lớn của thế giới là một thách thức nữa với ông Trump vì quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris.
Bà Merkel (phải, giữa) tiếp ông Trump (trái, giữa) tối 6-7. Ảnh: REUTERS
Các quan chức Đức và Mỹ cho biết bà Merkel và ông Trump đã bàn các chủ đề của hội nghị, về Triều Tiên, Trung Đông, Ukraine. Theo Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, hai bên đã có “nhiều điểm chung” về chính sách đối ngoại, tuy nhiên vẫn còn “những bất đồng rõ rệt” về biến đổi khí hậu và thương mại.
Sau cuộc gặp với ông Trump, bà Merkel đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ông Erdogan trước đó chỉ trích nặng nề chính phủ Đức không cho phép ông phát biểu trước cộng đồng người Turk ở Hamburg.