Điểm đến trong chuyến công du nước ngoài thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là một nước lớn hay một đồng minh lớn, mà là Ba Lan – một thành viên NATO.
Theo ABC News, Tổng thống Trump sẽ thăm Ba Lan vào đầu tháng 7 tới tham dự hội nghị Sáng kiến 3 Biển với hơn 10 nước châu Âu, trước khi đến Đức tham dự hội nghị G20.
Văn phòng Tổng thống Ba Lan cho biết đã nỗ lực hàng tháng trời thuyết phục ông Trump đồng ý chuyến thăm này. Vì sự tham dự của ông Trump, Ba Lan đã chuyển địa điểm hội nghị dự kiến là TP Wroclaw về thủ đô Warsaw.
Đây được coi là một thành công với Ba Lan khi được ông Trump chọn thăm trước cả các đồng minh NATO lớn hơn như Pháp, Anh, Đức. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cuối tuần rồi nói chuyến thăm sắp đến của ông Trump là “thắng lợi ngoại giao lớn của Ba Lan”, cho thấy vị trí của Ba Lan trên chính trường thế giới đã thay đổi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (phải) tại hội nghị NATO ở Bỉ tháng 5. Ảnh: PAP.PL
Chắc chắn tại Ba Lan ông Trump sẽ được đón tiếp nồng hậu hơn ở Đức, khi mà Đức cũng như nhiều lãnh đạo thế giới đang bất mãn với quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.
Theo Phó Giáo sư Salvatore Babones tại đại học Sydney (Úc), có nhiều nguyên nhân ông Trump chọn Ba Lan cho chuyến công du thứ hai.
Giữa hai chính phủ Mỹ và Ba Lan hiện tại có nhiều điểm chung. Chính phủ của Tổng thống Andrzej Duda chia sẻ nhiều quan điểm của ông Trump như phản đối nhập cư Hồi giáo, ủng hộ khai thác than, bi quan về các tổ chức quốc tế trong đó có EU. Cả ông Trump và ông Duda đều được xem là theo chủ nghĩa dân tộc.
Không loại trừ nguyên nhân ông Trump thiện cảm với Ba Lan khi nước này là một trong số 5 nước ít ỏi của NATO đáp ứng chỉ tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng, và nhân chuyến đi này dằn mặt các nước lớn khác trong NATO như Đức.
Từ khi nắm quyền năm 2015, ông Duda đã không tiếc tiền đầu tư cho quân đội, muốn Ba Lan thay thế Đức như cái “sườn phía tây của liên minh”, kiên trì vận động để NATO tăng hiện diện ở Ba Lan để đối phó Nga. Ba Lan đáp ứng chỉ tiêu chi 2% cho quốc phòng, trong khi đó Đức chỉ chi 1,19% GDP, đứng thứ 16 trong 28 nước NATO.
Ba Lan cũng đáp ứng chỉ tiêu NATO khi dành tới 25,8% tiền ngân sách quốc phòng mua thiết bị, khí tài, vũ khí, trong khi chỉ tiêu NATO là 20%. Đức thì chỉ dành ra 13,7%.
Tại Bỉ tháng trước, khi bị ông Trump phàn nàn không chi tiêu quốc phòng đúng mức, các lãnh đạo NATO kêu gọi nhau tăng chi tiêu quốc phòng. Nhưng “kêu gọi” và “làm” là hai chuyện khác nhau.
Tại châu Âu, Ba Lan đang dần được xem là mặt trận trung tâm của NATO và rất cần Mỹ hỗ trợ. Vì liên quan với Ukraine, Mỹ xem Ba Lan như một tiền đồn của mình ở Tây Âu.
Cho đến thập kỷ 1990, quân đội Đức vẫn là lực lượng chính của NATO, đặc biệt trong thời điểm chiến tranh lạnh. Tuy nhiên hiện tại đã khác khi Đức không còn khả năng thực hiện các chiến dịch quân sự lớn, và cũng chưa có nước nào sẵn sàng thế chỗ.
Điều 5 phòng thủ chung trong hiệp ước NATO thực chất là một cam kết đơn phương của Mỹ với an ninh các nước NATO. Vì khó khăn kinh tế, ngân sách quốc phòng các nước NATO giảm không phanh trong thời gian 2008-2015. Rất nhiều nước không còn khả năng tự bảo vệ chính mình chứ đừng nói bảo vệ nước khác.